Theo báo cáo, tính đến thời điểm tháng 9/2024, Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập mới được 14 chi hội ở các tỉnh, nâng tổng số chi hội là 51, trong đó 46 tỉnh có chi hội. Trong 5 năm qua, Hội đã kết nạp 210 hội viên mới, nâng tổng số hội viên lên 1150 người. Hội viên của Hội đại đa số có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức.
Quang cảnh Đại hội. |
Trong nhiệm kỳ, việc giao lưu, trao đổi các đoàn nhà văn Việt Nam và quốc tế diễn ra khá sôi động. Các nhà văn Việt Nam tham gia nhiều diễn đàn, hội thảo văn chương, liên hoan thơ quốc tế tại một số nước trên thế giới, đồng thời Hội cũng đón nhiều đoàn nhà văn quốc tế đến tham dự các hoạt động văn học tại Việt Nam.
Ngoài các hoạt động có tính chuyên môn, Ban chấp hành đã tổ chức một số hoạt động quan trọng đóng góp vào đời sống chính trị, xã hội, chấn hưng văn hóa nhằm tiếp tục khẳng định tính ưu việt trong các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác văn hóa, văn học nghệ thuật.
Trong 5 năm qua, văn học Việt Nam vẫn tiếp tục chuyển động theo chiều hướng đa dạng hơn, quyết liệt hơn, và chủ động hơn. Sự đa dạng không chỉ dừng lại ở nội dung mà trong cả hình thức biểu đạt. Văn học đã thể hiện trách nhiệm, lương tri của mình với cộng đồng, xã hội cũng như với sự phát triển của đất nước thông qua các tác phẩm văn học mang hơi thở cuộc sống, bám sát hiện thực đời sống. Văn học cũng tập trung đề cao, tôn vinh những giá trị nhân văn, tinh thần dân chủ, lòng tự tôn và tự tin dân tộc.
Những tác phẩm sáng tác đã chú trọng nhiều hơn đến chức năng phản biện, cảnh báo, cảnh tỉnh trước sự biến chuyển đa chiều của xã hội, chỉ ra những nguy cơ đối với tâm hồn, phẩm giá con người. Cùng mạch tiếp nối về đề tài lịch sử, 5 năm qua, sự xuất hiện của thể loại hồi ức, hồi ký và ký ức chiến tranh có thể coi là hiện tượng đáng lưu tâm…
Đại biểu bỏ phiếu tham dự Đại hội Đại biểu Hội Nhà Văn nhiệm kỳ (2025 – 2030). |
Tại Đại hội, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến cho Văn kiện Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, nhiệm kỳ XI (2025 - 2030). Các ý kiến tập trung vào việc nâng cao vai trò của văn học trong đời sống xã hội, thúc đẩy sáng tạo, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, và định hướng phát triển văn học phù hợp với xu thế hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại Đại hội, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam yêu cầu, Hội cần Phát huy thành tựu văn học trong nhiệm kỳ X với mục đích tiến tới một nền văn học "tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc" vì con người, vì dân tộc vì văn minh. Tăng cường công tác phát triển hội viên ở các vùng miền núi và vùng sâu vùng xa, đặc biệt là hội viên trẻ. Tiếp tục tôn vinh những tác giả, tác phẩm có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của văn học Việt Nam trong 50 năm qua.
Dịp này, Đại hội bầu đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI (2025 – 2030) gồm 68 đại biểu chính thức và 7 đại biểu dự khuyết.