Đại lễ Vesak 2019 thành công tốt đẹp: Tỏa sáng tấm lòng Việt Nam hiếu khách

(PLVN) - Phát biểu tại Lễ bế mạc Đại lễ Vesak 2019, Hòa thượng Brahmapundit, Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc (ICDV), khẳng định: “Nhờ lòng mến khách của Chính phủ, Giáo hội Phật giáo và nhân dân Việt Nam, Đại lễ Vesak 2019 đã thành công tốt đẹp. Thành công đó có được nhờ sự lao động cần cù, ở phía sau hội trường…”.
Thượng tọa Thích Nhật Từ nhận Kỷ niệm chương kỷ lục
Thượng tọa Thích Nhật Từ nhận Kỷ niệm chương kỷ lục

Tại Đại lễ Vesak 2019, mỗi ngày có trên 40.000 ngàn suất ăn chay được phục vụ miễn phí do hơn 800 đầu bếp chuyên nghiệp thực hiện, trên 400 xe điện chuyên chở đại biểu, quan khách, phục vụ miễn phí lưu chuyển tại quần thể 5.000 héc ta chùa Tam Chúc…

Hệ thống này vận hành nhờ công sức của rất nhiều con người trong tất cả các khâu chuẩn bị để làm nên sự thành công viên mãn của Đại lễ Vesak 2019, mà trong khuôn khổ một bài báo không thể nói hết.  

Là người trải nghiệm tại Lễ khai mạc Vesak 2019, đồng thời dành thời gian để tham quan quần thể Phật giáo Tam Chúc, nhà sư Sarakitwinon đến từ Thái Lan nói: "Đất nước các bạn có cảnh thiên nhiên rất đẹp và con người hiếu khách. Thật sự hiếm thấy đại lễ nào ấn tượng như Vesak 2019 lần này. Các bạn đã làm rất tốt trong việc chuẩn bị cho Đại lễ Vesak năm nay". Nhà sư Sarakitwinon cho hay cũng rất ấn tượng với các khâu hậu cần của Vesak như đội ngũ tình nguyện viên tiếp đón cho tới bếp ăn phục vụ các món chay…

Những gương sáng tình nguyện

Ngay từ những ngày đầu chuẩn bị, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam giúp đỡ, giao cho Trung tâm tình nguyện viên quốc gia và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các trường đại học, bố trí lực lượng hàng nghìn sinh viên tình nguyện phục vụ công tác lễ tân đón tiếp đại biểu. Ngoài ra còn có hàng ngàn Phật tử trẻ đến từ các đạo tràng Phật tử toàn quốc cũng phát tâm tham gia phục vụ Đại lễ.

“Việt Nam đã đặt ra tiêu chuẩn ngày một cao hơn cho Đại lễ Vesak”

Trong lễ bế mạc, Hòa thượng Brahmapundit, Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc (ICDV) khẳng định, Việt Nam đã đặt ra tiêu chuẩn ngày một cao hơn cho Đại lễ Vesak. 

Với sự tổ chức quy mô, chuyên nghiệp và hoành tráng, Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2019 đã đạt 10 kỷ lục cho sự kiện lần này bao gồm: Hội thảo Phật giáo quốc tế lớn nhất (vượt kỷ lục); Đại lễ Phật đản quốc tế lớn nhất (vượt kỷ lục); Hội chợ văn hoá Phật giáo lớn nhất; Triển lãm nghệ thuật Phật giáo lớn nhất; Chương trình biểu diễn nghệ thuật Phật giáo quốc tế lớn nhất; Lá cờ Phật giáo xếp bằng đèn hoa đăng lớn nhất; Số người tham dự tụng Kinh Chuyển Pháp Luân cầu nguyện hòa bình thế giới đông nhất; Đàn lễ Vesak 2019 - Đàn lễ cầu nguyện hòa bình thế giới lớn nhất (vượt kỷ lục); Lễ hội thắp đèn Hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới có số lượng người tham gia đông nhất; Số lượng người tham gia Lễ Tắm Phật đông nhất. 

