Phát biểu trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, QH khóa 14, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Cử tri và Nhân dân phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường và suy kiệt tài nguyên thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng do hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản và các làng nghề gây ra, đe dọa trực tiếp sự phát triển bền vững của đất nước, các địa phương và khu dân cư, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe Nhân dân và cả thế hệ tương lai.
"Cử tri và Nhân dân rất bức xúc, không muốn tiếp tục chấp nhận thực tế là có nhiều nơi nạn “cát tặc” hoành hành, khai thác khoáng sản trái phép diễn ra nhiều năm, “lâm tặc” chặt phá rừng và vận chuyển gỗ công khai, Nhân dân ở xã biết, chính quyền ở xã, ở huyện biết, Nhân dân khốn khổ, tài nguyên quốc gia bị cướp phá, nhưng Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch huyện, Bí thư huyện ủy không chỉ đạo để chấn chỉnh tình trạng trên, không chịu trách nhiệm trước pháp luật và Nhân dân." - ông nói.
Đại diện MTTQVN, ông Nhân cũng khẳng định: Cử tri và Nhân dân cũng đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải vào cuộc quyết liệt, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, giám sát chính quyền địa phương thực hiện trách nhiệm của mình.
Cũng trong phần trình bày trước QH, ông Nhân cũng cho biết cử tri cả nước đã chỉ ra những hạn chế của nhiệm kỳ QH trước. Như: việc quán triệt, thể chế hóa và ban hành các kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện chủ trương của Đảng, thi hành Hiến pháp, pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội trong một số lĩnh vực chưa kịp thời, đầy đủ và đồng bộ; việc thực thi pháp luật ở nhiều nơi chưa nghiêm túc; công tác phối hợp nghiên cứu, xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa chặt chẽ, dẫn đến một số văn bản, quy định ban hành chất lượng chưa cao, thậm chí còn nhiều sai sót; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp trong một số lĩnh vực còn hạn chế, yếu kém.
Đặc biệt, cử tri cho rằng Bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị vẫn chưa tinh gọn. Việc phân định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có lĩnh vực còn chồng chéo hoặc chưa bao quát hết các hoạt động trong thực tiễn. Cơ chế xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước các cấp và người đứng đầu cấp ủy Đảng cùng cấp còn chưa rõ là một nguyên nhân của sự trì trệ trong quản lý nhà nước và tiêu cực, tham nhũng.
Công tác phối hợp giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng còn nhiều vướng mắc. Công tác thanh tra, kiểm tra ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa sâu sát, thiếu quyết liệt; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn chậm, một số vụ việc tồn đọng kéo dài.
"Một số cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật vi phạm pháp luật, vi phạm quyền sản xuất, kinh doanh hợp pháp, gây bất bình trong Nhân dân. Tình trạng bổ nhiệm người thân trong gia đình vào các vị trí lãnh đạo mà không bảo đảm quy trình và các tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ năng lực, uy tín đã làm giảm niềm tin của Nhân dân." - ông nói,
Theo ý kiến của Chủ tịch MTTQVN, Cử tri và Nhân dân mong muốn các hạn chế này sẽ được giải quyết một cách triệt để. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác quản lý, giám sát việc bố trí cán bộ, công chức, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, chính quyền địa phương; tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tập trung giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo tồn đọng./.