Triệu tập Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất chấp các vi phạm
Gần đây, dư luận xôn xao quanh câu chuyện cổ phần của cổ đông lớn – Tập đoàn Bitexco tại Hương Giang đã bị sai lệch sau khi danh sách cổ đông của Hương Giang được công bố cập nhật ngày 25/4/2019. Sự việc ngày càng nóng khi Tập đoàn Bitexco khẳng định không thực hiện bất cứ giao dịch chuyển nhượng, tặng cho, mua bán cho bất cứ bên thứ ba nào 6.525.223 cổ phần tương đương với 32,63 % vốn điều lệ tại Hương Giang.
Liên quan đến việc thay đổi bất hợp pháp cổ phần của cổ đông Bitexco tại Hương Giang, ông Nguyễn Văn Long- đại diện cổ đông Bitexco cho biết, Hương Giang chưa niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán nên việc chuyển nhượng cổ phần sẽ được thực hiện bằng hợp đồng giữa bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng. Tuy nhiên, việc thay đổi cổ phần của Bitexco tại Hương Giang từ 8.348.100 cổ phần, tương đương với 41,74% vốn điều lệ còn 1.822.877 cổ phần, tương đương với 9,11% vốn điều lệ, chỉ dựa trên yêu cầu đơn phương của cổ đông Crystal Treasure, mà không có hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ký bởi Bitexco và bên nhận chuyển nhượng, và/hoặc quyết định xử lý cổ phần của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, là không đúng quy định về chuyển nhượng cổ phần của pháp luật Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Bitexco khẳng định quan điểm không công nhận giá trị pháp lý của bất cứ nghị quyết, quyết định nào của HĐQT và/hoặc ĐHCĐ của Hương Giang. Để ngăn chặn việc này, Bitexco đã đưa ra các văn bản cảnh báo và phản đối về việc tiến hành các cuộc họp Hội đồng quản trị để thông qua nội dung họp ĐHCĐ ngày 31/5/2019.
Theo thông tin nhận được, Ban kiểm soát Hương Giang, các thành viên còn lại của HĐQT cũng đều có cảnh báo và không công nhận việc tổ chức ĐHCĐ như nội dung các văn bản triệu tập họp ĐHCĐ mà Hương Giang đã phát đi.
Ông Long cho biết, theo Quy định tại Điều 17 Điều lệ Công ty, Người triệu tập Đại hội đồng cổ đông phải thực hiện những nhiệm vụ sau đây: Chuẩn bị danh sách các cổ đông đủ điều kiện tham gia và biểu quyết tại Đại hội trong vòng ba mươi ngày trước ngày bắt đầu tiến hành Đại hội đồng cổ đông; chương trình họp, và các tài liệu theo quy định phù hợp với luật pháp và các quy định của Công ty; Thông báo họp Đại hội đồng cổ đông phải được gửi trước ít nhất mười ngày trước ngày họp Đại hội đồng cổ đông, (tính từ ngày mà thông báo được gửi hoặc chuyển đi một cách hợp lệ, được trả cước phí hoặc được bỏ vào hòm thư).
Tuy nhiên, theo Quyết nghị số 3 của Hội đồng Quản trị ngày 21/5/2019 thông qua chương trình và thời họp ĐHĐCĐ vào 14:00 ngày 31/5, Danh sách cổ đông tham dự đại hội chốt ngày 05/5/2019 (trước cuộc họp 26 ngày). Như vậy, việc triệu tập Đại hội đồng cổ đông ngày 31/5/2019 đã được thực hiện không theo đúng thủ tục quy định tại Điều lệ công ty và cổ đông Bitexco yêu cầu Hương Giang hoãn họp Đại hội đồng cổ đông lần này.
|
Nhiều ý kiến thắc mắc tại Đại hội Cổ đông |
Liên quan đến các kiến nghị, phản đối của Cổ đông Bitexco, Ban Kiểm soát (BKS) Công ty CP Du lịch Hương Giang cho biết đã nhận được các tài liệu chuẩn bị cho việc tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, trong này có NQ số 24/19 ngày 21/5/2019 của HĐQT & danh sách cổ đông chốt ngày 25/4/2019 & ngày 3/5/2019.
