Dân kiện "quan"huyện Kiến Xương, lộ sai phạm hình sự từ bản án hành chính

Liên quan đến vụ 15 người dân khởi kiện Chủ tịch UBND huện Kiến Xương vì đã ra Quyết định số 79/QĐ- UB ngày 3/3/2004 hủy quyết định giao đất của người tiền nhiệm, TAND huyện Kiến Xương vừa qua đã mở phiên tòa hành chính và ra phán quyết bác đơn khởi kiện của người dân...

Liên quan đến vụ 15 người dân khởi kiện Chủ tịch UBND huện Kiến Xương vì đã ra Quyết định số 79/QĐ- UB ngày 3/3/2004 hủy quyết định giao đất của người tiền nhiệm, TAND huyện Kiến Xương vừa qua đã mở phiên tòa hành chính và ra phán quyết bác đơn khởi kiện của người dân...

Tuy nhiên, nhận định của Hội đồng xét xử ngoài việc xuất hiện nhiều mâu thuẫn thì theo nội dung Bản án số 01/2012/HC-ST mà TAND huyện Kiến Xương đưa ra, vào năm 1995 đã có một vụ sai phạm nghiêm trọng trong giao đất, nhưng không được xem xét xử lý…

Phiên xét xử sơ thẩm
Phiên xét xử sơ thẩm

Bản án hành chính, lộ dấu hiệu vi phạm hình sự

Như PLVN đã có loạt bài phản ánh, năm 1995, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định thu hồi 2.700m2 đất của Xí nghiệp gỗ Nam Thái, giao cho UBND xã Hòa Bình (huyện Kiến Xương) lập quy hoạch khu dân cư. Căn cứ quy hoạch này, trong các năm 1995 và 1998, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương lúc đó đã ký 15 Quyết định giao đất cho 15 hộ dân “làm nhà ở”. Tuy nhiên, đến ngày 3/3/2004, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương lúc này lại ban hành Quyết định số 79/QĐ- UB thu hồi 15 Quyết định giao đất nêu trên. Không đồng ý vì quá thiệt thòi, các hộ dân đã khởi kiện UBND huyện Kiến Xương ra TAND huyện Kiến Xương.

Tại phiên xét xử, đại diện UBND huyện Kiến Xương có quan điểm rằng, số đất 2.700m2 trên đây thuộc quyền sử dụng của ông Nguyễn Văn Đức và ông Hoàng Văn Thảo do 2 ông này đã nộp 150 triệu cho UBND xã Hòa Bình trong quá trình UBND xã Hòa Bình xin chuyển mục đích sử dụng (từ đất sản xuất thành đất khu dân cư).

Tuy nhiên, do quy định hạn mức mỗi hộ không quá 150m2, nên ông Đức phải lập một danh sách 15 hộ để “hợp thức hóa” việc sử dụng diện tích đất “khủng” trên. Khi có tranh chấp, UBND huyện Kiến Xương xác định: Thực chất, số đất này là của ông Đức và ông Thảo nên đã hủy 15 Quyết định cấp đất cũ để ra 15 Quyết định cấp đất mới vào năm 2005 theo đề nghị của ông Thảo và ông Vạn (người được ông Đức ủy quyền) trong đó có 5 trường hợp là người thân ông Thảo, 10 trường hợp là người thân ông Vạn.

Như vậy, UBND huyện Kiến Xương đã có 1 việc làm “không giống ai” là “giao đất ở cho các hộ dân dựa trên đề nghị của 1 cá nhân” thay vì phải theo đề nghị của chính quyền địa phương. Cứ theo lời khai của đại diện UBND huyện Kiến Xương thì cơ quan này thừa biết việc ký Quyết định cấp đất cho 15 hộ dân lần 2 (năm 2005) là giúp cho ông Đức, ông Vạn “hợp thức hóa” việc sử dụng đất quá hạn mức.  Nhưng tại sao cơ quan này vẫn ban hành 15 Quyết định giao đất mới theo danh sách do ông Đức, ông Vạn “trình” để giúp 2 ông này “thâu tóm” trót lọt 2.700m2 đất? Đây là một sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu một vụ án hình sự cần được cơ quan công an vào cuộc làm rõ.

