Tiêm vaccine cho trẻ là cần thiết
Theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 10/12, gần 6,9 triệu liều vaccine đã được tiêm cho đối tượng là trẻ em từ 12-17 tuổi. Tại Hà Nội, tính đến hết ngày 11/12, đã có gần 638.000 trẻ em từ 12-17 tuổi ở Thủ đô tiêm vaccine COVID-19. Vẫn còn khoảng hơn 56.000 trẻ ở Hà Nội chưa được tiêm mũi vaccine nào.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Tất cả các địa phương trong cả nước đang tiến hành tiêm cho các đối tượng này. Để bảo vệ nhóm trẻ nhỏ hơn phòng COVID-19, Bộ Y tế đang xem xét kế hoạch bao gồm lựa chọn vaccine theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhà sản xuất, đồng thời các đơn vị liên quan sẽ xem xét theo quy định hiện hành. Tiếp theo đó, Bộ Y tế sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể tiêm vaccine cho đối tượng trẻ này.
Ông Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay: “Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lứa tuổi 5-11 và 12-17 là cần thiết vì giúp phòng bệnh cho các em và đưa trẻ em sớm trở lại trường học, phù hợp với quan điểm xã hội học trong tình hình hiện nay. Nghiên cứu vaccine được thực hiện trên nhiều đối tượng, nhiều quốc gia, vì vậy việc triển khai tiêm phòng vaccine cho nhóm trẻ em là hoàn toàn có cơ sở. Trước tình hình xảy ra một số biến cố bất lợi sau tiêm, Bộ Y tế đã tiến hành tập huấn lại công tác sàng lọc, phát hiện và xử trí các biến chứng sau tiêm trên toàn quốc với sự tư vấn và hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành cũng như các bệnh viện tuyến Trung ương, mục tiêu là để các tuyến y tế cơ sở chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả”.
Cũng theo ông Cao Việt Tùng, những người (bao gồm trẻ nhỏ trong lứa tuổi cho phép tiêm vaccine) nếu đã nhiễm COVID-19 vẫn nên tiêm vaccine Covid-19 sau 6-8 tháng. Các nghiên cứu cho thấy sau tiêm vaccine cho đối tượng này thì kháng thể trong cơ thể có thể đạt tới nồng độ hiệu quả chống lại Covid-19.
Chuẩn bị tâm lý tốt cho trẻ trước khi tiêm vaccine
Trước lo ngại, băn khoăn của một số phụ huynh về việc tiêm chủng vaccine cho trẻ em, TS. BS Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn; Trưởng phòng Khám, tư vấn tiêm chủng – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, với các số liệu đã công bố, hiện chưa thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về phản ứng sau tiêm giữa các loại vaccine phòng COVID-19 đang sử dụng hiện nay. Nhìn chung, các phản ứng sau tiêm phòng vaccine COVID-19 không phổ biến và ngay cả các biểu hiện gọi là “phản ứng rất thường gặp” nhưng tỷ lệ gặp cũng chỉ dưới 10%.
Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng vaccine Comirnaty để chích ngừa COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Các phản ứng sau tiêm chủng của loại vaccine này đã được ghi nhận gồm: Rất thường gặp (gặp trong khoảng 1/10): Sưng, đau tại chỗ tiêm, vùng tiêm rắn hơn một chút so với xung quanh; đau mỏi cơ, đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi và sốt (có thể sau mũi 2 thì sốt nhiều hơn một chút). Thường gặp: Mẩn đỏ chỗ tiêm, buồn nôn, nôn (1/100). Hiếm gặp: Nổi hạch, đau cánh tay, ngứa, hay nổi ban (1/1000). Cực kỳ hiếm gặp: Liệt mặt 1 bên thoáng qua; Hay gặp một số biểu hiện của dị ứng như sung nề mặt (1/10.000). Đặc biệt dữ liệu thử nghiệm của Pfizer không ghi nhận trường hợp phản vệ nào sau tiên vaccine Comirnaty.
Còn viêm cơ tiêm hay huyết khối giảm tiểu cầu chỉ ghi nhận khi đưa vaccine ra sử dụng với số trường hợp gặp rất ít.
Để phòng ngừa các phản ứng sau tiêm ở trẻ khi đi tiêm phòng vaccine COVID-19, TS. BS Lê Kiến Ngãi đưa ra lời khuyên, cha mẹ, người chăm sóc và bản thân trẻ phải hiểu được rằng thông qua các kết quả thử nghiệm và thực tiễn sử dụng thì vaccine phòng COVID-19 được sử dụng để tiêm cho trẻ em là an toàn.
Vì vậy, cha mẹ nên chuẩn bị một tâm lý tốt cho trẻ trước khi tiêm. Đối với việc tiêm chủng cho trẻ em nói chung và tiêm phòng COVID-19 nói riêng thì tâm lý đóng một vai trò rất quan trọng. Gia đình và trẻ em phải vượt qua được sự ảnh hưởng của mạng xã hội, nhất là các bình luận không tích cực, thậm chí là các video clip có nội dung không tốt. Ngoài ra, trẻ cần được chuẩn bị tốt về mặt thể chất như ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, không vận động quá mức ngay trước khi tiêm.
Tại phòng tiêm, phụ huynh cần thông báo với nhân viên y tế tất cả các vấn đề về sức khỏe của trẻ (nếu có). Ngay sau khi tiêm tuân thủ sự hướng dẫn của nhân viên y tế, theo dõi 30 phút sau khi tiêm. Trong những ngày đầu sau khi tiêm, nghỉ ngơi, tránh các hoạt động gắng sức, có người lớn ở bên cạnh trong 3 ngày đầu sau tiêm, theo dõi sức khỏe và thông báo ngay cho cơ sở y tế nếu có bất thường để được tư vấn hỗ trợ.