Đăng ký nguyện vọng vào đại học: Thí sinh cẩn trọng để không nhầm lẫn điểm sàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện các trường đại học (ĐH) đã công bố điểm sàn. Theo kế hoạch, sau khi thí sinh đăng ký nguyện vọng, hệ thống lọc ảo xong thì khoảng từ 17 - 18/8 các trường ĐH mới công bố điểm chuẩn.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. (Nguồn: NT )
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. (Nguồn: NT )

Điểm sàn các trường khối xã hội tăng, giảm ra sao?

Năm nay, số lượng thí sinh đạt điểm giỏi môn Văn, Sử, Địa tăng cao, dẫn đến mức điểm 24 - 30 ở tổ hợp khối C00 (Văn, Sử, Địa) cũng tăng mạnh so với năm 2023. Theo thống kê dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT 2024, số bài thi đạt điểm 8, 9, 10 môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý đều tăng. Cụ thể, với môn Ngữ văn, mức điểm nhiều thí sinh đạt nhất là 8 với 85.990 thí sinh. Ở mức điểm 9, số thí sinh đạt điểm này năm 2024 tăng hơn gấp đôi so với năm 2023. Số thí sinh đạt điểm 9,5 năm 2024 là 14.198, gấp gần 4 lần năm 2023.

Ở môn Lịch sử, điểm 6 là mức nhiều thí sinh đạt nhất năm 2023. Năm 2024 mức điểm này tăng lên 6,75. Số thí sinh đạt điểm 8 năm 2024 nhiều hơn 11.000 thí sinh so với năm 2023. Số thí sinh đạt 9,5 điểm tăng gần gấp 3 lần năm 2023. Ở mức điểm tuyệt đối, năm 2023 chỉ có 789 thí sinh thì năm 2024 tăng lên 2.108 thí sinh. Địa lý là môn điểm thi tăng cao nhất trong 3 môn khối C00. Số thí sinh đạt điểm 8 năm 2023 chỉ có 15.806 thì năm nay tăng vọt lên 52.133. Số thí sinh đạt điểm 9 năm nay tăng gấp 7 lần năm trước, số thí sinh điểm 9,5 tăng khoảng 15 lần, điểm 9,75 tăng hơn 30 lần. Năm 2023, số thí sinh đạt điểm 10 chỉ có 35, năm nay tăng lên 3.175.

Năm nay số thí sinh khối C tăng khoảng 20.000 so với năm 2023. Số lượng thí sinh từ trên 29 điểm đến 30 điểm năm 2024 tăng hơn 54 lần năm 2023. Theo các chuyên gia tuyển sinh, dự kiến điểm chuẩn khối C sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ so với năm trước.

Hiện phần lớn các trường đã công bố điểm sàn đến thí sinh như: ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM), Trường ĐH Công Thương TP HCM, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Luật Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn (ĐHQGHN)…

Theo đó, Trường ĐH Luật Hà Nội công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, hệ đào tạo chính quy năm 2024 theo diện xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đối với thí sinh đăng ký dự tuyển và theo học tại trụ sở chính của trường: tổng điểm của các môn thuộc tổ hợp xét tuyển C00 đạt từ 20 điểm trở lên, các tổ hợp khác đạt từ 18 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên). Ngoài ra, đối với ngành Luật Thương mại quốc tế và ngành Ngôn ngữ Anh, kết quả thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh phải từ 7 điểm trở lên.

Đối với thí sinh đăng ký dự tuyển và theo học tại phân hiệu của trường tại tỉnh Đắk Lắk: Tổng điểm của các môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 15 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên).

ĐH Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên của cả nước công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển ĐH bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, điểm sàn theo phương thức này của trường là 20 điểm (chưa nhân hệ số, đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng, nếu có).Cùng với đó, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã thông báo ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học chính quy (điểm sàn) với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Mức điểm sàn xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT cho 28 ngành/chương trình đào tạo đều là 20 điểm, bằng với mức điểm sàn Đại học Quốc gia Hà Nội công bố.