Theo đó, BKS Công ty CP Du lịch Hương Giang xét thấy trong NQ số 24/19 của HĐQT có các quyết nghị số 4, 8, 9 chứa đựng nội dung không đúng thẩm quyền của HĐQT như việc HĐQT thống nhất miễn nhiệm tư cách 2 thành viên HĐQT & bổ nhiệm 2 thành viên mới.
Dựa trên hồ sơ BKS được thư ký HĐQT Hương Giang cung cấp cho việc chốt danh sách cổ đông trong này có việc thay đổi cổ phần của Bitexco từ 41,74% xuống 9,11%, chỉ có thông báo xử lý cổ phần thế chấp của cổ đông Crystal Treasure, mà không có hồ sơ chuyển nhượng cổ phần ký kết bởi Bitexco và bên nhận chuyển nhượng, và/hoặc quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc này cũng chưa được công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của công ty theo quy định tại Thông tư số 155/2015/TT-BTC.
Trước những dấu hiệu bất thường đó, BKS Công ty CP Du lịch Hương Giang đã liên tiếp gửi các công văn đến Công ty CP Du lịch Hương Giang vào ngày 22-5, 27 và 28-5 để nêu lên ý kiến từng thành viên của BKS. Thế nhưng, bất chấp các khuyến nghị từ BKS, Ban lãnh đạo Công ty CP Du lịch Hương Giang vẫn quyết định tổ chức Đại hội cổ đông thường niên vào ngày 31/5/2019.
Bộc lộ nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Thủ tục chuyển nhượng cổ phần nhằm chiếm đoạt trái phép 6.525.223 cổ phần Hương Giang thuộc sở hữu của Bitexco do các cán bộ quản lý của Hương Giang thực hiện bao gồm: Ông Yukio Takahashi – người được bầu là chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Johny Cheung Ching Fu – thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hương Giang và ông Nguyễn Công Thùy – thư ký HĐQT đồng thời là người được bổ nhiệm quản lý cổ đông trong giai đoạn từ 31/3/2019 (khi chấm dứt hợp đồng với Công ty chứng khoán FPT) đến 25/4/2019 (khi bắt đầu hợp đồng với Công ty cổ phần Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương) là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại nghiêm trọng quyền lợi của cổ đông Bitexco và lợi ích của Hương Giang.
Cổ đông Bitexco đã có văn bản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vấn đề này. Theo đó, “chúng tôi yêu cầu Hương Giang tạm dừng mọi cuộc họp Hội đồng quản trị/Đại hội đồng cổ đông cho tới khi việc thay đổi cổ phần của cổ đông Bitexco tại Hương Giang được giải quyết theo quy định của pháp luật”- ông Long cho biết.
Ông Hồ Minh Quốc – Trưởng Ban Kiểm soát Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang bày tỏ sự lo ngại: “Do có sự thay đổi tỷ lệ biểu quyết trong danh sách cổ đông nhưng không có chứng từ ký tá chứng minh cho việc chấp nhận chuyển nhượng. Việc này vi phạm Điều 13 & khoản g, Điều 16 về chữ ký chứng theo Luật Kế toán, vi phạm khoản 2 Điều 126 Luật Doanh nghiệp, vi phạm Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn quản trị áp dụng công ty đại chúng”.
Trước những hành vi có thể gây thiệt hại cho Công ty, BKS Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang đã kiến nghị Chủ tịch HĐQT dừng họp ĐHĐCĐ cho tới khi việc rà soát và kiểm tra lại tỷ lệ, vấn đề sai lệch cổ phần trong danh sách cổ đông cho tới khi được cơ quan có thẩm quyền làm rõ và giải quyết theo đúng Luật và các quy định hiện hành nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp tối đa của Công ty và các cổ đông. Đồng thời, BKS Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang cũng đã phát đi văn bản đề nghị HĐQT hủy bỏ các quyết nghị không hợp lệ tại NQ số 24/19 nêu trên và đề nghị HĐQT và BTGĐ nghiêm túc xem xét các vấn đề mà BKS đã nêu về tính tuân thủ tại cuộc họp HĐQT ngày 21-5-2019 và Email/VB ngày 22-5-2019, ngày 27 & 28-5-2019 theo Luật và các quy định hiện hành. “Với vai trò của BKS, chúng tôi kiến nghị HĐQT và BTGĐ thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty” – ông Quốc nhấn mạnh.