Bản án nhiều mâu thuẫn

Sau khi đưa ra nhiều nhận định mà phía nguyên đơn cho rằng là mâu thuẫn và thiếu cơ sở, Hội đồng xét xử đã công nhận việc hủy Quyết định cấp đất của 15 hộ cũ là đúng; đồng nghĩa với điều này, HĐXX đã gián tiếp đẩy UBND huyện Kiến Xương đi vào “vết xe đổ” vì có thể thấy rằng 15 trường hợp được giao đất mới cũng có vi phạm chẳng khác gì 15 hộ cũ, đó là: “Cấp đất không đúng tên người có đơn xin sử dụng đất, biên bản giao đất và nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước; không đủ thủ tục giao đất cho từng hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Nhà nước; không nộp tiền sử dụng đất, lệ phí địa chính…”. Sau này, nếu xảy ra tranh chấp, liệu UBND huyện Kiến Xương có tiếp tục hủy Quyết định giao đất của 15 hộ này để giao cho những hộ khác theo đề nghị của ông Đức, ông Thảo?

Chưa hết, phán quyết bác đơn khởi kiện của các hộ dân còn “lạc đề” khi Hội đồng xét xử phiên sơ thẩm viện dẫn Khoản 4 Điều 26 Luật Đất đai 1993 để “bảo vệ” bên bị kiện rằng: “Nhà nước thu hồi toàn bộ hoặc một phần đất đã giao sử dụng trong trường hợp sau đây: Người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước…”.  

Thật ra, Quyết định bị các hộ dân kiện trong vụ án này là “Quyết định hủy Quyết định giao đất”. Rõ ràng, có sự khác biệt giữa “hủy” và “thu hồi”, nhưng không hiểu sao cả UBND huyện Kiến Xương và HĐXX lại “nhầm lẫn” thành “Quyết định thu hồi đất”? Phải chăng, do không có lý do để thu hồi đất nên chính quyền phải lập lờ thành “hủy quyết định giao đất”?

Luật Đất đai không có quy định nào về việc huỷ Quyết định giao đất (chỉ có quy định về việc thu hồi đất đã giao) và quy định rõ “việc giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định đất đó” . Việc UBND huyện Kiến Xương chưa có Quyết định thu hồi đất của 15 hộ mà đã giao và cấp Sổ đỏ cho 15 hộ khác càng thấy rõ có sự khuất tất trong vụ việc này.

Nhiều người dự phiên tòa cho rằng: Tuy là một vụ hành chính nhưng nhìn vào bản án, có thể thấy vụ án phần nào đã bị “lái” sang tranh chấp dân sự mà một bên là các hộ dân, phía bên kia là ông Đức, ông Thảo. Dù phía ông Đức, ông Thảo không hề chứng cứ, căn cứ nhưng HĐXX vẫn cho rằng “theo quy định của Luật Đất đai năm 1993 thì đương nhiên, ông Thảo, ông Đức là người có quyền sử dụng diện tích đất trên” (tức là 2.700m2, gấp gần 10 lần hạn mức quy định).

Ngay cả Quyết định của UBND tỉnh Thái Bình năm 1995 cũng nói rõ, “thu hồi 2.700m2 đất của Xí nghiệp gỗ Nam Thái, giao cho UBND xã Hòa Bình (huyện Kiến Xương) lập quy hoạch khu dân cư”, chứ không hề đề cập đến đất của ông Đức, ông Thảo nào cả. Tại sao cả UBND huyện lẫn HĐXX bất chấp cả nội dung văn bản của tỉnh, giúp ông Đức, ông Thảo “thâu tóm” đất quá hạn mức để rồi bác đơn khởi kiện của các hộ dân?

Với những dấu hiệu nêu trên, ngoài việc sự việc vần được làm sáng tỏ tại phiên phúc thẩm, thì rất cần sự vào cuộc của cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Thái Bình để xem có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong giao đất của các cá nhân liên quan hay không?

Nguyễn Duy Kiều - đại điện cho người khởi kiện: Bản án sơ thẩm cho rằng đất đang tranh chấp là thuộc quyền sử dụng của ông Thảo và ông Đức, nhưng thực tế thì chưa có một cơ cấp chính quyền nào từ huyện đến tỉnh có ý kiến hoặc văn bản giao đất cho hai ông này. Như vậy, bản án có 2 vấn đề sai cơ bản là “xác định diện tích 2700m2 đất của ông Đức, ông Thảo không có căn cứ”; Quyết định bị kiện là Quyết định “hủy bỏ 15 Quyết định giao đất mà lại vận dụng Điều 21 Luật Đất đai 1993 (Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó) và Điều 28 (Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất nào thì có quyền thu hồi đất đó)”

Khoa Lâm

Đọc thêm