Đảm bảo cân bằng, công bằng, đồng bộ và đột phá trong chuyển đổi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 8/6, trong khuổn khổ các hoạt động của Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) 2023, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tiếp tục tham dự và là diễn giả chính phát biểu tại phiên thảo luận về “Phát thải ròng bằng không, phát triển bền vững, đa dạng sinh học” do Bộ trưởng Bộ trưởng An ninh năng lượng và trung hoà carbon Anh chủ trì.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dự hội nghị.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dự hội nghị.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thách thức khí hậu đã, đang và sẽ là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại, đe dọa an ninh lương thực, nguồn nước, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế người dân toàn thế giới.

Trên hành trình tìm câu trả lời hóa giải thách thức này, chúng ta đã thống nhất nhận thức về tính cấp thiết và quyết tâm chuyển đổi kinh tế toàn cầu từ “nâu” sang “xanh”.

Từ Hội nghị Paris đến COP 26, COP 27; từ Chương trình hành động cho khí hậu (IPAC), Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC) đến Diễn đàn giảm phát thải các-bon (IFCMA); rất nhiều sáng kiến, cách tiếp cận và cam kết vì khí hậu đã được đưa ra.

Bước tiếp theo trên lộ trình vì khí hậu là biến nhận thức thành hành động trên phạm vi toàn cầu. Quá trình này vốn đã đầy thách thức đối với các nước OECD, lại càng gian nan đối với các nước ngoài OECD có trình độ phát triển thấp hơn.

Bộ trưởng chia sẻ, từ góc độ Việt Nam, một nước đang phát triển, một nền kinh tế đang chuyển đổi, để thành công quá trình này cầm đảm bảo các tiêu chí là Cân bằng, Công bằng, Đồng bộ và Đột phá.

Quá trình chuyển đổi xanh cần bảo đảm tính cân bằng và công bằng. Đó là cân bằng chiến lược giữa chuyển đổi năng lượng sạch và an ninh năng lượng, tính tới điều kiện, trình độ khác biệt giữa các nước để xây dựng các lộ trình chuyển đổi năng lượng đa dạng, có tính thực tiễn cao.

Đó là công bằng trong khả năng tiếp cận công nghệ xanh, tài chính xanh đối với các nước đang và kém phát triển; công bằng trong việc bảo đảm không gian và cơ hội phát triển giữa các nhóm nước và các nhóm cộng đồng trong xã hội để không một ai hay quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.

Chuyển đổi xanh cần được thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn cầu. Biên giới quốc gia của thách thức khí hậu là không có. Việc thủng tầng ô-zôn ở một góc nào đó trên thế giới sẽ tác động nhanh chóng đến biến đổi khí hậu toàn trái đất.

Do đó, cần sự phối hợp chính sách, quyết tâm thực hiện của tất cả các quốc gia trên thế giới. Việt Nam đánh giá cao Diễn đàn IFCMA của OECD; việc thống nhất một số định hướng, chính sách chung ở cấp độ toàn cầu như sứ mệnh của IFCMA đóng vai trò quan trọng.

Quá trình chuyển đổi xanh là một cuộc cách mạng, mà muốn thành công cần tư duy và hành động đột phá, nhất là mạnh dạn ứng dụng các công nghệ mới xanh hơn, hiệu quả và thông minh hơn. Để giảm thiểu các rủi ro phải đánh đổi khi đột phá, Việt Nam mong các nước OECD, những nước đi đầu về công nghệ, giúp tiên phong phát triển và chuyển giao công nghệ mới hiệu quả, an toàn, phù hợp cho các nước đang phát triển.

Bộ trưởng cũng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Chuyển đổi sang kinh tế xanh, tuần hoàn, ít phát thải luôn là chủ trương phát triển xuyên suốt và nhất quán của Việt Nam.

Mặc dù là một nước đang phát triển và trong quá trình chuyển đổi, Việt Nam đã có những cam kết đầy tham vọng và cùng chung tay trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quyết tâm này đã được thể hiện rõ qua cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP 26, việc thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước G7 và gần đây nhất là việc thông qua Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030.

Lộ trình hành động vì khí hậu này chỉ có thể thành công với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là OECD qua hỗ trợ vốn ưu đãi, chuyển giao công nghệ, xây dựng thể chế chính sách, quản trị và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Việt Nam cũng mong OECD hỗ trợ trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Cùng ngày, nhân dịp dự Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Viera, Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Pháp Emmanuel Bonne; Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis; Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada Mary Ng.

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Brazil, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cấp cao; đề nghị Brazil ủng hộ, thúc đẩy sớm khởi động đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)…

Tại cuộc gặp Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Bonne bày tỏ quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược Pháp – Việt Nam; tăng cường trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước trong thời gian tới; nhất trí hai bên cần triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định tự do thương mại châu Âu – Việt nam (EVFTA); Pháp sẽ xem xét sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Ủy ban châu Âu thúc đẩy Nghị viện các nước thành viên sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EVIPA, tạo bước đột phá trong hợp tác đầu tư giữa hai bên. Hai bên ghi nhận kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng tích cực; nhất trí thúc đẩy EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đồng thời trao đổi về mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác như lao động, y dược.

Đọc thêm