Rõ ràng, Đại hội cổ đông thường niên 2019 Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang đã bộc lộ nhiều dấu hiệu bất thường với hàng loạt các sai phạm. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang vẫn bất chấp để tổ chức ĐHĐCĐ.
Trên thực tế, căn cứ khoản 4, Điều 149 Luật Doanh nghiệp hiện hành, Cổ đông Bitexco có quyền yêu cầu HĐQT đình chỉ thực hiện các nghị quyết trái với Điều lệ. Nếu ĐHĐCĐ vẫn tiếp tục cuộc họp này, căn cứ Điều 147 Luật Doanh nghiệp hiện hành, Cổ đông Bitexco có quyền trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
Điều 126. Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về chuyển nhượng cổ phần như sau:
2. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký. Trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán, trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Theo quy định tại Thông tư số 95/2017/TT-BTC ngày 22/9/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017 của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng thì hoạt động chuyển nhượng cổ phần của công ty đại chúng được quy định cụ thể như sau: Tất cả các cổ phần được tự do chuyển nhượng trừ khi Điều lệ này và pháp luật có quy định khác. Cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán được chuyển nhượng theo các quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Phát biểu tại ĐHCĐ Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang, ông Nguyễn Viết Tạo – thành viên HĐQT phản đối việc biểu quyết thông qua bất kỳ nội dung nào có liên quan đến việc thay đổi cổ phần của cổ đông Bitexco tại Hương Giang cũng như các vấn đề trái với quy định của Điều lệ công ty nêu tại Nghị quyết số 24 ngày 21/5/2019 của HĐQT; phản đối Nghị quyết của HĐQT về việc miễn nhiệm thành viên HĐQT của ông và ông Vũ Quang Hội tại cuộc họp ngày 21/5/2019. Ông Tạo bày tỏ sự bức xúc: “Tôi đồng ý với quan điểm của cổ đông Bitexco trong các văn bản gần đây gửi Công ty CP Du lịch Hương Giang và ý kiến của người đại diện ủy quyền hôm nay. Là thành viên HĐQT, tôi đã có văn bản gửi tới Hội đồng quản trị về việc không tiến hành triệu tập họp Hội đồng quản trị và tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông Công ty CP Du lịch Hương Giang để làm rõ những sai lệch cổ phần của Bitexco tại danh sách cổ đông của Công ty CP Du lịch Hương Giang chốt ngày 25/4/2019 do Công ty CP Du lịch Hương Giang tự ý điều chỉnh có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Ông Tạo cũng cho biết, Tập đoàn Bitexco đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách để thực hiên những cam kết với chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như Chính phủ Việt Nam trong việc tin tưởng chọn Bitexco là nhà đầu tư chiến lược để bán cổ phần ưu đãi tại Hương Giang từ năm 2016. Bitexco đã thiện chí chuyển nhượng 50% cổ phần mà Nhà nước bán ưu đãi cho cổ đông Crystal với giá gốc để cùng hợp tác phát triển dịch vụ khách sạn tại Huế, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng ngành du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế. “Việc các thành viên HĐQT và Ban Giám đốc Công ty CP Du lịch Hương Giang tự ý điều chỉnh danh sách cổ đông và cổ phần của Bitexco như một phát súng bắn vào lưng chúng tôi. Việc vay- trả giữa hai cổ đông lẽ ra phải được ngồi lại thảo luận để giải quyết, nhưng lại là một cái cớ để Crystal toan tính chiếm đoạt tài sản hợp pháp của Bitexco”- ông Tạo bày tỏ.