Đánh giá lỗi hai tài xế vụ xe khách đâm xe cứu hỏa

(PLO) - Theo luật sư, trong vụ TNGT xảy ra giữa xe khách và xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ (Hà Nội) để có căn cứ xem xét trách nhiệm các bên thì cần thiết phải đánh giá lỗi của các bên.
Hiện trường vụ TNGT xe khách 45 chỗ với xe cảnh sát cứu nạn trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội)

Xe khách chạy đúng tốc độ, chưa khởi tố vụ án

Liên quan đến vụ tai nạn trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ làm một chiến sĩ công an tử vong, ngày 21/3, theo nguồn tin của PV Báo Giao thông, tại thời điểm xảy ra tai nạn, dữ liệu trích xuất thể hiện xe khách BKS 29B-078.43 chạy với tốc độ 87km/h, trong khi tốc độ tối đa cho phép trên đường này là 100km/h.

Theo cơ quan công an, tài xế Đỗ Hùng Mạnh (SN 1981, ở Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), người điều khiển xe khách BKS 29B-078.43 chỉ bị thương nhẹ, sau khi sơ cấp cứu, bệnh viện đã cho tài xế Mạnh về. Công an huyện Thường Tín đã yêu cầu tài xế Mạnh đến làm việc. Tuy nhiên, tại buổi làm việc với Công an huyện Thường Tín, tài xế Mạnh nói vẫn còn choáng nên chưa thể làm việc được. Sau đó, tài xế Mạnh về quê và hiện vẫn đang ở Thanh Hóa.

Được biết, ngay sau khi xảy ra vụ TNGT trên, lực lượng Cảnh sát điều tra thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP Hà Nội đã có mặt phối hợp cơ quan chức năng địa bàn khám nghiệm hiện trường vụ TNGT nghiêm trọng này để thụ lý giải quyết. Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo Phòng PC45 thông tin, đến nay cơ quan cảnh sát điều tra vẫn đang tiến hành điều tra thu thập chứng cứ để xem xét có khởi tố vụ án hay không.

Xem xét lỗi của cả hai bên

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, đã xuất hiện rất nhiều ý kiến tranh cãi về việc xe cứu hỏa có nên đi ngược chiều trên đường cao tốc hay không, hoặc xe cứu hỏa có lạm dụng quyền ưu tiên của mình dẫn đến tai nạn, cũng như trách nhiệm của các bên trong vụ tai nạn này thế nào?

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), để có căn cứ xem xét trách nhiệm các bên thì cần thiết phải đánh giá lỗi của các bên.

Thứ nhất, đối với lỗi xe cứu hỏa. Dù là xe ưu tiên số một khi đi làm nhiệm vụ thì cũng phải chấp hành Luật GTĐB để đảm bảo an toàn cho bản thân và những phương tiện đang lưu thông trên đường. Xe cứu hỏa là xe chủ động đi từ đường nhỏ vào đường cao tốc lại đi ngược chiều nhưng không quan sát kỹ tình trạng các phương tiện đang tham gia giao thông trên đường, cho xe chuyển hướng vào đường cao tốc với tốc độ cao, chuyển hướng vuông góc đường làm phương tiện ngược chiều khó phán đoán hướng đi, vi phạm Điều 4, điều 15 Luật GTĐB và Khoản 2, Điều 5 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn xe cơ giới, xe máy chuyên dụng dùng tham gia giao thông đường bộ.

"Đáng lẽ ra, xe cứu hỏa phải đi vào đường khẩn cấp dành cho xe cứu nạn, cứu hộ, xe đi làm nhiệm vụ... nhưng đã đi sang làn đường chính cho phép tốc độ cao nhất. Đặc biệt, xe cứu hỏa đã không chủ động giảm tốc độ, chuyển hướng đột ngột cho xe khách khó xử lý tình huống theo quy tắc 3 giây để tính khoảng cách an toàn trên cao tốc", luật sư Thơm phân tích.

Thứ 2, về lỗi của xe khách, nếu có căn cứ xác định, xe khách đi trên cao tốc không chủ động giảm tốc độ khi đến ngã ba và đi trên đường cao tốc trong tình trạng trời mưa, trơn trượt thì có dấu hiệu vi phạm Điều 12, Luật GTĐB và Điều 5 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT: "Khi đến đường giao nhau không giảm tốc độ, hoặc dừng lại một cách an toàn", "không nhường đường cho xe ưu tiên".

Từ những nhận định trên, theo quan điểm của luật sư, vụ TNGT này có dấu hiệu lỗi hỗn hợp, theo quy định tại Điều 260 BLHS 2015: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. "Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều có quy định cho xe ưu tiên làm nhiệm vụ được đi ngược chiều trên cao tốc. Tuy nhiên, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung trường hợp xe ưu tiên được đi ngược chiều vào cao tốc khi đã đủ điều kiện, phải đảm bảo an toàn như có sự phân luồng giao thông, đặt biển cảnh báo, có xe cảnh báo dẫn đường…, không vì cứu hộ được một người mà gây thiệt thiệt cho nhiều người khác", luật sư đề xuất.

Khoảng 18h10 tối 18/3, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội nhận được tin báo từ Trung tâm Cứu thương 115 tại khu vực Trạm thu phí Vạn Điểm - Đỗ Xá, hướng Hà Nam - Hà Nội trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra vụ va chạm giao thông giữa xe ô tô khách và xe tải dẫn đến một số người bị thương và mắc kẹt trong xe cần cứu hộ, cứu nạn.

Nhận được tin báo, Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã điều động Phòng Cảnh sát PCCC số 12 xuất một xe cứu nạn, cứu hộ và 7 cán bộ chiến sỹ đến hiện trường thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ. Trên đường đi, xe cứu nạn, cứu hộ BKS 29A-023.07 do Trung úy Trần Văn Tuân điều khiển đã xảy ra va chạm với xe khách BKS 29B-078.43 tại địa điểm gần Trạm thu phí Thường Tín (xã Văn Bình, huyện Thường Tín). Vụ tai nạn khiến một người tử vong là Thượng sỹ Chử Văn Khánh (SN 1993, ở thôn 3, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội), ba chiến sĩ cảnh sát khác cùng 6 người trên xe khách bị thương.

Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý TNGT (Cục CSGT - Bộ Công an) cho biết, tại Điều 26, Luật GTĐB khi lưu thôngtrên đường cao tốc, các phương tiện thường được cho phép chạy với tốc độ rất cao, cụ thể tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tốc độ chạy tối đa cho phép lên tới 100km/h.

“Trong điều kiện trời mưa mặt đường trơn trợt và tầm nhìn hạn chế, xe được chạy tới 100km/h thì người lái xe cứu hỏa dù được quyền ưu tiên nhưng cũng phải hết sức thận trọng chấp hành quy định khi nhập làn vào đường cao tốc, phải chú ý quan sát, phải đi vào làn đường theo quy định rồi mới được lưu thông bình thường. Qua clip ghi lại vụ tai nạn có thể thấy rõ ràng, lái xe cứu hỏa thiếu chú ý quan sát và chủ quan!”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Sơn cũng nhận định, do xe PCCCđi vào đường cao tốc nhưng không đi vào làn đường khẩn cấp mà đi hẳn sang làn đường dành cho phương tiện lưu thông với tốc độ cao nhất “tức là làn đường số 1” nên xe khách lao đến và không xử lý kịp do vậy đã đâm trực diện vào bên phải của xe cứu hỏa.

Đọc thêm