“Đại gia” thành Chúa Chổm vì muốn làm giàu bằng vàng người khác

Chủ chủ tiệm vàng Tín Huy, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi lý giải, việc bịa đặt mình bị thôi miên cướp vàng là hành động nông nổi. Bà này đã huy động vàng của rất nhiều người dân để làm ăn đồng thời xây nhà, sắm xe tạo vỏ bọc “giàu có”... Thời điểm huy động thì vàng giá thấp nhưng sau đó  giá vàng lên cao, cộng với lãi suất trả cao nên dẫn đến nguy cơ không thể trả lãi lẫn gốc...
Gần 10 ngày sau khi xảy ra vụ việc, đến nay công an Quảng Ngãi đã xác định được việc đối tượng Nguyễn Thị Thúy (41 tuổi, chủ tiệm vàng Tín Huy ở tổ dân phố 1, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn) bịa đặt mình bị thôi miên cướp vàng.
Đối tượng khai nhận, sở dĩ mình hành động nông nổi như vậy vì trong thời gian qua đã huy động vàng của rất nhiều người dân để làm ăn đồng thời xây nhà, sắm xe tạo vỏ bọc “giàu có” khiến chủ nợ yên tâm. Tuy nhiên, thời điểm huy động thì vàng giá thấp nhưng sau đó thì giá vàng lên cao chót vót, cộng với lãi suất trả cao nên dẫn đến nguy cơ không thể trả lãi lẫn gốc. Vì thế, bà Thúy đã dựng ra màn kịch tiệm vàng mình bị cướp với mục đích “chạy nợ”.

Người chồng “muối mặt” tiếp chủ nợ 

Tìm đến nhà đối tượng bịa chuyện, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Đức (chồng bà Thúy). Gương mặt người chồng gần chục ngày sống trong đau đớn trước việc làm “không ai có thể ngờ tới” của vợ mình đã trở nên hốc hác. “Bà ấy vẫn còn rất mệt, đang nằm truyền nước dưới nhà chứ không phải muốn tránh mặt mọi người đâu”, ông Đức thanh minh cho vợ.

“Do bận công tác nên hàng ngày tôi chỉ biết đi làm rồi đưa đón con về, còn công việc kinh doanh trong nhà do một tay bà ấy lo liệu. Tôi cũng không thể hiểu nỗi vì sao bả lại có thể nghĩ ra được cách làm như vậy. Có lẽ cũng vì hoàn cảnh thúc ép, trong một phút thiếu suy nghĩ mà bà ấy đã làm như thế với hy vọng xin khất nợ chứ không có ý lừa đảo hay chạy nợ, quỵt tiền”, người chồng tâm sự.

Theo người chồng, từ năm 2007 đến nay, dựa vào uy tín của tiệm vàng, vợ ông đã vay mượn giúp cho người thân vốn làm ăn với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vàng tăng chóng mặt từng ngày cộng với lãi suất hàng tháng quá cao nên đến nay người vay khó có khả năng trả lãi và gốc, vợ ông phải gánh nợ thay cho người thân với số tiền trả lãi hàng tháng lên đến hàng trăm triệu đồng. Ông cho rằng, “vợ tôi vừa là chủ nợ vừa thành con nợ”.
Ảnh minh họa.
Ngoài số tiền vay giùm, với uy tín làm ăn, nhiều ngư dân ở quê có tiền không biết cất đâu nên đã đem lên gửi ở tiệm vàng Tín Huy để lấy lãi, chỉ đến khi nào cần mới lấy lại. Khi bà con gửi vàng, tiền quy ra vàng hoặc USD thì thời điểm đó vàng có giá thấp. Nhưng vài năm trở lại đây, giá vàng tăng cao đột biến, nhiều người đồng loạt rút cả vốn lẫn lãi để làm ăn, khiến Thúy “xoay xở không kịp nên nghĩ quẫn”. Người chồng nhẩm tính: “Hiện số tiền bà ấy còn nợ chắc khoảng 8 tỷ đồng”.

Khi được hỏi ông có giận bà Thúy không, ông Đức chỉ cười và bảo, tôi giận mình nhiều hơn vì chỉ biết làm việc không quan tâm nhiều đến công việc kinh doanh của bà ấy, đến khi vỡ lẽ thì đã muộn. “Tuy nhiên, với điều kiện của vợ chồng tôi bây giờ, số nợ ấy chúng tôi có thể trả được phần gốc, còn phần lãi chắc phải xin khất bà con trong một thời gian nữa”, ông nói.