Mức điểm trên tính theo thang điểm 30, không nhân hệ số và đã gồm điểm ưu tiên đối tượng và khu vực theo quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT. Năm nay, trường tuyển 2.300 sinh viên…

Chú ý không nhầm lẫn điểm sàn là điểm chuẩn

Trước đây, điểm sàn của các trường đại học, cao đẳng do Bộ GD&ĐT quy định nhưng kể từ năm 2018, các trường tự quyết định điểm sàn, Bộ GD&ĐT chỉ quy định điểm sàn nhóm ngành Sức khỏe và Sư phạm.

Thực tế, nhiều phụ huynh, thí sinh vẫn băn khoăn về “điểm sàn” và “điểm chuẩn”. Các chuyên gia tuyển sinh nhấn mạnh, theo quy định, điểm sàn là mức điểm điều kiện tối thiểu để các trường đại học nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Đây là mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của trường ĐH nên chưa phải điểm chuẩn đầu vào. Chỉ sau khi trường công bố điểm chuẩn, nếu điểm chuẩn đầu vào bằng điểm sàn thì thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Còn điểm chuẩn cao hơn điểm sàn thì thí sinh không thuộc danh sách trúng tuyển.

Thống kê dữ liệu tuyển sinh các năm cho thấy, trong khi các trường tốp dưới có điểm chuẩn bằng điểm sàn thì từ các trường tốp giữa trở lên, điểm chuẩn thường sẽ cao hơn điểm sàn. Càng trường tốp đầu, ngành hot, sự chênh lệch giữa điểm chuẩn và điểm sàn càng lớn. Năm nay nhóm ngành ở các trường tốp trên điểm sàn dự kiến từ 20 trở lên, số đông còn lại phổ biến mức 15 - 20, thậm chí có trường/ngành còn đưa ra con số dưới 15.

Đơn cử, điểm chuẩn ĐH Sư phạm năm 2023 mặc dù lấy điểm sàn từ 18 theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhưng một số ngành có điểm chuẩn cao từ 26 - 28 điểm. Ngành Sư phạm Lịch sử, điểm chuẩn 28 điểm. Ngành có điểm chuẩn thấp nhất là Sư phạm Mỹ thuật (18 điểm). Một số ngành như: Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ văn cơ bản không có nhiều thay đổi, vẫn ổn định ở mức 26 - 27 điểm…

Trường ĐH Luật Hà Nội có điểm chuẩn trúng tuyển năm 2023 ở các ngành đào tạo tại trụ sở chính từ 24 - 27.36 điểm. Điểm chuẩn cao nhất 27.36 ở tổ hợp C00 xét tuyển vào ngành Luật kinh tế. Ngành có điểm chuẩn cao thứ hai là ngành Luật ở tổ hợp C00 với 26.5. Ngành Luật tại Phân hiệu Đắk Lắk lấy điểm chuẩn chung của tất cả các tổ hợp xét tuyển là 18.15 điểm…

Nhiều năm qua, với mức điểm sàn chung của các trường dao động từ 15 - 20 điểm khiến nhiều thí sinh chủ quan. Không ít thí sinh và phụ huynh nhầm điểm sàn là điểm chuẩn, nên chỉ cần bằng hoặc cao hơn sàn 1 - 2 điểm đã vội chốt nguyện vọng. Do đó, các mùa tuyển sinh trước, có không ít thí sinh nhầm lẫn và đã trượt ĐH.

Vào ĐH bằng mọi giá dẫn tới chất lượng không như mong đợi

Với nhóm trường có mức độ cạnh tranh thấp, việc đưa ra điểm sàn quá thấp, hệ quả tiếp theo là điểm chuẩn thấp bằng điểm sàn. Những mùa tuyển sinh trước cũng cho thấy, nhiều thí sinh có điểm trung bình đã có thể vào ĐH với những trường ngoài công lập, trường ĐH vùng, ĐH địa phương… Và việc vào ĐH bằng mọi giá dẫn tới chất lượng không như mong đợi. Trong khi ngày nay, các bạn trẻ đã có cái nhìn thực tế hơn về những công việc phù hợp với bản thân, thay vì chạy theo bằng cấp. Bởi thế, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GD Đại học, Bộ GD&ĐT nhiều lần khuyến cáo, các trường cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm xã hội khi xây dựng ngưỡng bảo đảm chất lượng. Bởi điểm sàn không chỉ gắn với số lượng nguồn tuyển mà còn gắn với chất lượng đào tạo và phát triển bền vững của nhà trường, phù hợp với định hướng nguồn nhân lực quốc gia…

Đọc thêm