Đắk Lắk ngăn chặn, vô hiệu hóa các hành động chống phá cuộc bầu cử

(PLVN) - Những ngày này, cử tri 49 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang hồ hởi, phấn khởi cùng cử tri cả nước hướng về “Ngày hội toàn dân”. Để đảm bảo tuyệt đối cuộc bầu cử diễn ra an toàn, dân chủ, thắng lợi, Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị, ngành chức năng ra quân tuyên truyền, triển khai các biện pháp ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động chống phá của các thế lực phản động. 
TP Buôn Ma Thuột rực rỡ cờ hoa chuẩn bị cho bầu cử.
TP Buôn Ma Thuột rực rỡ cờ hoa chuẩn bị cho bầu cử.

Tuyên truyền đến tận vùng sâu

Đắk Lắk là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Nhằm đảm bảo cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp, Đắk Lắk đã chú trọng đặc biệt đến công tác thông tin tuyên truyền.

Xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng làm nên thành công của cuộc bầu cử. Ngay đầu tháng 3, UBBC tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch thông tin, tuyên truyền và cổ động cuộc bầu cử và Thành lập Tiểu ban Tuyên truyền phục vụ UBBC trong việc triển khai kế hoạch.

Xuyên suốt quá trình chuẩn bị cho bầu cử, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị, chỉ đạo triển khai Kế hoạch số 27 của UBBC tỉnh về thông tin tuyên truyền cổ động cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV, và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. 

Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk tuyên truyền bầu cử đến người dân vùng sâu
Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk tuyên truyền bầu cử đến người dân vùng sâu 

Các nội dung trọng tâm được quán triệt, lưu ý trong công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử như: Nhận diện, đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội, chính trị về cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trên cơ sở đó, mỗi cán bộ, công chức, người dân sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình, chọn những người có đức, có tài xứng đáng đại diện cho nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. 

Bên cạnh đó, các đơn vị triển khai tuyên truyền với các hình thức sáng tạo, phong phú, phù hợp với điều kiện, địa bàn cụ thể; Nắm chắc tình hình an ninh chính trị, tình hình liên quan đến khiếu kiện đông người, vượt cấp; Đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước…

Thực hiện kế hoạch, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng các sở, ngành chức năng, hệ thống báo, đài Trung ương thường trú và địa phương, hệ thống văn hóa cấp huyện và cơ sở đã triển khai tích cực, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử.

Công tác tuyên truyền bầu cử ở vùng sâu được chú trọng.
 Công tác tuyên truyền bầu cử ở vùng sâu được chú trọng.

Đặc biệt, để đưa thông tin bầu cử đến vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, UBBC tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, xe loa di động đi đến tận các thôn, buôn. Nội dung tuyên truyền về bầu cử được ghi thành đĩa mềm chuyển đến Phòng Văn hóa thông tin cấp huyện và UBND cấp xã để nhân dân nắm bắt đầy đủ thông tin.

Ngoài việc dùng các panô, áp phích, biểu ngữ, các đơn vị, địa phương còn tổ chức các buổi tuyên truyền miệng tại các thôn, buôn và phát huy vai trò các chức sắc tôn giáo, người có uy tín, già làng, trưởng buôn trong công tác tuyên truyền. Ngoài tiếng phổ thông, Đắk Lắk còn dịch nội dung sang tiếng Ê đê và M’nông để thông tin đến được đông đảo người dân vùng sâu vùng xa, vùng DTTS.

Ban Dân vận tỉnh chú trọng tuyên truyền, phát động ở các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS như: xã Ea Bhốc và xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin), xã Đắk Nuê và xã Krông Nô (huyện Lắk), xã Cư Drăm và xã Cư Pui (huyện Krông Bông), xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar), xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk), xã Cư Kbang và xã Cư Mlan (huyện Ea Súp).

Vô hiệu hóa các hoạt động chống phá

Bằng việc xuyên tạc thông tin, đưa ra những bình luận, nhận xét, đánh giá thiếu trung thực, phiến diện, một chiều, quy chụp, các đối tượng xấu đang hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, kích động tư tưởng hoài nghi về công tác bầu cử, gieo rắc nhận thức sai lầm liên quan đến hoạt động bầu cử.

Suốt nhiều tháng nay, lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk đã triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động của các thế lực thù địch, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp. Với vai trò là Cơ quan thường trực Tiểu ban đảm bảo an ninh trật tự, Công an tỉnh Đắk Lắk đã tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện để đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho cuộc bầu cử trên.

Lực lượng CSCĐ Công an tỉnh Đắk Lắk diễn tập tình huống
Lực lượng CSCĐ Công an tỉnh Đắk Lắk diễn tập tình huống 

Cụ thể, về an ninh chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cho các lực lượng nắm vững âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối. Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi và vô hiệu hóa các hoạt động chống đối.