Có một thông tin khiến chúng tôi bất ngờ là ông Đức chồng bà Thúy là một trung tá công an, trước kia làm cảnh sát giao thông nhưng sau đó chuyển sang làm cán bộ trại giam. Họ vừa có với nhau một đứa con mới 3 tháng tuổi, kết quả cuộc tình gá ghém với nhau chứ chưa có đăng ký kết hôn.
Người cả tin trả giá

Rời nhà con nợ, chúng tôi về các thôn Mỹ Tân, Mỹ Thành, Bình An Nội (xã Bình Chánh) và các thôn ở xã Bình Trung (Bình Sơn) nơi có rất nhiều người dân “chôn” tiền, vàng vào tay bà chủ tiệm Tín Huy. Các chủ nợ hoang mang bởi số tiền, vàng ký gửi vào đây giờ không biết lấy lại thế nào bởi giấy nhận nợ bà Thúy viết bằng tay rất sơ sài. Các gia đình gửi tiền, vàng cho bà Thúy đều cho rằng, trước đó tiệm vàng Tín Huy làm ăn rất có uy tín nên khi gửi tài sản vào không ai cảm thấy bất an. Có người đến lấy lãi hàng tháng, có người để cả năm mới đến lấy lãi một lần.

Mấy ngày nay, làng chài Bình Chánh vốn yên ả bỗng nhiên bị xáo trộn. Nhiều gia đình đứng ngồi không yên khi vốn liếng chắt cóp bao lâu nay đã gởi vào đó giờ không biết ra sao. Mấy hôm nay bà Đỗ Thị Trọng (70 tuổi, ở thôn Bình An Nội, xã Bình Chánh) như người mất hồn. Đôi mắt thâm quầng, nước da tái nhợt sau nhiều đêm mất ngủ. Cuộc sống của gia đình khó khăn nên 2 người con gái phải đi “tha phương cầu thực” ở miền Nam để tìm kế sinh nhai. Nơi đất khách quê người phải làm “đầu tắt mặt tối” dành dụm bao lâu nay được 8 cây vàng và 100 triệu đồng tiền mặt đều gửi vào tiệm vàng Tín Huy.

Ngôi nhà của gia đình anh Huỳnh Sô (ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) mấy hôm nay vắng hẳn tiếng cười. Không khí trong nhà u ám, ngột ngạt, 3 đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi học vẫn chưa đủ lớn để hiểu chuyện gì đã xảy ra với gia đình mình. Khuôn mặt buồn rười rượi ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, anh Huỳnh Xô kể lại, làm nghề thu mua hải sản nên thường làm ăn, giao dịch vay mượn tiền qua lại với Thúy gần chục năm nay. “Làm ăn lâu năm lại có uy tín nên khi bà Thúy hỏi vay tiền tỷ, chúng tôi cũng chẳng nghi ngờ”.

Ông Huỳnh Tấn Thinh, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Chánh cho biết có người “cắm vốn” vài chục triệu đến vài chục cây vàng, có gia đình gom đưa cho bà Thúy vay lên đến cả tỷ đồng. Trong đó, một số gia đình có thân nhân sinh sống ở nước ngoài hàng năm gửi USD qua tiệm vàng của bà Thúy, họ thường gửi lại để lấy lãi chứ không mang về nhà. Thời điểm này là mùa mưa bão, tàu thuyền không thể ra khơi nên ngư dân rút vốn để sửa chữa tàu thuyền, sửa sang nhà cửa nên kéo đến lấy tiền và Thúy đã “lòi đuôi” vỡ nợ.

Đối tượng bịa chuyện thoát án hình sự?

Cho đến nay, bức màn bí mật của vụ “thôi miên cướp tiệm vàng” đã được vén lên. Bà chủ tiệm vàng Nguyễn Thị Thúy chính là “đạo diễn” và “diễn viên” chính là người em cô cậu ruột Ngô Quang Trưởng. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, luật sư Võ Hồng Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định cho biết, trong vụ án này rất khó có căn cứ để xử lý hình sự đối với các đối tượng.

Luật sư Nam phân tích, nếu áp dụng các tội danh trong chương “Xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự thì phải chiếm đoạt được tài sản, nhưng ở đây, tài sản là của Thúy nên không có yếu tố cấu thành tội phạm liên quan đến tội này. Còn nếu áp dụng chương “Xâm phạm hoạt động tư pháp”, thì chỉ có “người giám định, người phiên dịch, người làm chứng” mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì mới bị tội “Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật”.
Nếu áp dụng tội “Gây rối trật tự công cộng” thì dù hành vi dàn dựng bị cướp gây hoang mang dư luận bằng tình tiết bị thôi miên ít nhiều đã ảnh hưởng lớn đến trật tự - trị an xã hội, tuy nhiên, vi phạm này chưa đến mức xử lý hình sự bởi không gây thiệt hại trên thực tế.

“Việc đối tượng Thúy cung cấp tin báo tội phạm sai thì ngành công an sẽ có quy định riêng xử lý về việc này, còn về hình sự thì không thể xử Thúy về tội gì cả. Đây là một lỗ hổng trong luật pháp hình sự, nếu việc làm này không được xử lý thích đáng nó sẽ trở thành một tiền lệ xấu về sau”, luật sư Nam nói. 

Thảo Am (Pháp luật & Thời đại)

Đọc thêm