Đại Từ, Thái Nguyên: Từng bước đạt chuẩn huyện nông thôn mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đại Từ là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thái Nguyên, cách trung tâm TP Thái Nguyên khoảng 25 km. Tuy còn nhiều khó khăn, song với sự đoàn kết, đồng lòng và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ đang phấn đấu xây dựng đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2024 và cơ bản đạt chuẩn thị xã vào năm 2030.
Đại Từ phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào trước năm 2025 (Ảnh: CTT TN)
Đại Từ phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào trước năm 2025 (Ảnh: CTT TN)

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ xác định xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh là một nhiệm vụ trọng tâm của Huyện, xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tập trung xây dựng và phát triển huyện Đại Từ một cách toàn diện, đồng bộ từng bước trở thành đô thị phát triển của tỉnh Thái Nguyên.

Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết cũng nêu rõ các chỉ tiêu cần đạt như: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9%/năm trở lên; Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng bình quân từ 4%/năm; Sản lượng lương thực bình quân đạt 67.900 tấn/năm; Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 10%/năm; Năm 2025 có trên 98,5% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; diện tích nhà ở bình quân toàn huyện đạt 29,5m2 sàn/người; Giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân 1,2%/năm theo chỉ tiêu mới; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, trong đó tỉ lệ có văn bằng chứng chỉ đạt trên 30%; ...

Huyện Đại Từ đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024, có 18 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 03 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; Phấn đấu năm 2025 có 02 đơn vị cấp xã đạt tiêu chuẩn lên phường (thị trấn Hùng sơn và xã Tiên Hội), có 14 xã đạt các tiêu chí đô thị loại V, huyện đạt tiêu chí đô thị loại IV. Định hướng đến năm 2030: 50% số đơn vị hành chính đạt tiêu chuẩn phường; huyện Đại từ đạt tiêu chuẩn thị xã và được công nhận thị xã trực thuộc tỉnh.

Phát huy thế mạnh đất chè

Nhắc đến Đại Từ, có lẽ không thể không nhắc đến chè La Bằng - một trong những “tứ đại danh trà” của Thái Nguyên vang danh bốn phương. Cùng với chè Tân Cương (TP Thái Nguyên), chè Trại Cài (Đồng Hỷ), chè Khe Cốc (Phú Lương), chè La Bằng của Đại Từ từng làm nức lòng người thưởng thức bởi hương thơm mát dịu, hài hòa vị chát ngọt, có hậu như chính những con người nơi đây.

Xác định cây chè là cây kinh tế mũi nhọn của địa phương, những năm qua, Đảng bộ xã La Bằng nói riêng và huyện Đại Từ nói chung đã nghiêm túc, tập trung chỉ đạo chăm sóc, thâm canh trên 330 ha, trồng mới và trồng lại được 16 ha chè.

Năng suất bình quân hàng năm đạt 128 tạ/ha, sản lượng bình quân đạt trên 3.800 tấn. Để duy trì và phát triển thương hiệu chè La Bằng, xã đã tạo điều kiện, thúc đẩy hoạt động của 09 làng nghề chè truyền thống, của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác. Trong đó tiêu biểu phải kể đến HTX chè La Bằng.

Hiện nay, HTX có gần 20 xã viên và trên 100 hộ liên kết trồng chè với diện tích khoảng 30ha. Nhờ chất lượng thơm ngon, năm 2017, sản phẩm “Đinh tâm trà” của HTX được lựa chọn là một trong những món quà tặng tại Hội nghị cấp cao APEC; năm 2019, sản phẩm “Thanh Hải trà” đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia và được cấp chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Xác định vị trí, vai trò quan trọng của cây chè trong phát triển kinh tế xã hội, huyện Đại Từ đã tiến hành quy hoạch phát triển cây chè và xác định bản đồ thổ nhưỡng cho phát triển cây chè đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời xác định đưa giải pháp công nghệ để nâng cao giá trị cây chè nói chung, sản phẩm chè an toàn nói riêng. Đại Từ phấn đấu đến năm 2030 diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn GAP chiếm 60% tổng diện tích chè, diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ chiếm 5% tổng diện tích chè. Khi đó chất lượng sản phẩm chè Đại Từ sẽ được nâng cao đem lại lợi ích thiết thực về kinh tế.

