Kỷ lục khách mời quốc tế tham dự
Vesak là tên gọi tháng thứ 4 trong năm theo lịch cổ của Ấn Độ. Đại lễ Vesak, còn gọi là lễ Tam hợp Đức Phật, là Đại lễ gắn liền với thân thế và sự nghiệp của Đức Phật Thích Ca (ba sự kiện: Phật đản sinh, Phật thành đạo và Phật Niết bàn đều diễn ra trong tháng Vesak).
Trước sự phát triển và ảnh hưởng của tôn giáo trên thế giới, nhiều sáng kiến đã được đưa ra để lựa chọn một tôn giáo điển hình phù hợp với xu hướng phát triển của nhân loại tiến bộ. Sau nhiều năm xem xét, vào ngày 15/12/1999, Đại hội đồng Liên hợp quốc tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức chấp nhận đề nghị của 34 quốc gia thành viên Liên hợp quốc chọn Phật giáo là tôn giáo điển hình vì giá trị đạo đức, văn hóa và tư tưởng hòa bình bất bạo động của Đức Phật Thích Ca. Từ đó Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên hợp quốc. Năm 2001, Đại lễ Vesak được kỷ niệm lần đầu tiên tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.
Tại buổi họp báo trước Đại lễ Vesak 2019, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Tổng thư ký GHPGVN, Tổng thư ký Vesak 2019 cho biết, Đại lễ Vesak 2019 diễn ra trong các ngày từ 12-14/5/2019 với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Đây là lần thứ 3 Đại lễ Vesak LHQ được tổ chức thành công tại Việt Nam, trước đó là vào các năm 2008 và 2014.
Tham dự Đại lễ Vesak 2019 có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 570 phái đoàn quốc tế và cá nhân, số lượng đại biểu quốc tế là 1650 người trong đó có các vị Tăng vương, Tăng thống, các lãnh đạo Giáo hội... Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống - Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Phó Tổng thư ký LHQ... là những nguyên thủ quốc gia tham dự Đại lễ cùng hơn 20 vị Đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, đại diện các tỉnh, thành phố trong cả nước và sẽ có bài phát biểu tại Đại lễ. Sự kiện này còn thu hút hơn 20.000 người đại diện các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, Phật tử Việt kiều tiêu biểu, lãnh đạo các tôn giáo bạn, đồng bào Phật tử và nhân dân cả nước.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, có thể nói trong lịch sử 16 lần tổ chức Đại lễ Vesak của Liên hợp quốc, thì Đại lễ Vesak 2019 ở Việt Nam là có sự tham dự của khách mời quốc tế đông nhất với nhiều lãnh đạo cấp cao nhất, xứng đáng là sự kiện đối ngoại nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, cũng như là cơ hội giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, văn hóa truyền thống và lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam để phát triển tiềm năng du lịch tâm linh góp phần vào sự phát triển hợp tác toàn diện của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.
Với vai trò là đầu mối cho tổ công tác của Chính phủ trong công tác chuẩn bị Đại lễ, TS. Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết: “Chính phủ Việt Nam xác định đây không chỉ là sự kiện quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà còn là sự kiện đối ngoại quan trọng, do đó ngay từ rất sớm, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận thành lập tổ công tác liên ngành cấp trung ương và chỉ đạo các địa phương thành lập tổ công tác cấp tỉnh nhằm hướng dẫn, giúp đỡ GHPGVN tổ chức Đại lễ Vesak 2019 thành công”.
Dùng đạo đức nhà Phật vực dậy đạo đức xã hội
Được biết, trong chủ đề lớn của Đại lễ Vesak 2019 “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” bao gồm 5 chủ đề nhỏ: Sự lãnh đạo bằng chánh niệm vì hòa bình bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu; Phật giáo và cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và tiêu thụ bền vững. Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Tổng thư ký Vesak LHQ 2019 cho biết, Ban tổ chức đã nhận được hơn 500 tham luận của các học giả trong nước và quốc tế, đóng góp cho 5 chủ đề tại hội thảo.
Với chủ đề đầu tiên “Sự lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững”, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn - Phó Ban truyền thông Trung ương GHPGVN, Trợ lý Tổng thư ký GHPGVN cho biết hiện nay đạo đức xã hội có dấu hiệu xuống cấp. Do đó, Phật giáo bằng giáo lý và đạo đức nhà Phật của mình muốn góp sức xây dựng nền tảng đạo đức cho xã hội, nhằm mục tiêu tạo dựng xã hội bền vững.Với hai chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp” và “Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục”, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn giải thích, hiện nay bạo lực học đường gây cảm giác nhức nhối, tỉ lệ ly hôn gia tăng, Phật giáo muốn mang đạo đức Phật giáo để hướng thiện tốt hơn cho con người.
Về chủ đề thứ 4 “Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0”, các đại biểu sẽ bàn chuyện ứng dụng công nghệ vào việc hoằng pháp, lợi sinh. Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ bàn luận về việc xã hội phải sử dụng công nghệ số sao cho có trách nhiệm và chánh niệm và Phật giáo muốn đem những triết lý nhà Phật để “giúp công dân mạng tỉnh táo”, theo Thượng tọa Thích Minh Nhẫn.
Trong khuôn khổ Đại lễ Vesak năm 2019 còn có nhiều hoạt động văn hóa tâm linh diễn ra tại Khu vực chùa Tam Chúc gồm: Lễ tắm Phật truyền thống; Đàn lễ cầu siêu dương thái, quốc thái dân an, đất nước hội nhập phát triển theo nghi lễ Phật giáo truyền thống đặc trưng ba miền Bắc, Trung, Nam; Đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới, triển lãm ảnh chùa di sản thế giới và Việt Nam, triển lãm cổ vật Phật giáo tại điện Tam Thế và Trung tâm hội nghị quốc tế, chương trình giao lưu và biểu diễn nghệ thuật. Diễu hành xe hoa sẽ diễn ra từ Phủ Lý về Tam Chúc.
Ban tổ chức cũng sẽ ra mắt mạng xã hội Phật giáo do Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trương, công bố ra mắt bộ tem chào mừng Đại lễ… Đặc biệt, chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật vào ngày 12/5 được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài truyền hình Việt Nam.