Yêu cầu cấp thiết?
Hiện nay, đa phần các tuyến đường ở Việt Nam vẫn chủ yếu là lưu thông hỗn hợp, nhiều đoạn xe máy chạy chung làn với xe ô tô, xe trọng tải lớn. Trong khi đó, không phải ai đi xe máy cũng chạy đúng luật, nhiều người vượt ẩu, chen lấn, luồn lách nên nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) rất cao.
Theo các tài xế chạy xe tải, xe container đường dài, vào giờ cao điểm, xe ô tô, xe máy cùng chen chúc nhau trên một làn đường, chỉ cần tài xế lơ là không quan sát sẽ xảy ra va chạm ngay. Các tài xế này cho rằng, các cơ quan chức năng sớm xem xét, bố trí các làn đường riêng cho xe máy. Cùng đó, phải phạt thật nghiêm các xe cố ý chạy sai làn đường quy định.
Theo GS.TS Từ Sỹ Sùa-giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT, việc quy định làn đường riêng cho xe máy hết sức cấp thiết, nhất là ở TP Hà Nội, TP HCM và các tuyến đường huyết mạch. “Ở những nơi có mặt đường rộng, trục quốc lộ có mật độ lưu thông cao, nếu tách được thì làm ngay, còn những đoạn nào hẹp thì tiếp tục mở rộng và cứ thế làm cho bằng được” - ông Sùa nêu ý kiến.
Theo thống kê, từ năm 1990 đến năm 2018, số lượng xe máy ở Việt Nam tăng khoảng 48 lần, từ hơn 1,2 triệu xe lên hơn 50 triệu xe. Dự báo, hàng năm số xe máy theo đăng ký sẽ tăng thêm 1,12 triệu xe và số lượng xe máy trong lưu thông tăng khoảng 1,15 triệu xe.
Nghiên cứu từ các vụ TNGT liên quan đến xe máy cho thấy, nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn là do đi không đúng làn đường, phần đường, chuyển hướng không đúng quy định, không chấp hành quy định về tốc độ… Ở nước ta, số vụ TNGT liên quan đến xe máy chiếm khoảng 70%; rủi ro đối với người đi xe máy là lớn nhất trong môi trường có nhiều ô tô, đặc biệt, khi lưu thông với tốc độ cao, xe máy gặp va chạm sẽ dẫn đến chấn thương và nguy cơ tử vong cao.
Ở một số nước có lượng sử dụng xe máy nhiều giống Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, khi triển khai làn đường dành riêng cho xe máy đã giảm gần 40% số vụ va chạm giao thông và giảm 83% số người chết do TNGT.
Điển hình nhất là Malaysia, nước này bắt đầu triển khai làn dành riêng cho xe máy tại thủ đô Kuala Lumpur khoảng 20 năm trước và hiện vẫn tiếp tục dự án. Các làn dành riêng cho xe máy tại Malaysia thường có thêm chỗ trú cho tài xế khi trời mưa nặng hạt. Những khu vực này thường được thiết kế ngay dưới gầm cầu, hoặc có hẳn một phòng trú như bốt điện thoại.
Trên đường liên bang, làn dành cho xe máy sẽ nằm ngoài cùng bên trái mỗi chiều đường, được phân biệt bằng vạch kẻ trắng đen, cho phép lái xe di chuyển với tốc độ chậm hơn. Để ra khỏi đường, các phương tiện có thể rẽ phải. Nhờ phương án này, Malaysia đã kéo giảm tới 83% số người thiệt mạng vì TNGT đường bộ so với trước đây.
Đánh giá về việc tách làn riêng cho xe máy, các chuyên gia giao thông cho rằng việc tách riêng làn đường cho xe máy và ôtô là điều cần thiết. Trước mắt nên rà soát lại về diện tích mặt đường, tình hình giao thông tại từng khu vực. Tuyến đường nào đủ điều kiện thì xây dựng làn đường cho các loại xe lưu thông riêng. Đối với những tuyến đường chưa đủ kinh phí, có thể thiết kế đường gom dành cho xe máy, xe tải và ôtô sẽ đi vào làn đường còn lại.
Cần nâng cao ý thức chấp hành
Đầu năm 2011, TP Hà Nội đã phân làn xe máy riêng ở 5 tuyến phố: Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Giải Phóng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, tình trạng vi phạm diễn ra rất phổ biến, người dân cứ thấy chỗ nào trống là đi, bất kể đấy là phần đường của ôtô hay xe máy. Do vậy, sau một thời gian thực hiện, việc này phải tạm dừng.
Tình trạng vi phạm diễn ra không chỉ tại các tuyến đường, phố trong nội đô, mà còn thường xuyên xảy ra trên các tuyến đường cao tốc, đường vành đai tại Hà Nội. Điển hình như đường vành đai 3 trên cao, tuyến đường Đại lộ Thăng Long… hàng ngày vẫn có không ít trường hợp xe máy ngang nhiên đi vào làn dành riêng cho ô tô. Nhiều vụ tai nạn với hậu quả thảm khốc đã xảy ra, đó như một lời cảnh báo chân thực và đáng sợ nhất, tuy nhiên, nhiều người tham gia giao thông vẫn phớt lờ và vô tư vi phạm.
Tại TP HCM, nhiều tuyến đường lớn hiện đã được tổ chức tách làn giữa ôtô và xe máy, đặc biệt là những tuyến có mật độ xe trọng tải lớn lưu thông cao như xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 1 (đoạn kéo dài từ quận Thủ Đức đến quận Bình Tân), một phần Quốc lộ 22… Sau khi bố trí dải phân cách tách làn đường giữa ôtô và xe máy, tình hình TNGT giảm đáng kể.
Tuy nhiên, ở nhiều tuyến đường dù có dải phân cách tách làn cho xe 2 bánh nhưng không ít người chạy xe máy vẫn liều mạng lưu thông vào làn đường ôtô, luồn lách giữa dòng xe tải nặng. Đơn cử như trên xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, tình trạng trên khá phổ biến và hàng loạt vụ tai nạn chết người đã xảy ra.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, tách làn phương tiện được cho là một trong những biện pháp có thể hạn chế ùn tắc giao thông và giảm bớt nguy cơ xảy ra va chạm giữa xe máy và ô tô. Tuy nhiên, để thực hiện giải pháp này hiệu quả, cần có sự tính toán chính xác lưu lượng phương tiện đi lại trên các tuyến đường này và lựa chọn những tuyến đường đủ rộng, đảm bảo các yếu tố về mặt hạ tầng. Song song với đó cũng cần sự quyết tâm của chính quyền và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Dẫu việc xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, thế nhưng người dân vẫn cứ vô tư vi phạm thì việc xây dựng làn riêng cho xe máy, mô tô cũng trở nên vô ích. Chỉ khi nào, ý thức người dân tự giác chấp hành luật khi tham gia giao thông tốt, thì việc việc áp dụng phân làn phương tiện sẽ đạt hiệu quả cao.