Chương trình văn hóa lớn nhất toàn cầu
Lần giở lại những trang sử, thành Vienna vốn có truyền thống với những buổi hòa nhạc chào mừng năm mới từ năm 1838, tức là cách đây hơn 180 năm, nhưng chưa phải với dòng nhạc của “triều đại” Strauss. Lần đầu tiên sự kiện này được diễn ra như hiện tại, tức là với những tác phẩm tươi vui, chứa chan sức sống và yêu đời ở thể loại polka và valse của dòng họ Strauss, là vào ngày cuối năm 1939.
Khi đó, Thế chiến 2 đã bùng nổ được vài tháng và mây đen của cuộc chiến bao trùm Châu Âu, còn nước Áo thì đã bị “sáp nhập” vào Đệ tam Đế chế được một năm rưỡi. Điều đó, và cả những năm tháng tiếp theo của cuộc chiến khốc liệt không khiến Vienna phải từ bỏ những làn điệu đón chào năm mới. Ngoại trừ lần đầu tiên, hòa nhạc mừng năm mới ở Vienna sau đó luôn diễn ra vào ngày 1/1.
Kể từ đó, hòa nhạc mừng năm mới ở Vienna đã trở thành chương trình văn hóa lớn nhất toàn cầu. Ngày đầu năm 2017, hàng tỷ khán giả đã có dịp thưởng thức sự kiện này bên màn hình vô tuyến do 93 quốc gia truyền trực tiếp. Đương nhiên, luôn luôn có quá nhiều người bạn của âm nhạc muốn tới xem trực tiếp, bởi vậy giới tổ chức đã nghĩ ra một cách khá công bằng.
Đó là cách bán vé thông qua đăng ký trên website của dàn nhạc để rồi sau đó rút thăm xem vận may đến với ai, và quá trình đăng ký diễn ra rất sớm, từ ngày 2/02 đến 29/2. Còn những ai không gặp may, hoặc không thể bỏ ra 20.940 euro để sở hữu tấm vé, có thể thưởng thức buổi hòa nhạc miễn phí ngoài trời, qua màn hình lớn, tại quảng trường trước tòa Đô chính, hay trước Nhà hát Opera Quốc Gia Vienna.
Các nghệ sĩ mang những kiệt tác âm nhạc tới công chúng, là Dàn nhạc Giao hưởng Vienna thuộc hàng đầu thế giới. Với những vị nhạc trưởng, từ năm 1980 có thể là người ngoại quốc. Đặc biệt, theo một thông lệ từ hơn 30 năm nay, cứ mỗi năm, thủ đô nước Áo lại chào đón một nghệ sĩ bậc thầy khác nhau để lĩnh xướng trong buổi hòa nhạc, tạo nên nét đa dạng, làm gia tăng thêm lượng người theo dõi.
Nơi diễn ra buổi hòa nhạc, Musikverein, trung tâm của dòng nhạc cổ điển Vienna, trụ sở của Dàn nhạc Giao hưởng Vienna. Được khởi xây và điều hành bởi Hội Khuyến nhạc thành Vienna vào năm 1867, Musikverein cùng tuổi với nền “song quốc quân chủ” Áo - Hung, vốn để lại cho cả hai quốc gia này nửa thế kỷ phát triển rực rỡ trong hòa bình và thịnh vượng.
Được xưng tụng là nơi mà “nhạc cụ cũng ánh lên sắc vàng”, Musikverein được thiết kế theo trường phái cổ điển mang dáng dấp một thánh đường Hy Lạp cổ đại, nhắn nhủ rằng đây là một thánh địa của âm nhạc. Cứ mỗi khi diễn ra buổi hòa nhạc đầu năm, khán phòng nơi đây lại chìm đắm trong vô vàn sắc hoa, mà trong gần 35 năm ròng, luôn do các nghệ nhân San Remo trang trí và gửi tặng từ Ý.
Musikverein có nhiều phòng, nhưng buổi hòa nhạc mừng năm mới được mặc định tổ chức trong Hội trường Lớn, còn có tên khác là Hội trường Vàng vì cả khán phòng và sân khấu đều rực rỡ trong ánh vàng vương giả. Không chỉ nổi tiếng là một trong những phòng hòa nhạc lộng lẫy nhất thế giới, Hội trường Vàng còn có độ âm học hàng đầu, các nghệ sĩ không cần có micro hỗ trợ khi trình diễn.
