Xem phim về Vũ Hán, thương Sài Gòn hôm nay
Cuối năm 2020, đầu 2021, bộ phim được coi là “mong đợi nhất năm 2020” của Trung Quốc mang tên Sát cánh ra mắt. Cũng gần thời điểm này, người dân Vũ Hán vui mừng tuyên bố mình đang sống trong “thành phố an toàn nhất thế giới”.
Sát cánh - Cùng bên nhau hay Người Vũ Hán, có khá nhiều tên được dịch cho bộ phim đặc biệt này. Bộ phim được các nhà làm phim bắt tay vào thực hiện ngay từ những ngày Vũ Hán còn trong tâm dịch. Thời điểm đó, không ít dư luận Trung Quốc lên tiếng, cho rằng “còn quá sớm để hát khúc khải hoàn”. Nhưng khi ra mắt, Sát cánh lại gây rúng động, lấy đi nước mắt của biết bao người dân Trung Quốc và khán giả trên thế giới. Bộ phim hoàn toàn không phải là một “khúc ca chiến thắng” như suy nghĩ của bao người. Nó khắc họa một cách chân thực và nhân văn những đau thương, mất mát, hy sinh của Vũ Hán những ngày chống dịch. Những cảm xúc mà có lẽ, người dân TPHCM lúc này càng cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết.
Báo chí Trung Quốc đã đánh giá bộ phim chính là bức tranh thu nhỏ về người dân trong tình hình dịch bệnh. Đó không phải một bức tranh hào hùng, tráng lệ, một bản anh hùng ca rúng động. Đó là những câu chuyện hàng ngày trong dịch, với sự cống hiến âm thầm của những con người vô danh. Người y tá đạp xe hàng trăm cây số tới Vũ Hán phục vụ bệnh nhân, những shipper giao hàng tới ổ dịch, người phụ nữ chuyển dạ trong bối cảnh các bệnh viện thiếu giường trầm trọng, bác sĩ hoang mang khi không phán đoán được nguồn gốc bệnh... Một thanh niên trên chuyến tàu đi tỉnh Hồ Nam nhưng vô tình dừng chân ở Vũ Hán và mắc kẹt lại và trở thành tình nguyện viên ở bệnh viện, những người thợ xây tích cực tham gia kiến tạo nên Bệnh viện dã chiến, các cán bộ kiểm soát dịch bệnh, các chiến sỹ công an cảnh sát bám sát địa bàn cùng chung tay dập dịch, những người dân khó khăn nhưng bôn ba giúp đỡ lẫn nhau...
Bộ phim không “làm quá”, cũng không dùng nhiều tiểu xảo lấy nước mắt. Tất cả mọi con người, mọi tình huống đều rất đỗi chân thực. Tất cả khiến cho người xem nghẹn ngào, xúc động tận tâm can. Vì những câu chuyện ấy, con người ấy đều là chuyện có thật của Vũ Hán và biết bao thành phố khác trong những ngày đại dịch. Họ sống động như bước thẳng từ cuộc đời vào phim. Mỗi hành động, mỗi cảm xúc của các nhân vật trong phim, người xem hoàn toàn thấu hiểu, đồng cảm. Người ta không phải đang xem mà dường như đang sống trong những khoảnh khắc của bộ phim.
Với người Sài Gòn trong những ngày tháng này, bộ phim như một tấm gương để soi mình vào. Ta thấy trong ấy những con người xung chung quanh ta, hàng ngày. Thấy trong đó cả mất mát, tổn thương, hy sinh, cả sự quên mình, tình yêu thương và lòng cảm phục.
Ngay trong lúc dịch bùng mạnh mẽ nhất tại Vũ Hán, bộ phim tài liệu Đêm trường Vũ Hán được ra mắt công chúng. Ekip làm phim cũng chính là những người đã kẹt lại thành phố này trong lệnh phong tỏa. Những thành viên trong đoàn phim mượn xe đạp, đạp khắp thành phố để quay những thước phim cực kì sống động và chân thực về một Vũ Hán đang chìm trong giấc ngủ, mà nói đúng hơn, đó không phải là một giấc ngủ, đó là một cơn ác mộng kéo dài. Có những người, chết đi mà vẫn chưa hiểu vì sao thành phố tươi đẹp của họ lại trở nên như thế, cuộc sống vốn vui vẻ của họ lại sụp đổ trong phút chốc. Bốn phút cho một đoạn phim tài liệu đã gây nỗi ấm ảnh lớn cho người dân toàn thế giới vế cái chết lâm sàng của một thành phố từng phát triển vượt bậc.
Vượt qua ác mộng
Tháng 1/2020, người đàn ông đầu tiên chết vì COVID - 19 sau khi đến một khu chợ hải sản ở Vũ Hán. Một cái chết lúc ấy được xem như bao cái chết vì bệnh tật giữa cuộc đời này. Chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán. 10 giờ sáng ngày 23/1/2020, lệnh phong tỏa được ban hành. Trước đó, người ta chứng kiến hàng ngàn cuộc tháo chạy.
Poster phim Sát cánh. |
Giao thông tê liệt, chỉ những chuyến đi chở nhân viên y tế từ các nơi vẫn tiếp tục đổ về Vũ Hán. Đường phố vắng lặng một cách bàng hoàng. Mỗi ngôi nhà trở thành một pháo đài. Một thành phố từng hoa lệ, rực rỡ, thủ phủ một tỉnh lớn với hơn 14 triệu dân đã trở thành thành phố chết. Nỗi đau quánh đặc trong không gian, những tiếng kêu gào thảng thốt. Những lời cầu cứu trên mạng xã hội khiến lòng người đớn đau. Có thời điểm ngày cao điểm tại Vũ Hán xác định hơn 10.000 ca nhiễm. Cả thế giới lúc ấy đều hướng về Vũ Hán.
