Cho đến nay, không ít người vẫn nghi ngại khi nói đến dòng văn học trinh thám nước nhà bởi sự xuất hiện quá thưa thớt của các tác giả, tác phẩm và sự đứt đoạn một thời kỳ dài không có sự phát triển của dòng văn học này. Có chăng, người ta chỉ điểm được vài cái tên như Thế Lữ, Phạm Cao Củng, Bùi Huy Phồn...
Và cũng phải mãi tới những năm 20 của thế kỷ trước, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, dòng văn học này mới bắt đầu xuất hiện qua các đại diện: Thế Lữ với “Tiếng hú hồn mẹ Ké” và một vài truyện mang yếu tố trinh thám khác. Rồi tiếp đó là Lê Văn Trương với “Những cảnh hoang tàn của Đế Thiên Đế Thích”...
Mới đây, nhà văn Di Li đã trở lại văn đàn với tiểu thuyết trinh thám “Câu lạc bộ số 7”. Chỉ mới ra mắt nhưng “Câu lạc bộ số 7” đã nhận được nhiều đánh giá khả quan từ những người trong nghề. Tác giả của “Trại hoa đỏ” vẫn giữ nguyên “phong độ” trinh thám khi tập trung vào đề tài chưa từng được đề cập đến trong văn học: Giới tính thứ tư.
Bằng sự tưởng tượng phong phú và vốn kiến thức sâu rộng của nhà văn, “Câu lạc bộ số 7” thách đố độc giả đi tìm lời giải “Ai là thủ phạm”. Cũng như tác phẩm đã dẫn dụ người đọc qua những câu đố thắt tim khi lần lượt chứng kiến năm vụ án mạng tưởng chừng chỉ là những tai nạn thông thường.
Ta cũng có thể điểm tới một số tác phẩm khác như: “The Joker” của Phan Hồn Nhiên; “Những hiệp sĩ Zmen” của Bùi Chí Vinh; “Hồ Ly Tiên”, “Sao chi” của Huỳnh Ngọc Chênh... Nhưng sự xuất hiện hiếm hoi của những đầu sách văn học thuộc các thể loại “bị lãng quên” này xem ra không đủ sức khỏa lấp nổi một khoảng trống mênh mông của dòng văn học thể loại trinh thám.
Nhà văn Di Li cũng nhìn nhận rằng: “Viết truyện trinh thám đòi hỏi người viết phải có một sự tưởng tượng phong phú và sáng tạo không ngừng. Đây là một thách thức rất lớn với những ai muốn theo đuổi đề tài này”.
Đã có nhiều buổi tọa đàm, hội thảo về văn học trinh thám, phiêu lưu kỳ ảo nhưng những tranh luận cũng chỉ gần như đưa về điểm bắt đầu. “Viết truyện trinh thám hay viễn tưởng, kỳ ảo đều rất cần có vốn kiến thức sâu rộng về lĩnh vực khoa học. Nhưng khó đòi hỏi điều này ở những cây bút trẻ, bởi thực tế người viết nào cũng chỉ xem văn chương là nghề tay trái, khó bắt họ phải bỏ công đầu tư nghiên cứu 2, 3 năm để cho ra đời một tác phẩm khi họ hoàn toàn không thể sống chỉ bằng viết văn”.
Mọi mong muốn cho một sự phát triển trở lại của những dòng văn học này đều phải ... chờ. Và sự mất cân bằng ở các thể loại văn học trong dòng văn học Việt là điều không thể tránh khỏi, nhà văn Nguyễn Quang Thiều phân tích.