Nơi hội tụ những nhạc công xuất sắc
Cũng phải nói thêm về Dàn nhạc Giao hưởng Vienna, tiền thân là Học viện Giao hưởng (Académie Philharmonique) chính thức thành lập năm 1842, do nhạc trưởng Otto Nicolai đứng đầu. Tuy nhiên, phải sau nhiều thăng trầm và nỗ lực của các thành viên, dàn nhạc mới trở thành một tổ chức hoàn chỉnh như Vienna Philharmonic mà ta biết đến ngày nay.
Ngay từ ngày đầu, Otto Nicolai đã đề ra những nguyên tắc hoạt động mà ông lấy ý tưởng từ những người tiền nhiệm, và cho đến ngày nay vẫn còn được áp dụng. Để đảm bảo chất lượng nghệ thuật đồng đều, chỉ có nhạc công chơi ở Dàn nhạc Opera Vienna (l'Orchestre de l'Opéra d'État de Vienne) tối thiểu ba năm, mới có thể dự tuyển vào Vienna Phiharmonic.
Dàn nhạc tự chủ về nghệ thuật, tổ chức và tài chính, và tất cả các quyết định đều được thông qua trên cơ sở dân chủ trong phiên họp toàn thể với sự tham gia của các thành viên. Việc quản lý do một ủy ban điều hành được bầu chọn một cách dân chủ đảm trách.
Ở đại bản doanh của Vienna Philharmonic, sự tự do luôn được nuôi dưỡng. Đây là dàn nhạc duy nhất mà ở đó nhạc công có quyền lựa chọn và quyết định ai là người cầm chiếc đũa “thần kỳ”. Kể từ năm 1842, hàng năm một nhạc trưởng được chọn ra để chỉ huy cho các buổi hòa nhạc thường kỳ và hòa nhạc đón năm mới tại Khán Phòng Vàng (Musikverein).
Những tên tuổi lừng danh đã ghi dấu vào trang sử nơi đây như: Gustav Mahler trên cương vị nhạc trưởng từ năm 1898 đến 1901, đã dẫn dắt dàn nhạc trong chuyến lưu diễn lần đầu tiên ở nước ngoài, tại Triển lãm Toàn cầu, Paris năm 1900.
Clemens Krauss (nhạc trưởng người Áo) có công xây đặt những truyền thống cho dàn nhạc. Richard Strauss (nhạc trưởng, nhà soạn nhạc người Đức), Pierre Boulez (nhạc trưởng, nhà soạn nhạc người Pháp), Herbert von Karajan (từ 1956 - 1964)…
Cũng phải kể tới Wilhelm Furtwängler, nhạc trưởng người Đức có tầm ảnh hưởng quan trọng bậc nhất trong lịch sử âm nhạc cổ điển phương tây. Vào thời Anschluss (1938), ông đã can thiệp thành công với nhà cầm quyền Đức quốc xã, để dàn nhạc không bị xóa sổ và những nhạc công lai Do Thái được tiếp tục chơi trong dàn nhạc.
Hơn nữa, ông đã cùng Vienna Philharmonic để đời những bản thu bất hủ nhất của mọi thời đại như “Eroica”, giao hưởng số 3 của Beethoven…
Dàn nhạc Giao hưởng Vienna nổi tiếng không những bởi lịch sử gần 200 năm tồn tại, bởi tên tuổi của các bậc chỉ huy xuất chúng, mà còn bởi sự kết nối linh hồn và tài năng trình diễn xuất sắc của những nhạc công.
Danh mục biểu diễn cốt lõi của dàn nhạc đó là những tác phẩm của nhà Strauss, theo như ông Clemens Hellsberg, chủ tịch Vienna Philharmonic, cũng là cây violon số một của dàn nhạc nhấn mạnh: “Đó là âm nhạc đậm chất Vienna, là cách mà người Vienna biểu đạt và diễn giải cuộc sống của mình.
Chúng tôi có mối dây liên kết rất gần với loại nhạc này, bởi nhiều người trong số đó cùng lớn lên với nó… Đồng thời âm nhạc nhà Strauss đòi hỏi quan điểm thẩm mỹ khá cao, chúng tôi phải đạt tới đỉnh cao nghệ thuật để xứng tầm với những kiệt tác của “triều đại” Strauss”.