Một thế hệ trẻ đầy tiềm năng
Mỗi năm một lần, vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) lại diễn ra triển lãm khoa học thường niên mang tên Science Tornado. Đây là một triển lãm phi lợi nhuận được câu lạc bộ (CLB) Society of Open Science - câu lạc bộ Khoa học lớn nhất Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam tổ chức, thu hút hàng nghìn người tham gia.
Triển lãm được tổ chức qua nhiều mùa với những chủ đề khác nhau, nhưng cùng có điểm chung hướng về việc lan tỏa tình yêu của các em học sinh dành cho khoa học - kỹ thuật. Lấy ví dụ, như trong Science Tornado mùa 9, mang tên “X - giới hạn”, có 9 khu: Khu thí nghiệm hội họa, khu thí nghiệm hàng không, khu thí nghiệm âm nhạc, khu thí nghiệm điện ảnh, khu thí nghiệm văn học, khu Robotics, khu công nghệ, khu trò chơi, khu làm đồ thủ công. Mỗi gian đều có những thí nghiệm thú vị, bổ ích, an toàn được các tình nguyện viên là những học sinh THPT thực hiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, đồng Trưởng Ban Tổ chức triển lãm Science Tornado, Nguyễn Khắc Nhật Minh (cựu học sinh lớp 12 Lý 2, THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) chia sẻ: “Triển lãm là sự kiện đánh dấu quá trình mười năm xây dựng, phát triển và “truyền lửa” đam mê khoa học của chúng tôi đến với mọi người, đặc biệt là các em học sinh. Khoa học không còn giới hạn trong những bộ môn tự nhiên, mà được mở rộng sang cả điện ảnh, hội họa, văn chương…”.
![]() |
Thực tế, số lượng học sinh, người lao động lựa chọn ngành khoa học - công nghệ đang dần “lép vế”. |
Một ví dụ kể trên cho thấy, thực tế, hiện nay các em học sinh, sinh viên ở Việt Nam có nhiều tiềm năng để ứng dụng khoa học - công nghệ vào trong đời sống. Thậm chí các em còn có thể áp dụng những lý thuyết về Hóa học, Vật lí, Khoa học máy tính,... vào những lĩnh vực nghệ thuật như điện ảnh, văn chương để tạo ra các góc nhìn mới độc đáo.
Không chỉ có “cảm tình” với bộ môn khoa học - công nghệ, học sinh Việt Nam thường xuyên đạt giải cao về lĩnh vực này trên trường quốc tế. Lấy ví dụ, thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2024, Việt Nam có 173 lượt thí sinh dự thi Olympic khu vực và quốc tế, mang về 54 Huy chương Vàng, 60 Huy chương Bạc, 45 Huy chương Đồng và 14 Bằng khen. Năm 2022, Việt Nam giành nhiều huy chương vàng nhất với 13 lượt học sinh đạt thành tích nay.
Đi sâu vào bộ môn Toán, trong 50 năm tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế, 288 học sinh Việt Nam đã giành được 271 huy chương, với 69 Huy chương Vàng. Trong đó, có nhiều gương mặt nổi bật như: Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Lê Anh Vinh, Tiến sĩ Phạm Tuấn Huy, CEO Phạm Kim Hùng... Trong năm 2024, đội tuyển Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước có kết quả cao nhất Olympic Tin học (IOI) quốc tế năm 2024, với cả 4 em học sinh tham gia đều có huy chương.
Tuy nhiên, có một thực tế, trong những năm gần đây, số lượng người lao động làm công việc nghiên cứu khoa học - công nghệ đang ngày một hạn chế. Ngay từ trong việc lựa chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, các môn khoa học tự nhiên đang dần “lép vế” trước khoa học xã hội.
Cụ thể, 3 năm gần đây, số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT ổn định khoảng trên dưới một triệu thí sinh. Thế nhưng, số lượng thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội liên tục tăng trong khoảng 7 năm qua. Điều này đồng nghĩa với số lượng thí sinh dự thi bài thi khoa học tự nhiên giảm, nguồn tuyển cho khối trường kỹ thuật công nghệ cũng ít đi. Năm 2024, có gần 1,1 triệu thí sinh dự thi. Trong đó, số lượng thí sinh chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội chiếm 63%, tăng 7,7% so với năm trước.
Đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, ươm mầm nhân tài cho đất nước
Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
![]() |
Học sinh, sinh viên Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển các ngành khoa học - công nghệ. |
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong bối cảnh đó, Việt Nam rất cần sự đổi mới mạnh mẽ trong nhận thức và hành động quyết liệt để có thể bứt phá, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, từng bước thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào giữa thế kỷ XXI.
