Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, trong công tác tuyên truyền, vận động, muốn cho quần chúng tiếp thu được những điều mình viết, mình nói, phải hiểu rõ quần chúng và phải học cách nói của quần chúng. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình.
Đa dạng về phương pháp tuyên truyền
Năng lực về công tác dân vận của mỗi cán bộ nói riêng và từng cơ quan, đơn vị nói chung là tổng hòa giữa nhận thức, kế hoạch, biện pháp và hình thức tiến hành, trong đó biện pháp tuyên truyền vô cùng quan trọng.
Biện pháp dân vận khéo trong tiến hành công tác dân vận thường được thể hiện ở kỹ năng và tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Chỉ ra kinh nghiệm trong công tác dân vận, Bác Hồ nói: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”…
Không chỉ vậy, dân vận khéo còn được thể hiện ở tính đa dạng về phương pháp tuyên truyền với phương châm đơn giản, dễ hiểu, dễ làm. “Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình”.
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, Internet và mạng xã hội ở Việt Nam đã trở thành công cụ vô cùng quen thuộc, là một phần tất yếu trong cuộc sống của người dân.
Nếu tận dụng được lợi thế từ mạng xã hội, công tác dân vận sẽ đem lại hiệu quả cao, giảm chi phí so với những phương pháp vận động, tuyên truyền truyền thống. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động và thuyết phục nhân dân trên không gian mạng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong tình hình mới.
Theo ông Nguyễn Đình Xiển, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương, để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong điều kiện mới, đặc biệt với những thuận lợi hiện có từ sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặt ra nhiệm vụ cho Mặt trận phải linh hoạt trong lồng ghép các hình thức tuyên truyền tùy thuộc các chương trình cụ thể.
Cùng với đó, cần tăng cường đăng tin bài qua các công cụ truyền thông mới như Facebook, Zalo,... qua đó đưa những nội dung tuyên truyền của Đảng, Nhà nước gần gũi với người dân hơn.
Muốn đem lại hiệu quả cao nhất trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân trên mạng xã hội, cơ quan chức năng và cán bộ làm công tác dân vận cần nắm bắt nhu cầu của nhân dân, từ đó đề ra phương pháp và hình thức tác động phù hợp.
Nhận xét về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tòng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho rằng, những cán bộ làm công tác dân vận và Mặt trận, trước hết phải bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt phải đi sâu vào hơi thở cuộc sống để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân trong đời sống thực tế, nhất là những thông tin, phản ánh, kiến nghị chính đáng của người dân được trao đổi, trình bày trên không gian mạng.
“Có những nguyện vọng chính đáng, nhưng cũng có những nội dung chưa thật sự đúng thì chúng ta cũng phải nắm bắt và chia sẻ với họ… Người làm công tác dân vận và Mặt trận phải bình tĩnh để xử lý và phản ánh với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng giải quyết vấn đề chính đáng của người dân, đồng thời chủ động có biện pháp để đấu tranh, phản bác lại các tư tưởng, biểu hiện không đúng trên không gian mạng bằng việc đưa các thông tin, dẫn chứng đấu tranh trở lại”-ông Tòng nói.
Đánh giá về công tác dân vận trên không gian mạng hiện nay, ông Tòng nhận định, việc làm này đang từng bước đi vào chủ động và có những kết quả rất tốt, góp phần ổn định tình hình từ cơ sở, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Phải kết hợp giữa lời nói và việc làm
Nhấn mạnh đến kỹ năng của cán bộ làm công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại. Muốn thành công phải biết cách tuyên truyền”.
Để tăng tính thuyết phục và hiệu quả của việc tuyên truyền, người cán bộ, đảng viên còn phải biết kết hợp tốt giữa lời nói với việc làm, bởi cho dù có nói hay đến đâu, nhưng bản thân không mẫu mực trong công tác và sinh hoạt, thì cũng rất khó lòng cảm hóa, lãnh đạo được quần chúng. Hơn nữa, “người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm…”.
Thực hiện lời căn dặn của Người, gần 35 năm qua, kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ “ngại” làm công tác dân vận.
Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng chưa lấy công tác vận động và chăm lo lợi ích của nhân dân làm nội dung chủ yếu trong hoạt động của mình. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và phương chậm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” có nơi còn mang tính hình thức.
Đề cập đến những hạn chế của công tác dân vận trước yêu cầu của tình hình mới, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chỉ rõ: công tác dân vận chưa phát huy triệt để sức mạnh tổng hợp của các cơ quan truyền thông đại chúng cũng như tận dụng tốt các phương tiện truyền thông hiện đại như mạng xã hội. Ngoài ra, hoạt động của hệ thống dân vận, MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội ở nhiều địa phương chậm được đổi mới…
Bởi vậy, tình hình và nhiệm vụ mới đòi hỏi phải thực sự đổi mới công tác dân vận theo phương châm sáng tạo, hiệu quả, thiết thực. “Để người dân vận động người dân, người dân học tập người dân là cách làm dân vận tốt nhất. Có như vậy, dân vận không chỉ là công việc thường xuyên của Đảng mà còn là sinh hoạt hàng ngày của nhân dân”- GS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Ông Thắng cũng cho rằng, công tác tuyên truyền, vận động của Đảng trong nhân dân được thực hiện tốt nhất không phải bằng lời nói suông mà chính bằng sự gương mẫu của các cán bộ, Đảng viên. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Hiệu quả cốt không phải ở nhiều phong trào mà ở chỗ có sự thay đổi nhận thức của đông đảo quần chúng nhân dân.
Đảng ta lấy lợi ích của dân để định hướng mục tiêu lãnh đạo, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả. Do đó, khi mọi cán bộ, đảng viên biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì việc gì cũng thành công.