Các thế lực thù địch, phản động luôn lợi dụng những thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền để kích động chống phá, vu cáo. Do đó, Công an tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các lực lượng nắm vững, nhất là các vụ tranh chấp, khiếu kiện của người dân đối với các doanh nghiệp, nông lâm trường. Nắm rõ các đầu đơn, các đối tượng kích động để phòng ngừa và tham mưu cho chính quyền địa phương, các sở ngành liên quan đối thoại với nhân dân, tạo ra sự đồng thuận, làm giảm các điểm nóng về an ninh trật tự.

Công an tỉnh Đắk Lắk cũng triển khai lực lượng nắm chắc các thông tin, đặc biệt là những thông tin trên mạng xã hội về chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá cuộc bầu cử để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. Xử lý nghiêm các đối tượng có những hành vi viết bài, chia sẻ thông tin không đúng sự thật, xâm hại đến uy tín, danh dự của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị trên các mặt như kinh tế, thông tin truyền thông, biên giới, dân tộc, tôn giáo, nông thôn...

Đặc biệt, Công an tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo công an các huyện, thị xã và thành phố tổ chức ít nhất 1 điểm bầu cử phải có 1 chiến sĩ công an trở lên để phối hợp với ban bầu cử nắm vững tình hình, phòng ngừa những việc có thể xảy ra như xé, bôi lem danh sách cử tri, ứng cử viên, mất con dấu. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể và quần chúng nhân dân kịp thời xử lý mọi tình huống mất an ninh trật tự với phương châm 4 tại chỗ, với tinh thần không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Lực lượng CSGT Đắk Lắk ra quân đảm bảo an toàn cho bầu cử
 Lực lượng CSGT Đắk Lắk ra quân đảm bảo an toàn cho bầu cử

Đại tá Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Để đảm bảo an ninh, an toàn trước, trong và sau ngày bầu cử, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phương án nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn cho cuộc bầu cử. Cụ thể, tập trung lực lượng, huy động tối đa phương tiện mở đợt tấn công, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội, như tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường…

Thời gian qua, lực lượng công an đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn âm mưu phá hoại của các đối tượng thù địch, lưu vong, phản động trong và ngoài nước khi gia tăng các hoạt động phá hoại cuộc bầu cử. Qua nắm bắt tình hình, công an tỉnh đã kịp thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử, vạch trần âm mưu, thủ đoạn, hoạt động xuyên tạc chống phá bầu cử của các thế lực thù địch, qua đó, tiếp tục củng cố vững chắc niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Công an tỉnh luôn đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng. Thông qua mạng xã hội Facebook các lực lượng chuyên môn của công an tỉnh đã kịp thời đăng tải 11 bài viết, trong đó có 2 bài viết phản bác, 9 bài viết định hướng tuyên truyền và chia sẻ hơn 100 bài viết để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá cuộc bầu cử. Lực lượng công an tỉnh cũng tiến hành mời làm việc và đấu tranh, xử lý 6 đối tượng trên địa bàn tỉnh tham gia nhóm họp trực tuyến do các phần tử phản động lưu vong bên ngoài tổ chức nhằm phá hoại cuộc bầu cử và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Để tổ chức đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá bầu cử, công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng công an cơ sở triển khai hàng loạt hành động: Bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng lợi dụng bầu cử để phát tán tài liệu phản động, chia rẽ nội bộ, kích động quần chúng tham gia các hoạt động chống đối; Tăng cường tuần tra, giám sát tại các khu vực công cộng, khu vực tổ chức bầu cử, địa điểm niêm yết danh sách cử tri, đại biểu… đề phòng đối tượng phản động rải truyền đơn, viết, vẽ khẩu hiệu phản động, phá hoại, gây cháy nổ.

Đối với đơn thư nặc danh có liên quan đến cán bộ là các ứng cử viên, lực lượng công an tỉnh phối hợp với UBBC các cấp xác minh nội dung đơn thư, đảm bảo khách quan và đúng quy định. Đồng thời, xác minh làm rõ người gửi, động cơ, mục đích nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử.

Công an tỉnh kêu gọi mọi người dân Đắk Lắk cần phát huy tinh thần, trách nhiệm, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, cực đoan. Không tin và nghe theo những luận điệu của các thế lực phản động. Ngày bầu cử, cử tri thể hiện quyền làm chủ, lựa chọn người có phẩm chất, năng lực, tiêu chuẩn bầu vào ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, củng cố xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Đắk Lắk có 3 đơn vị bầu cử ĐBQH, bầu ra 9 đại biểu; 20 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, bầu 75 đại biểu; 167 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, bầu 513 đại biểu; 1.528 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã với 4.658 số đại biểu được bầu. Tỉnh đã thành lập 1.794 Tổ Bầu cử với 1.802 điểm bỏ phiếu.

Đọc thêm