Cho nên, việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và định hướng nghề nghiệp phù hợp cho học sinh là yêu cầu cấp thiết. Trong bối cảnh thế giới đang bùng nổ về công nghệ, đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo, giáo dục cần tập trung khuyến khích học sinh theo đuổi các lĩnh vực STEM, từ đó góp phần đưa đất nước vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình và vươn lên hàng ngũ các quốc gia phát triển.
Như Giáo sư - Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức đã chia sẻ với truyền thông, các công nghệ cao xuất phát điểm sẽ từ phòng thí nghiệm của các trường đại học, viện nghiên cứu, từ trí tuệ của các nhà khoa học. Để nắm bắt và phát triển công nghệ cao, các nhà khoa học, các trường đại học, các viện nghiên cứu của hệ thống giáo dục đại học giữ vai trò nòng cốt. Giáo dục đại học Việt Nam có cất cánh, đất nước mới cất cánh được.
Chính vì vậy, cần phải có chính sách, đầu tư để các trường đại học phải tiên phong trong việc chuyển đổi số. Hệ thống công nghệ, hạ tầng và dữ liệu, ứng dụng AI trong trường đại học phải được đầu tư, xây dựng và vận hành chuẩn chỉnh và là hình mẫu cho việc chuyển đổi số của quốc gia.
Đồng thời, phải chuyển đổi các chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận giáo dục STEM. Các công nghệ cao, công nghệ lõi cũng đòi hỏi phải có nền tảng khoa học cơ bản vững chắc. Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo phải tiếp cận với các khung năng lực, chuẩn đầu ra của khu vực và quốc tế.
Không chỉ chú ý đầu tư ở lĩnh vực giáo dục đại học, mà ngay cả cấp phổ thông cần phải được chú ý. Chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Vũ Thu Thảo, quản lý dự án ở STEAM for Vietnam cho rằng, việc định hướng, cần song song phát triển tư duy của học sinh, sinh viên: “Hiện nay chúng tôi đang tập trung giảng dạy về “Tư duy máy tính” hay được gọi là “Computational Thinking”. Tư duy máy tính là tư duy và các phương pháp giải quyết vấn đề hiệu quả, là kỹ năng thiết yếu, giúp ích cho học sinh trong quá trình xử lý vấn đề nhanh chóng, trở thành những con người có ích ở bất cứ lĩnh vực nào trong tương lai. Qua việc học cách xử lý vấn đề hiệu quả, học sinh sẽ có cơ hội hiểu rõ và làm chủ bản thân, nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, cũng như mong muốn của mình để từ đó chọn được hướng đi đúng đắn nhất trong việc định hướng nghề nghiệp”.
Ngoài việc đầu tư giáo dục khoa học - công nghệ lấy học sinh làm trung tâm, thì buộc các trường phổ thông, đại học phải hỗ trợ, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn cho người dạy. Vì thực tế, việc tham gia thực hiện các đề tài, dự án và tiến đến các cuộc thi khoa học - kỹ thuật là một trong những cơ hội trải nghiệm học tập quý giá đối với học sinh phổ thông. Qua đó, các em không chỉ học và thực hành phương pháp nghiên cứu khoa học và quy trình thiết kế kỹ thuật, mà còn rèn luyện, phát triển các kỹ năng quan trọng cho thế kỷ XXI như khả năng tiếp cận và giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, lên kế hoạch và quản lý dự án, tư duy phản biện, thuyết trình, sáng tạo… Hơn nữa, học sinh có cơ hội gặp gỡ, học hỏi từ các nhà khoa học, chuyên gia, bạn bè cùng đam mê.
Tuy nhiên, do phần lớn giáo viên ở nước ta chưa được đào tạo, thực hành nhiều về nghiên cứu khoa học trong các trường sư phạm và quản lý giáo dục, đặc biệt còn thiếu phương pháp luận, quy trình và cách thức tổ chức triển khai, chương trình tập huấn đào tạo chuyên sâu nên nhiều đơn vị, nhà trường còn lúng túng, chưa hiểu hoặc chưa có phương pháp, cách thức làm hiệu quả.
Cho nên, hiện tại, để nâng cao chất lượng đào tạo công nghệ - khoa học trong nhà trường, rất cần sự đầu tư, nghiên cứu, để dần dần cải thiện cả về phương pháp dạy học, tư duy người học và người dạy. Điều này đòi hỏi các trường đại học, trường phổ thông phải bỏ công sức, tâm huyết để hướng đến mục tiêu chung phát triển đất nước, bồi dưỡng nhân tài.