Từng bước hoàn thiện hạ tầng nông thôn

Không chỉ được phủ xanh bởi những đồi chè xanh mướt, đến Đại Từ hôm nay, còn cảm nhận được sự thay đổi rõ nét của bộ mặt nông thôn. Đó là do bên cạnh việc phát huy thế mạnh từ sản phẩm nông nghiệp chủ lực, Đại Từ cũng đã tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Đến nay, các xã trên địa bàn đều có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện, hệ thống đường liên xã, liên xóm và đường trục chính đã được kiên cố hóa, cứng hóa. Các công trình thủy lợi đã cơ bản đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh; công tác bảo vệ môi trường nông thôn được chú trọng, từng bước làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của người dân.

Phong trào xây dựng NTM đã thực sự khơi dậy được tinh thần yêu nước và sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Trong 5 năm trở lại đây, người dân trong huyện đã hiến trên 200.000m2 đất để xây dựng, mở rộng các tuyến đường giao thông; mỗi năm người dân đóng góp trên 70 tỷ đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng...

Ngoài phát triển hệ thống giao thông, xây dựng thiết chế văn hóa, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn huyện Đại Từ đã huy động tối đa nguồn lực, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn để xây dựng các công trình kênh mương, cầu, đập; sửa sang, xây dựng trường, lớp học, trạm y tế; quy hoạch, xây dựng các khu dân cư tập trung… Qua đó, nhằm từng bước phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng đô thị hóa.

Chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng NTM

Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ đột phá, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, Đại Từ đã tập trung huy động các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó coi trọng phát huy sức mạnh của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân. Theo đó, có thể thấy, từ chương trình xây dựng NTM, bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến tích cực; kinh tế tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, GRDP bình quân đầu người hàng năm đều đạt và vượt so với nghị quyết đề ra; cơ sở hạ tầng được xây dựng và củng cố, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm, tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững…

Đến nay, huyện Đại Từ đã có 23/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bình quân mỗi xã đạt từ 16 tiêu chí trở lên. Huyện cũng là đơn vị có số xã đạt chuẩn nông thôn mới nhiều nhất tỉnh Thái Nguyên.

Trong năm nay, Đại Từ phấn đấu đạt thêm 7 tiêu chí huyện nông thôn mới, gồm: Quy hoạch, giao thông, kinh tế, y tế - văn hóa - giáo dục, môi trường, chất lượng môi trường sống, an ninh trật tự hành chính công. Nhiệm vụ đặt ra từ nay đến năm 2023 của huyện là xây dựng 100% số xã đạt chuẩn NTM và 18 xã đạt NTM nâng cao.

Với những thành tích đã đạt được, Đại Từ vinh dự hai lần được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Cờ thi đua của Chính phủ về phong trào Xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, huyện được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Vùng an toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đại Từ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và Cờ thi đua của Chính phủ ngày 29/7/2022 ( Ảnh: Thu Hằng – TTXVN)

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đại Từ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và Cờ thi đua của Chính phủ ngày 29/7/2022 ( Ảnh: Thu Hằng – TTXVN)

Với những nỗ lực phấn đấu không ngừng, ngày 15/7/2022, địa phương tiếp tục vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất do có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2025 và cơ bản hoàn thiện các tiêu chí của thị xã như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đại Từ lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Đại Từ kiên định quyết tâm xây dựng địa phương trở thành một cực phát triển kinh tế năng động của tỉnh; tiếp tục tập trung phát triển kinh tế bền vững kết hợp với bảo đảm an sinh xã hội, khai thác hiệu quả các nguồn lực, thế mạnh địa phương; phấn đấu xây dựng huyện trở thành đô thị xanh, vùng kinh tế nông nghiệp, du lịch hàng đầu của tỉnh.

Đọc thêm