Theo báo cáo tại cuộc họp, qua hơn 08 năm thực hiện, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) 2015, có hiệu lực thi hành từ năm 2017 đã đi vào cuộc sống, quản lý thống nhất nền tài chính quốc gia, nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý và sử dụng NSNN, củng cố kỷ luật tài chính, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả ngân sách và tài sản của Nhà nước, tăng tích lũy nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, qua hơn 08 năm thực hiện, Luật NSNN 2015 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc có tính cấp bách cần xử lý, tháo gỡ, một số quy định trong Luật chưa đáp ứng, phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Đồng thời, Quốc hội cũng đã ban hành các Luật, Nghị quyết để sửa đổi, quy định một số chính sách mới cho các đối tượng, ngành, lĩnh vực; quy định thí điểm cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù cho một số địa phương, cần nghiên cứu để luật hoá, trong khi cần phải thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đáp ứng các vấn đề thực tiễn và bối cảnh phát triển mới, tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho các cấp, ngành, địa phương trong điều hành, quản lý NSNN.
Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật NSNN sửa đổi tổng thể Luật NSNN năm 2015 là hết sức cần thiết, nhằm cụ thể hoá các định hướng của Đảng tại Văn kiện Đại hội Đảng XIII, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị đã ban hành, các nghị quyết của Quốc hội.
Bên cạnh đó, trên cơ sở kế thừa, tiếp tục phát huy các quy định đã được thực tiễn chứng minh phát huy hiệu quả của Luật NSNN hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, tháo gỡ căn bản khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, hạn chế phát sinh trong tổ chức thực hiện; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cắt giảm, đơn giản hoá trình tự, thủ tục; đồng bộ, thống nhất với quy định tại các Luật, Nghị quyết của Quốc hội mới được ban hành và bổ sung một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách thí điểm, đặc thù đã áp dụng cho một số địa phương để áp dụng cho cả nước; sửa đổi để phù hợp với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.
Bố cục của dự thảo Luật gồm 07 chương, 75 điều (sửa đổi 61 điều, bãi bỏ 02 điều, giữ nguyên số Chương so với Luật NSNN hiện hành).
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh rằng khoa học và công nghệ là lĩnh vực đặc thù. Trong khi đó, khoản 4 Điều 8 của dự thảo quy định các khoản chi ngân sách phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy trong lĩnh vực khoa học và công nghệ có nhiều hoạt động rất khó xác định hoặc xây dựng được tiêu chuẩn, định mức chi cụ thể. Vì vậy, nếu quy định quá “cứng” về việc bắt buộc tuân thủ đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn và định mức chi, sẽ dễ phát sinh vướng mắc khi thực hiện. Do đó, bà Hiền đề nghị cần xem xét, điều chỉnh nội dung quy định này theo hướng linh hoạt hơn, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Đồng thời, bà Hiền đề nghị bổ sung “chi thuê tài sản” vào danh mục các nhiệm vụ được phép sử dụng linh hoạt 2 nguồn kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư; bổ sung nội dung liên quan đến nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu và các nhiệm vụ chi mang tính liên ngành, liên vùng.
Đại tá Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch và Tài chính, Bộ Công an đề nghị tại điểm a khoản 5 Điều 9 của dự thảo luật quy định về ngân sách cấp dưới hỗ trợ cho các đơn vị thuộc cấp trên quản lý đóng trên địa bàn trong các trường hợp cần thiết thì cần quy định rõ việc hỗ trợ là một phần hay toàn bộ kinh phí và xác định mức hỗ trợ cụ thể. Bởi trên thực tế, một số đơn vị đóng quân tại địa phương đã nhận được sự hỗ trợ ngân sách ở mức cao. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần xem xét, rà soát lại quy định này để bảo đảm tính minh bạch, tránh gây lúng túng cho các địa phương trong quá trình thực hiện.
![]() |
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú phát biểu kết luận cuộc họp. |
Phát biểu kết luận cuộc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại nội dung dự thảo luật để đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp, cập nhật các định hướng trong dự thảo Nghị quyết trình Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân; rà soát lại với các luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Phí, lệ phí… để đảm bảo tính hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú cũng đề nghị rà soát lại các vấn đề về phân cấp, phân quyền, đảm bảo giải quyết được các vấn đề vướng mắc, bất cập phát sinh.