Nhìn thẳng vào những tồn tại
Theo đánh giá của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh Bình Dương, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 10 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,05% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 4,9%). Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực đã dần phục hồi và có đơn hàng xuất khẩu trở lại (đến quý I-2025).
|
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các ngành chủ lực phục hồi tích cực và ổn định trở lại. |
Cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Dương chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ duy trì ổn định, đạt trên 90% tổng quy mô nền kinh tế.
Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh ước tăng hơn 8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 182,6 triệu đồng, tỷ trọng cơ cấu kinh tế, công nghiệp (64,83%) - dịch vụ (25,06%) - nông nghiệp (2,73%) - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (7,38%).
Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các ngành chủ lực phục hồi tích cực và ổn định trở lại, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,6% so với năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 352.000 tỷ đồng, tăng 13,3%.
Hoạt động xuất, nhập khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 12,7% (kế hoạch tăng 9 - 10%), kim ngạch nhập khẩu đạt 24,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 12,2% (kế hoạch tăng 9 - 10%).
Năm 2024, mặc dù các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh có dấu hiệu tăng trưởng khởi sắc, nhưng vẫn còn 4 chỉ tiêu chưa đạt và thấp hơn so với bình quân chung của cả nước. Trong đó giải ngân vốn đầu tư công giảm sâu so với cùng kỳ năm 2023, công tác thẩm định giá đất còn chậm, thiếu quyết liệt dẫn đến không khai thác được nguồn lực từ đất, nhiều dự án phải chờ giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính, chậm giao đất để triển khai thực hiện dự án. Một số công trình giao thông trọng điểm, công trình y tế, văn hóa - xã hội còn chậm triển khai do vướng mắc hồ sơ, thủ tục, chưa triển khai thực hiện được Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Về phát triển đô thị, chất lượng đô thị chưa cải thiện nhiều, vẫn còn tình trạng ngập úng cục bộ khi mưa lớn, triều cường ở các đô thị vẫn xảy ra, an ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức, nhất là tại các dự án bất động sản.
Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương thẳng thắn nhìn nhận, một số chủ trương, chính sách lớn của Tỉnh ủy còn chậm triển khai thực hiện như: chính sách di dời các doanh nghiệp phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp phía Bắc; bộ tiêu chí xác định Khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái; chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; di dời các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập vào trung tâm Thành phố mới Bình Dương.
Mục tiêu GRDP tăng 8,5 - 9%
Dự thảo Nghị quyết hội nghị do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 39 (mở rộng) khoá XI ban hành về phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ năm 2025 đã được thông qua.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương xác định tập trung lãnh đạo thực hiện 3 đột phá. Trong đó, tập trung đột phá về đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng như: nỗ lực hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 trong năm 2025; phải khởi công đường Cao tốc TP. HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đường Vành đai 4 trong quý I/2025; đầu tư đường ven sông Sài Gòn đoạn từ Thủ Dầu Một kết nối với TP HCM. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, cải cách hành chính; sắp xếp tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương. Tỉnh tập trung xây dựng hệ thống chính sách: Di dời các doanh nghiệp từ phía Nam lên khu, cụm công nghiệp phía Bắc; khuyến khích chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, y tế…
Đột phá thứ 2 sẽ về huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục thể thao.
Đột phá thứ 3, tỉnh tập trung về khâu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra, góp phần hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng thời tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
|
Dự kiến đến cuối năm, tỉnh sẽ thu hút được 1,8 tỷ đô la Mỹ, đạt chỉ tiêu kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài năm 2024. |
Ban chấp hành đảng bộ tỉnh Bình Dương sẽ chú trọng lãnh đạo xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, gắn với đảm bảo an ninh, an toàn. Phát triển văn hóa, xã hội, gắn kết chặt chẽ, hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường thu ngân sách và tiết kiệm chi, phân cấp, phân quyền thực chất, đúng quy định. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, chỉnh trang đô thị, tạo đồng thuận xã hội, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Theo nhận định của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, lĩnh vực xuất, nhập khẩu, thu ngân sách đến thời điểm hiện tại đạt gần 96% kế hoạch, đến cuối năm chắc chắn sẽ vượt chỉ tiêu. Trong đó, thuế liên quan đến sản xuất sắt thép tăng đột biến, sự phục hồi của thị trường sẽ giúp biên lợi nhuận các doanh nghiệp sản xuất thép được cải thiện…
Còn theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự kiến đến cuối năm, tỉnh sẽ thu hút được 1,8 tỷ đô la Mỹ, đạt chỉ tiêu kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài năm 2024.
Với những thành tích đạt được, tỉnh Bình Dương xác định 36 chỉ tiêu chủ yếu năm 2025. Trong đó, phấn đấu GRDP tăng 8,5 - 9%; thu nhập bình quân đầu người 195 triệu đồng. Tỷ trọng cơ cấu kinh tế, công nghiệp (63,81%) - dịch vụ (26,34%) - nông nghiệp (2,66%) - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (7,19%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 9 – 10%; tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 9 – 10%...