Thế mà, 76 ngày sau phong tỏa, cơn ác mộng Vũ Hán dần kết thúc. Thành phố bắt tay vào tái thiết, người dân dò dẫm bắt đầu lại cuộc sống đã bị gián đoạn một cách thô bạo bởi con virus lạ lẫm, vô hình.
Đến hôm nay, nguy cơ dịch bệnh thì vẫn quanh quẩn toàn cầu, nhưng người Vũ Hán đã có thể sống bình thường trong dịch. Họ đã có hơn một cả năm để quay trở lại đời sống, để tiếp tục sản xuất, tiếp tục vận hành lại thành phố. Họ cũng có một năm qua để học cách làm quen với mất mát, đau thương để đi về phía trước.
Sài Gòn những tháng ngày này thường được so sánh với Vũ Hán của 2020. Trên 100 ngàn người nhiễm Covid - 19, nếu hai tháng trước nói ra sẽ bị coi là “hoảng sợ quá mức”, thế mà giờ đây, Sài Gòn đã vượt qua con số ấy nhiều ngày rồi. Cũng như Vũ Hán trước kia, giờ đây chúng ta đã có những cảnh nhân viên y tế kiệt sức, quá tải tại các bệnh viện điều trị, có F0 trở nặng mất ngay tại nhà vì không đưa được đến bệnh viện kịp thời, có lượng người chết những ngày lên đến 3 con số...
Châu Âu cũng có những thời kì khủng hoảng bởi dịch bệnh trong năm 2020. Có những thành phố hỗn loạn bởi số người nhiễm và số người chết, những kỉ lục mới liên tục được lập, tái lập, phá vỡ. Rồi Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... ai trong chúng ta không từng nghẹn ngào trước những sinh mạng liên tục rời đi, những xác chết do dịch bệnh không nơi chôn cất, vất vưởng bên bờ sông?
Giờ đây, nhiều nơi trên thế giới, kể cả những nước chịu tổn thất nặng nề nhất do dịch bệnh đã bắt đầu hồi sinh trở lại. Những chiếc du thuyền của châu Âu đã khởi động từ hơn hai tháng trước. Người Mỹ đã mở lại nhà hàng, vào quán cà phê, tụ tập chơi đùa. Dịch bệnh vẫn còn lẩn khuất đâu đó, trong con số nhiễm tăng ở nhiều quốc gia, trong những biến thể mới, tinh ranh hơn, đáng sợ hơn. Nhưng những chiến dịch tiêm chủng đang được mở rộng khắp toàn cầu. Những loại thuốc chống Covid - 19 đã được nghiên cứu thành công. Những quốc gia hàng đầu về công nghệ và y tế đang hỗ trợ những nước nghèo hơn. Đó đây trên toàn thế giới, người ta đang học cách khống chế dịch và sống chung với virus. Những hy vọng đã được thắp lên.
Hollywood làm hàng loạt phim về đại dịch với nhiều phong cách, từ nghiên cứu y học, tâm lý tình cảm cho đến hành động. Nhiều nước châu Âu cũng cho ra mắt các bộ phim về “một thời thương đau”. Với góc nhìn thực tế và tỉnh táo của một quốc gia đã phần nào vượt qua được hiểm nguy của COVID - 19, Nhật Bản cho ra đời phim tài liệu gây tiếng vang Thời kỳ hậu đại dịch của đạo diễn Ryo Takeuchi. Bộ phim chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch Covid-19 của Trung Quốc qua góc nhìn của người Nhật, thể hiện trước thế giới việc Trung Quốc làm thế nào làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn thúc đẩy phát triển kinh tế.
Đài Truyền hình quốc gia Trung Quốc - CGTN cho ra mắt phim tài liệu Tâm chấn - 24 giờ ở Vũ Hán dựng lại từ dữ liệu được quay trực tiếp 24/7 tại các bệnh viện Vũ Hán từ ngày 24/1/2020 nhằm tri ân các nhân viên sơ cấp cứu, y tá và bác sĩ của nhiều bệnh viện ở Vũ Hán, những người không quản ngày đêm cứu người.
Giờ đây, nhiều nơi trên thế giới, người ta xem lại phim về đại dịch để nghiền ngẫm lại những kí ức đớn đau từng trải qua, cũng để hiểu mình không có quyền chủ quan trước dịch bệnh, rút ra những kinh nghiệm cho bản thân, cho cộng đồng.
Nhưng chúng ta, nhưng Sài Gòn giờ đây, xem bộ phim không phải như ôn hồi ức của những ngày tháng đã qua mà là thấy mình ở trong ấy. Xem, để hiểu về nỗi đau chung, và cũng để động viên mình rằng không có đường hầm nào kéo dài mãi mãi, trời tối rồi trời cũng phải sáng.
Như Vũ Hán, như New York, như Roma, như rất nhiều vùng đất trên thế giới này, Sài Gòn rồi sẽ khỏe lại, Việt Nam rồi sẽ bình yên. Chúng ta rồi sẽ từ nước mắt và đau thương, sống tiếp một cuộc đời mới. Sống thay cho phần những người đã mất.