Đại diện Bộ LĐTB & XH nói về khái niệm “dũng cảm”

"Từ trước đến nay, chúng tôi cứ nghĩ khái niệm “dũng cảm” đã mặc nhiên đi theo chính sách này từ bao nhiêu năm nay và không ai có ý kiến gì... Nhưng sắp tới, chúng tôi sẽ đưa khái niệm này vào các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh”- ông Nguyễn Duy Kiên, Trưởng Phòng Chính sách 1, Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH) trao đổi với PLVN.
 
[links()]"Từ trước đến nay, chúng tôi cứ nghĩ khái niệm “dũng cảm” đã mặc nhiên đi theo chính sách này từ bao nhiêu năm nay và không ai có ý kiến gì... Nhưng sắp tới, chúng tôi sẽ đưa khái niệm này vào các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh”- ông Nguyễn Duy Kiên Trưởng Phòng Chính sách 1, Cục Người có công (Bộ LĐTB & XH) trao đổi với PLVN.
vv
Ông Nguyễn Duy Kiên, Trưởng Phòng Chính sách 1, Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH)
Áp dụng khái niệm trong Từ điển
 - Thời gian qua, nhiều hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ bị Cục Người có công trả lại với lý do “hy sinh chưa dũng cảm”. Ông có thể giải  thích như thế nào là hành động dũng cảm?
- Dũng cảm là tự nguyện làm những công việc mà biết đó là nguy hiểm.
- Nội dung này đã quy định trong văn bản luật nào chưa, thưa ông? 
Trong Từ điển có nói đến điều này rồi.
- Thưa ông, để rõ ràng và minh bạch trong việc xét công nhận liệt sỹ, tại sao trong các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (Nghị định 54/2006/NĐ-CP và Thông tư 07/2006/TT-BLĐTBXH....) không có điều luật nào giải thích nội dung này?

Thường thì địa phương nơi có người mất muốn có chế độ ưu đãi tốt hơn ngoài chế độ bảo hiểm và các chế độ khác. Họ cũng muốn đề nghị có chế độ đối với người có công.

Nhưng chế độ người có công chỉ để ưu đãi đối với người có công và xứng đáng được suy tôn, đặc biệt là phải đúng quy định của Chính phủ, bởi đây không phải là một chế độ mang tính bảo trợ xã hội. 

Trường hợp công an xã và kiểm lâm thường là chết do làm nhiệm vụ, nhưng Nhà nước không quy định tất cả các trường hợp chết trong khi làm nhiệm vụ đều được phong là liệt sỹ, mà là chết trong khi làm nhiệm vụ gì?.

Chẳng hạn như chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu, đi làm nghĩa vụ quốc tế, đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự...

Lâu nay mọi người cứ cho rằng, cứ thi hành công vụ mà chết thì được phong là liệt sỹ. Đây là một suy nghĩ sai lầm.

Cơ quan chức năng cũng phải làm theo pháp luật, khi công nhận cho một trường hợp nào đó là liệt sỹ nhưng nếu đối chiếu lại với quy định của pháp luật mà sai thì ai sẽ chịu trách nhiệm?.

Bởi vậy, chúng tôi phải so sánh, đối chiếu toàn bộ với những người đi trước, họ đã đổ máu như thế nào?. Trường hợp nào thì được công nhận là liệt sỹ?. Bây giờ các vụ bắt trộm trâu, trộm chó mà chết rồi cũng đòi công nhận thì rất khó.

(Ông Nguyễn Duy Kiên, Trưởng Phòng Chính sách 1, Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH)

Chắc đợt này sẽ có giải thích chung về điều đó. Hiện Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã được Quốc hội thông qua và sắp tới, khi ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 54 cũng như các Thông tư hướng dẫn thi hành, chúng tôi sẽ đưa các khái niệm này vào.

Bởi trước đây cứ nghĩ rằng mặc nhiên khái niệm “dũng cảm” đã đi theo chính sách này từ bao nhiêu năm nay và không ai có ý kiến gì. 