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Quốc tế ICDV-Vesak 2019 đại diện Ban tổ chức đã nhận kỷ niệm chương từ hội Liên Minh Kỷ lục thế giới và Kỷ lục gia Việt Nam. 

Ngay từ sáng sớm 11/5/2019, trước ngày diễn ra lễ khai mạc Đại lễ Vesak 2019, hàng nghìn tình nguyện viên, Phật tử đã có mặt tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (Hà Nam) chuẩn bị các công tác hậu cần cho Đại lễ.

Bà Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia cho biết, Đại lễ Vesak 2019 đã có 7.200 đoàn viên, thanh niên tham gia tình nguyện. Những người này đều có sự tuyển chọn rất khắt khe về trình độ ngoại ngữ, sức khoẻ… 

Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak 2019, cho biết, các tình nguyện viên được bố trí thành nhiều nhóm, hỗ trợ công tác hậu cần, ẩm thực, phân luồng, hướng dẫn đại biểu, du khách... Nhóm thứ nhất gồm 450 tình nguyện viên thông thạo tiếng Anh, được chọn lựa từ sinh viên các trường Đại học Ngoại ngữ, Học viện Ngoại giao, Đại học Ngoại thương, Đại học Quốc gia… Các bạn có nhiệm vụ đón, tháp tùng và phiên dịch cho các đại biểu quốc tế. 

Nhóm thứ hai gần 1.000 tình nguyện viên phục vụ cho bộ phận hậu cần tại khu nhà bếp và khu ẩm thực và nhiều khu vực chùa Tam Chúc để hỗ trợ nấu nướng các món ăn, cấp phát các suất cơm chay cho du khách. Riêng nhóm nấu cơm chay miễn phí lên tới 500 người mỗi ngày. 

Nhóm thứ ba, gồm hàng trăm tình nguyện viên phục vụ việc thu dọn rác và vệ sinh trong suốt những ngày diễn ra Đại lễ. Ngoài ra, nhóm đông nhất  là 5.000 tình nguyện viên ở địa phương (Hà Nam) triển khai xếp lá cờ Phật giáo lớn kỷ lục tại Đàn cầu nguyện hòa bình vào đêm ngày 13/5. Nhóm này cũng hỗ trợ thực hiện các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thả hoa đăng và trình diễn nhiều tiết mục khác.

Do chương trình Đại lễ Vesak 2019 rất kín, kéo dài liên tục từ 5h sáng đến 23h đêm nên tất cả tình nguyện viên đều phải tích cực tham gia với cường độ cao. Hà Anh, nữ sinh viên Học viện Ngoại giao, cho biết ngay sau khi biết tin về Đại lễ Vesak tuyển tình nguyện viên, đã đăng ký tình nguyện tham gia. Với học lực khá, thông thạo tiếng Anh, Hà Anh được phân công hướng dẫn, giao tiếp các chư tôn đức, tăng ni, Phật tử và đại biểu khách quốc tế.

Cũng như nhiều tình nguyện viên khác, Hà Anh chỉ được ngủ 2 -3 tiếng/ngày đêm, vì có những lúc đại biểu kết thúc lịch làm việc khoảng 1h sáng. Sau khi đưa đại biểu về nơi nghỉ, tình nguyện viên chỉ được nghỉ ngơi một thời gian ngắn rồi 5h sáng lịch làm việc ngày mới đã bắt đầu. 

Hình ảnh áo vàng của các tình nguyện viên đã ghi được ấn tượng tốt đẹp của đại biểu trong và ngoài nước
Hình ảnh áo vàng của các tình nguyện viên đã ghi được ấn tượng tốt đẹp của đại biểu trong và ngoài nước

Nhiều đại biểu cho biết, sự nhiệt tình của các tình nguyện viên đã thực sự khắc sâu vào trong suy nghĩ của các đại biểu. Hình ảnh những tình nguyện viên Việt Nam trong trang phục áo mũ vàng tươi không quản nắng nóng, tận tình, chu đáo đã đóng góp công sức trở thành cây cầu nối văn hóa gần gũi giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, thể hiện sự năng động, thân thiện của thanh niên Việt Nam trong các hoạt động hội nhập, giao lưu văn hóa toàn cầu.

