Đắk Nông báo cáo bị thiệt hại 1.046 tỷ đồng vì thiên tai

(PLVN) - UBND tỉnh Đắk Nông mới có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai (PCTT) về tình hình thiệt hại do mưa, lũ gây ra, đồng thời đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả.
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều hộ dân ở Đắk Nông bị ngập úng

Thời gian qua, tình trạng mưa lũ, sụt lún, sạt lở diễn ra gây nhiều thiệt hại tại nhiều tỉnh Tây Nguyên, trong đó Đắk Nông bị thiệt hại nặng.

Từ ngày 28/7 - 18/8, tại Đắk Nông liên tục xuất hiện mưa to đến rất to và kéo dài. Lượng mưa đo được tại nhiều địa phương phổ biến ở mức 400 mm, cá biệt có một số khu vực trên 500 mm. Tình trạng trên khiến mực nước trên các sông, suối, ao hồ dâng cao, gây ngập úng nhiều khu dân cư và sụt lún, sạt trượt tại nhiều khu vực làm ảnh hưởng, thiệt hại nhà cửa, tài sản, cây trồng và hạ tầng cơ sở nhiều nơi.

UBND tỉnh Đắk Nông đã rà soát, thống kê, xác định tổng thiệt hại do mưa lũ ước tính khoảng 1.046 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về nhà ở là 275 căn, giá trị thiệt hại 78 tỷ đồng; 704ha cây trồng, 234ha nuôi thủy sản, 1.014 con gia súc, gia cầm ngập lụt, thiệt hại 124 tỷ đồng. Mưa lũ đã làm ảnh hưởng nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, thiệt hại hơn 840 tỷ đồng...

UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT tổng hợp, đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương số tiền hơn 660 tỷ đồng để địa phương có đủ nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, hạn chế những tác động, ảnh hưởng tiêu cực do mưa, lũ, sụt lún, sạt lở đất gây ra.

Hiện, tỉnh Đắk Nông cũng đã chi 12,5 tỷ đồng từ ngân sách để khắc phục hậu quả; Đồng thời, chi gần 600 triệu đồng từ Quỹ PCTT để hỗ trợ các địa phương.

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: Từ ngày thành lập tỉnh đến nay chưa có năm nào mưa lớn kéo dài hơn 20 ngày và gây thiệt hại về của cải, vật chất lớn như đợt mưa lũ, sạt lở vừa qua. Trước diễn biến bất thường của thiên tai, việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân là quan trọng nhất. Tiếp đó là việc bảo vệ an toàn cho tài sản của Nhà nước đã đầu tư. Về lâu dài, Đắk Nông phải theo dõi chặt các điểm sạt trượt và thuê các đơn vị tư vấn đánh giá, đề xuất giải pháp. Đặc biệt là xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở trên địa bàn toàn tỉnh.

Đọc thêm