- Ông có thể cho biết, thời gian qua, có nhiều địa phương gửi hồ sơ lên Bộ đề nghị xét công nhận liệt sỹ? hồ sơ chủ yếu ở lĩnh vực nào? có nhiều trường hợp không được chấp nhận? 
Cái này cũng tùy từng địa phương. Có những địa phương không gửi lên vì họ đối chiếu với quy định của pháp luật thì biết là không được. Thời gian này, các trường hợp tử vong trong khi thi hành công vụ tập trung nhiều vào công an xã. Phía Bộ cũng thông cảm là lực lượng công an xã thường xuyên phải đối mặt với trật tự an ninh địa phương nên có nhiều xung đột xảy ra.
- Thưa ông, do đặc thù công việc của mỗi ngành khác nhau (về tính chất cũng như độ nguy hiểm của công việc đó), Bộ LĐTB&XH có quy định riêng về việc xét công nhận liệt sỹ cho từng ngành cụ thể? 
Chế  độ đối với người có công không quy định riêng cho một ngành nào cả. Tất cả những đối tượng chết hoặc bị thương trong các trường hợp theo quy định của pháp luật thì đều được công nhận là liệt sỹ hoặc thương binh. Bởi vậy, các ngành không có văn bản quy định hay hướng dẫn về vấn đề này mà áp dụng chung và thống nhất trong cả nước.
- Trong trường hợp một Cảnh sát giao thông khi thi hành công vụ mà đuổi (chặn) hành vi đua xe trái phép hoặc xe vượt đèn đỏ, sau đó bị tai nạn giao thông dẫn tới tử vong thì họ có được xét công nhận là liệt sỹ?
Hiện Bộ LĐTB&XH vẫn công nhận liệt sỹ cho trường hợp tử vong vì đuổi (hoặc chặn) theo xe đua trái phép. Vì đua xe trái phép là hành vi đã có dấu hiệu của tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Còn hành vi vượt đèn đỏ chỉ là vi phạm hành chính, không phải là tội phạm, nếu cảnh sát giao thông mà tử vong vì đuổi theo các đối tượng này thì sẽ không được công nhận là liệt sỹ.
Xét công nhận liệt sỹ: Địa phương phải đề nghị vận dụng luật?
- Trở lại vụ kiểm lâm Lê Văn Phượng (nguyên cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên) bị lâm tặc sát hại khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Mới đầu Cục Người có công không đồng ý công nhận liệt sỹ với lý do anh Phượng hy sinh chưa dũng cảm.
Nhưng sau một thời gian, công luận lên tiêng nhiều thì Cục mới xem xét lại và công nhận liệt sỹ cho trường hợp này?. Vậy  lý do tại sao và Cục áp dụng văn bản luật nào để công nhận?.
Vụ này có thể nói như sau, để được công nhận là liệt sỹ thì địa phương phải lên tiếng, phải có đề xuất lên Bộ. Khi Cục ban hành văn bản không công nhận liệt sỹ cho kiểm lâm Phượng thì báo chí phản ánh. Chị Ngân (bà Nguyễn Thị Kim Ngân-PV) lúc đó còn làm Bộ trưởng gọi lên.
Phía Bộ cũng đã giải trình đầy đủ, chị ấy có hỏi là địa phương có đề nghị gì không? Phía Bộ nói không đề nghị gì cả (họ chỉ đề nghị giải quyết công nhận liệt sỹ, coi như trường hợp này là đương nhiên được công nhận Liệt sỹ, chứ không có đề nghị vận dụng luật để xét công nhận liệt sỹ cho anh Phượng).
Bởi vậy, sau đó Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và Chi cục Kiểm lâm tỉnh này xuống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sang và có cuộc họp chung với chúng tôi. Sau khi có ý kiến chung thống nhất thì mới có chiều hướng để giải quyết.
Vụ này coi như phải làm lại hồ sơ, anh Phượng được công nhận liệt sỹ là áp dụng Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, tức là “dũng cảm làm những công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân” chứ không phải là dũng cảm chống tội phạm (mới đầu hồ sơ địa phương trình lên là anh Phương có hành vi “dũng cảm đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự” theo khoản 3 điều luật này).
- Có ý kiến cho rằng, trong một vài trường hợp, việc xét hồ sơ công nhận liệt sỹ phải có mối quan hệ quen biết hoặc có tiền thì mới được giải quyết nhanh, nếu không sẽ bị dìm hồ sơ? Là cơ quan trực tiếp xét duyệt hồ sơ, ông có ý kiến gì?  
Nếu hồ sơ công nhân liệt sỹ mà đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện thì thủ tục rất nhanh, nhưng vấn đề là khi kiểm tra hồ sơ, nó chưa đúng, chưa đủ hoặc chưa thể hiện, đáp ứng hết những điều kiện, tiêu chuẩn ấy thì phải trả đi, trả về cho địa phương hoàn thiện. Mặc dù đó chỉ là thủ tục hành chính nhưng khi Thanh tra về thì nó không còn là thủ tục hành chính nữa. Tôi khẳng định rằng, chưa có trường hợp nào xứng đáng 100% mà không được làm cả.
Trong thời bình, người thiệt mạng do đấu tranh chống tội phạm thì ít, nhưng chết trong khi thi hành công vụ thì rất nhiều. Cứ chết là các “ông” làm hồ sơ gửi lên, rồi khi không được, các “ông”  lại kêu là chậm trễ, rồi nói là phải thế nọ, phải thế kia. Chúng tôi phải nói ngay từ đầu là hồ sơ đó chưa đủ điều kiện để công nhận. Công nhận liệt sỹ ngoài việc bù đắp tổn thất cho gia đình người đã ngã xuống thì phải có ý nghĩa và tác động gì tới địa phương nữa, bởi nó không đơn thuần là một chế độ...
 - Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Vân Anh (thực hiện)

Đọc thêm