Những kỷ lục đặc sắc

Để phục vụ cho 4.000 đại biểu, khách mời tham dự Đại lễ Vesak 2019, một Trung tâm ẩm thực được thiết lập phía trước Trung tâm Hội nghị quốc tế với mặt bằng Trung tâm rộng tới 4000m2 với 1.300 người phục vụ 150 món chay. 

Thượng tọa Thích Thanh Phong, Trưởng Ban Kinh tế tài chính trung ương GHPGVN, Phụ trách hậu cần, ẩm thực Đại lễ Vesak 2019 cho biết, hơn 1000 tình nguyện viên từ miền Nam, trong đó có 200 tăng ni đã đến chùa Tam Chúc để phục vụ nấu các món ăn. Đầu bếp là các tăng ni được chọn từ nhiều chùa ở khắp Bắc - Trung - Nam chủ trì việc nấu từng món ăn.

Ông Phạm Vũ Lợi, Tổng đạo diễn món ăn tại Đại lễ Vesak 2019 cho biết, cứ mỗi món ăn sẽ do hai tăng ni bếp trưởng đảm trách khâu kỹ thuật và 10 Phật tử tình nguyện viên làm công việc nấu nướng. Các món ăn của đại tiệc được thay đổi theo ngày.

Ba ngày diễn ra Đại lễ là ba chủ đề ẩm thực khác nhau
Ba ngày diễn ra Đại lễ là ba chủ đề ẩm thực khác nhau

Bốn ngày sẽ có gần 500 món ăn chay được giới thiệu đến thực khách. Có thể nói, tại đây hội tụ những món ăn chay ngon nhất, đặc sắc nhất của ba miền Bắc - Trung - Nam. Riêng nước uống, có 20 loại nước ép trái cây được sản xuất và phục vụ tại chỗ. 

“Đây là sự chuẩn bị cực kỳ chu đáo, công phu của đội ngũ chúng tôi trong vòng ba tháng để có nên những phong vị ẩm thực khác nhau được thay đổi hàng ngày. Món ăn được làm theo ba chủ đề khác nhau trong ba ngày diễn ra Đại lễ bao gồm: chủ đề Tâm Sen, chủ đề Hồn Việt và ngày kết thúc là chủ đề Hội tụ hòa bình và lan tỏa”, lời ông Lợi.

Được biết, ngoài các tình nguyện viên, tại khu vực đại tiệc cũng có hàng nghìn tình nguyện viên phục vụ các suất ăn chay cơm hộp, trong đó có tới 500 sinh viên thông thạo tiếng Anh sẵn sàng hỗ trợ du khách khi có yêu cầu. 

“Nhìn cách thức tổ chức của Việt Nam kỳ này, tôi nhận thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức Giáo hội và cộng đồng xã hội trong đó nổi lên là vai trò của chư tăng ni, Phật tử trẻ. Đây sẽ là bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia khác khi họ quyết định đứng ra đăng cai Đại lễ".

(Hòa thượng.TS. Chao Chu, Phó Chủ tịch IVDV, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phật giáo Los Angeles, Hoa Kỳ)

“Lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam tôi trải qua từ cung bậc cảm xúc này đến cảm xúc khác mà trên hết đó là sự gắn kết của cộng đồng Phật giáo thế giới hiện diện tại Tam Chúc những ngày qua. Những gì mà GHPGVN chuẩn bị và tổ chức không thể hoàn hảo hơn bởi ai cũng đã nỗ lực bằng tâm thành dâng lên Đức Phật, từ người hướng dẫn, điều hành cho đến người thực hiện”.

(Cư sĩ Dorji Dukpa, Thư ký Hoàng thái hậu Bhutan Dorji Wangmo, Vương quốc Bhutan)

Đọc thêm