Hàng ngàn người chết và mất tích vì tai nạn tàu cá
Theo số liệu thống kê của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Kiểm ngư, từ năm 2010 đến năm 2015 cả nước đã xảy ra 3.967 vụ tai nạn liên quan đến tàu cá (đâm va, mắc cạn, hỏng máy, phá nước, nổ bình ga, tai nạn lao động) làm chết 470 người, mất tích 442 người và bị thương 935 người.
Tính từ năm 2015 đến nay xảy ra 807 vụ, làm chết 216 người, mất tích 162 người. Tình trạng tại nạn dẫn tới tàu bị thiệt hại, người chết, mất tích đều tăng. Chỉ riêng trong quí I/2016, sự cố trên biển xảy ra 253 vụ, làm 43 người chết, mất tích 36 người, bị thương 60 người, chìm 74 phương tiện.
Việc tàu cá Việt Nam bị tai nạn có nhiều nguyên nhân như quá mục nát, tàu nhỏ, máy móc lạc hậu, va đập và bị đâm do không có trang thiết bị. Ngoài ra, ngư dân đi biển còn chủ quan, ỷ lại vào cơ quan chức năng, hoạt động tương trợ chưa chặt chẽ…
Khu neo đậu tránh trú bão được xây dựng nhưng không được quan tâm nạo vét, thiếu phao báo hiệu, đá ngầm chưa được xử lý, tuyến luồng không ổn định gây nguy hiểm cho tàu; việc ban hành Quy chế quản lý cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh bão chưa được địa phương quan tâm.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do tình hình thời tiết bất thường. Bên cạnh đó, biển Đông là nơi hoạt động hàng hải quốc tế diễn ra tấp nập, do vậy va chạm là điều khó tránh khỏi nếu tàu ngư dân Việt không có các đèn báo hiệu hay chủ quan khi neo đậu.
Đường dây nóng luôn... “nguội”
Đánh giá về tình hình tai nạn trên biển của ngư dân, Cục Kiểm ngư cho rằng, ngoài các nguyên nhân khách quan và chủ quan nói trên còn có việc Trung Quốc không thiện chí, thậm chí gây khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. Đơn cử là đường dây nóng với Trung Quốc thường khó thực hiện; nhiều sự việc bên Việt Nam gọi hỗ trợ khi ngư dân bị bệnh nhưng không được phía Trung Quốc giúp đỡ.
Điển hình như trường hợp thuyền viên Nguyễn Sĩ Phú, tàu cá QNg-98955 — TS bị đau bụng dữ dội (chẩn đoán bị thủng dạ dày). Sau khi xin ý kiến của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Kiểm ngư đã gửi thông báo đến Cục Lãnh sự đồng thời thông báo với cơ quan đầu mối phía Trung Quốc đề nghị điều máy bay ra cứu nạn, nhưng phía Trung Quốc không có động thái gì. Hậu quả là ông Nguyễn Sĩ Phú đã tử vong.
Không chỉ vậy, khi ngư dân gặp sự cố ở Hoàng Sa, Trường Sa, công tác cứu nạn rất khó khăn do Trung Quốc ngăn cản, trong khi đó tại các vùng biển xa, phương tiện cứu hộ của Việt Nam còn hạn chế.
Theo ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT): “Việc ban hành cơ chế sử dụng đường dây nóng Việt Nam — Trung Quốc các bộ, ngành cơ bản được phân công, tổ chức hoạt động ổn định, hiệu quả. Tuy nhiên, đầu mối phía Trung Quốc chưa thực sự phối hợp như đã ký kết trong Thỏa thuận và Quy chế thực hiện đường dây nóng giữa 2 nước (phía Trung Quốc chưa thông báo lại cơ quan đầu mối sau khi thay đổi bộ máy)”.
“Nhiều vụ việc vẫn phải có công hàm của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao phía Trung Quốc mới tiến hành tăng thêm thủ tục dẫn đến giải quyết vụ việc không kịp thời” – ông Huy cho biết thêm.
Trước thực tế trên, ông Huy kiến nghị cần trang bị cho các cơ quan cứu hộ, cứu nạn phương tiện đáp ứng được công tác cứu nạn ở khu vực Trường Sa, Hoàng Sa và giữa biển Đông.
Cùng với đó, tiếp tục đàm phán ký kết Thỏa thuận và Quy chế đường dây nóng giải quyết sự cố nghề cá trên biển với Trung Quốc trước ngày 19/6/2016 và đề nghị Trung Quốc thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận và Quy chế được ký kết. Đồng thời, Việt Nam cũng tiếp tục đàm phán với Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia… về đường dây nóng.
Tổng số tàu cá khai thác thủy sản của Việt Nam đến hết năm 2015 là 107.041 chiếc. Tàu cá có công suất dưới 90 sức ngựa là 76.843 chiếc, chiếm 71,5%. Tàu cá có công suất từ 90 sức ngựa đến 400 sức ngựa là 19.822 chiếc, chiếm 18,5%. Tàu cá lắp máy có công suất từ 400 sức ngựa trở lên là 10,676 chiếc, chiếm 10%. Số lượng tàu xa bờ tăng nhanh, từ 21.000 tàu năm 2011 lên 29.300 tàu vào năm 2014 và 30.558 tàu năm 2015; số lượng tàu cá ven bờ giảm 2.740 tàu, từ 79.481 tàu năm 2014 còn 76.483 năm 2015.