Loạt giải pháp cho "Năm phát triển của Bình Dương"
Chỉ đạo tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi khẳng định, năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh, do đó cả hệ thống chính trị phải tập trung thực hiện 3 đột phá như dự thảo Nghị quyết đã đề ra.
Từ yêu cầu của Bí thư Tỉnh uỷ, ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất ngay các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhằm tạo điều kiện để triển khai nhanh hơn nữa các công trình trọng điểm đã xác định trong giai đoạn 2021-2025, đồng thời đầu tư thêm một số dự án mới mang tính bứt phá, tạo động lực phát triển theo định hướng quy hoạch tỉnh.
|
Bình Dương tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm như mở rộng Quốc lộ 13, đường Cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường ven sông Sài Gòn. |
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy thống nhất bố trí số vốn 36.000 tỷ đồng cho các dự án cụ thể.
Tuy nhiên, ông Phạm Trọng Nhân cho rằng để giải ngân hết số vốn này là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực rất cao của các ngành, các cấp, địa phương và các đơn vị chủ đầu tư. Trong đó, 3 điều kiện tiên quyết để giải ngân hết nguồn vốn: các cơ quan thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo nguồn thu ngân sách theo đúng Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, đảm bảo nguồn vốn cho các dự án giải ngân; các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, đặc biệt là các dự án mới để đảm bảo điều kiện phân bổ và giải ngân theo quy định, tránh tình trạng vốn chờ dự án; Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, có giải pháp đảm bảo nguồn lực về con người, tổ chức bộ máy… cho các cơ quan, đơn vị tham gia trực tiếp trong các khâu.
Đồng thời, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn vừa qua, tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư công, rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt các thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Còn ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết về triển khai các dự án giao thông trọng điểm, hiện tại, dự án đường Vành đai 3 đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai do thiếu nguồn vật liệu san lấp, mặt bằng bàn giao không liên tục, công tác tái định cư tại các địa phương còn chậm. Tỉnh đã đề nghị các tỉnh khác hỗ trợ nguồn vật liệu san lấp; các địa phương đang quyết liệt triển khai rà soát giải quyết các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Đối với dự án đường Vành đai 4, đường Cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đang thực hiện các bước theo đúng tiến độ đề ra.
Ngoài tập trung triển khai các dự án trên, trong năm 2025, tỉnh tiếp tục nghiên cứu đầu tư, xây dựng tuyến đường sắt Bàu Bàng-Dĩ An; các dự án kết nối giao thông đường bộ giữa Bình Dương với các tỉnh, thành phố lân cận (TP HCM, tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai).
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi khẳng định, năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh, do đó cả hệ thống chính trị phải tập trung thực hiện “3 đột phá” như dự thảo Nghị quyết đã đề ra. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án đang chậm triển khai do các doanh nghiệp đang thực hiện, nhất là các dự án do Tổng công ty Becamex IDC triển khai.
Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị Becamex phải đóng vai trò doanh nghiệp đầu đàn, dẫn dắt phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, hạ tầng, các hệ sinh thái mới. Becamex và các doanh nghiệp báo cáo nguyên nhân, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án chậm triển khai, ngưng trệ. Các ngành, địa phương tập trung tham mưu điều chỉnh quy hoạch theo thẩm quyền để tạo nguồn lực từ đất. Đồng thời rà soát lại công tác đầu tư công và đầu tư xã hội, đầu tư hạ tầng kết nối, tập trung đầu tư các dự án kết nối cảng biển, sân bay, kết nối các tỉnh, thành, phát triển công nghiệp sinh thái. Tăng cường đầu tư hướng tới đô thị không ngập, không rác, không ùn tắc giao thông, đô thị phải an toàn, xanh.
Lựa chọn nhân sự cho thời kỳ bứt phá vươn lên
Trên tinh thần quyết liệt, dám nghĩ, dám làm và làm nghiêm túc, trách nhiệm, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Lợi tin rằng, năm 2025, với khí thế mới, quyết tâm cao, tháo gỡ được những khó khăn, điểm nghẽn, Bình Dương sẽ tạo cơ hội phát triển bền vững và vượt qua bẫy thu nhập trung bình. 2025 là năm phát triển của Bình Dương.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Lợi đề nghị Ban chấp hành đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chuyển đổi số, cải cách hành chính; sắp xếp tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương. Tỉnh tập trung xây dựng hệ thống chính sách như: di dời các doanh nghiệp từ phía Nam lên khu, cụm công nghiệp phía Bắc; khuyến khích chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, y tế…
Bên cạnh đó, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp thật tiết kiệm, an toàn; xây dựng các văn kiện Đại hội ngắn gọn; sắp xếp, lựa chọn nhân sự cho thời kỳ bứt phá vươn lên; xác định các công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tạo khí thế thi đua, phấn khởi cho toàn dân. Đồng thời không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong triển khai thực hiện các công việc.