Hưởng ứng chủ trương xã hội hóa, giờ đây, các DN đang lãnh hậu quả của trò tung hứng giữa các “đại gia”, mà mỗi tháng trôi qua, DN càng gần hơn với bờ vực phá sản.
“Quả bóng” công nợ…
Như Pháp luật Việt Nam online ngày 2/8/2012 đã đưa tin, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác đầu tư xây dựng trạm phát sóng thông tin di động (trạm BTS), một số DN đã bỏ vốn thuê mặt bằng, đầu tư xây dựng trạm BTS… với chi phí từ 250 triệu đến 400 triệu đồng mỗi trạm. Các trạm BTS này đã hoàn thành và được EVN nghiệm thu đưa vào sử dụng trong năm 2010. Trong các hợp đồng thuê lại trạm theo phương thức xã hội hóa thì EVN cam kết thuê 10 năm, ký hợp đồng 5 năm một lần; thanh toán 6 tháng/lần vào đầu kỳ thanh toán.
|
Viettel đang đề nghị chấm dứt hợp đồng với gần một nghìn trạm BTS xã hội hóa. |
Tuy nhiên, sau khi EVN Telecom sáp nhập vào Viettel, Viettel đã thông báo chủ trương hủy hợp đồng đối với khoảng 80 – 95% số trạm BTS xã hội hóa. Đối với số trạm còn lại, Viettel yêu cầu giảm giá thuê thậm chí chỉ còn 1/3 so với hợp đồng đã ký. Trong khi đó, dù việc xây dựng trạm đã hoàn tất, đưa vào sử dụng, đã xuất hóa đơn từ tháng 12/2011, nhưng đến nay EVN vẫn chưa trả tiền xây trạm cho các nhà thầu xây dựng. Điều đó khiến các nhà thầu bị thiệt hại về chi phí phát sinh trả tiền thuê mặt bằng, phi phí phạt lãi vay ngân hàng quá hạn, phạt chậm nộp thuế, không có tiền trả lương công nhân…
Nản chí về cách giải quyết nợ của các “đại gia” EVN và Viettel, đại diện một DN phàn nàn, ngay trước khi chuyển giao, EVN đã lần lữa không chịu trả nợ, rồi sau đó đẩy trách nhiệm về cho bên tiếp nhận là Viettel. “Đến giờ, DN chúng tôi vẫn còn khoản nợ mấy trăm triệu ở EVN, nhưng tập đoàn này nói “chưa có nguồn”. Chúng tôi biết chống chọi thế nào để chờ “nguồn” của tập đoàn này, và cũng không biết “nguồn” mà họ nói từ đâu mà lường” – đại diện Cty Hoa Phát nói.
Trong khi đó, sau nhiều lần đi lại làm việc với Viettel, các DN được trả dần các khoản nợ cũ – dù đã quá hạn khá lâu, mà vẫn không có câu trả lời khả quan cho tương lai mối hợp tác này. “Chúng tôi không tán đồng việc Viettel yêu cầu chấm dứt hợp đồng, vì khi tiếp nhận EVN Telecom, Viettel phải có trách nhiệm với các giao kết và nghĩa vụ của EVN Telecom, trong đó có sự hợp tác với chúng tôi. Viettel không thể lấy lý do kiện toàn EVN Telecom mà đẩy chúng tôi ra ngoài, phó mặc chúng tôi phá sản một cách ấm ức thế này” – đại diện DN nói.
Nhiều câu hỏi để ngỏ
Trong một công văn của Bộ Quốc phòng về việc này, cơ quan này cho biết, trong đó 8.870 trạm BTS, trạm NodeB mà EVN bàn giao sang, đối với 1.114 trạm BTS được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa, Tập đoàn đã làm việc trực tiếp với từng đối tác để chấm dứt hợp đồng đối với các trạm BTS mà Viettel không có nhu cầu sử dụng.
Tuy nhiên, như bài trước chúng tôi đã nói, việc Tập đoàn Điện lực ký kết hợp đồng thuê các trạm BTS với cam kết thuê dài hạn 10 năm, thời hạn ký kết hợp đồng là 5 năm một lần là căn cứ để các DN bỏ vốn đầu tư rất lớn (khoảng 250 triệu đồng/trạm BTS) với hy vọng hoàn vốn sau 5 năm và có lợi nhuận từ năm thứ 6 trở đi. Chính vì thế, các DN không thể tán đồng việc Viettel đơn phương đề nghị hủy hợp đồng trước thời hạn 9 năm, bởi việc đó đồng nghĩa chuyện DN bị đẩy vào tình trạng phá sản. “Ngay cả việc mời họp, Viettel cũng không đưa ra biên bản hay giấy tờ gì kết luận cuộc họp. Viettel nói các DN chúng tôi “yên tâm” để Tập đoàn này xem xét giải quyết, nhưng tiền lãi ngân hàng mấy chục triệuđồng mỗi tỷ một tháng, rồi tiền xây dựng gần 3 năm qua trạm gần hết khấu hao rồi mà chúng tôi còn chưa được nhận…, thì làm sao chúng tôi có thể yên tâm được” – ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Cty Hoa Phát – nói.
Một trong những nguyên nhân mà Viettel đưa ra về việc chưa thanh toán nợ các hợp đồng thi công của Cty Hoa Phát, do đang kiểm tra thủ tục để thanh toán (đối với số tiền đã xuất hóa đơn) và chưa đủ thủ tục để thanh toán (đối với số tiền còn lại). Nhưng, trình bày với PLVN, đại diện công ty này cho rằng, nhà thầu chỉ có trách nhiệm làm khép kín hồ sơ. Về nguyên tắc, đã xuất hóa đơn tức là hồ sơ đã đảm bảo đủ điều kiện. Chưa kể việc hóa đơn đã xuất 6 tháng mà chưa được thanh toán, DN phải trả phạt chậm thuế của cơ quan thuế, thì việc Viettel kéo dài thời gian không trả tiền là đang chiếm dụng vốn của các DN. “Viettel bảo hồ sơ của chúng tôi còn thiếu, nhưng không thể chỉ cho chúng tôi là thiếu giấy tờ gì, bổ sung như thế nào. Điều này khiến chúng tôi cho rằng Viettel đang lần lữa để kéo dài việc chậm trả nợ” – đại diện Hoa Phát nói.
Trong khi đó, tương lai của cả ngàn trạm BTS và sự tồn vong của gần chục DN còn mờ mịt, bởi các bên vẫn chưa giải quyết được yêu cầu đơn phương chấm dứt hợp đồng của Viettel. Xin nhấn mạnh, việc Viettel và EVN Telecom sáp nhập để mạnh hơn, chứ không phải EVN Telecom phá sản. “Tái cơ cấu bằng mua bán – sáp nhập là chủ trương đúng đắn để các DN phát triển vững mạnh, nhưng các “đại gia” không thể tái cơ cấu rồi ép các DN đối tác vào bước đường cùng” – đại diện một DN nói.
Bách Nguyễn