Anh cùng ê kíp Viet Vision vừa tiếp tục ghi dấu ấn trong vai trò sản xuất của sự kiện - giải thưởng VinFuture, đưa siêu sao âm nhạc John Legend đến Hà Nội. Cùng tính chất chuyên ngành, đây là sự kiện “đáng gờm” với giới tổ chức và công chúng yêu nhạc. Anh có thể chia sẻ hậu trường câu chuyện đáng được biết đến này?
Chúng tôi rất vui mừng và hãnh diện được đóng góp một phần công sức nhỏ của mình vào sự thành công của VinFuture Prize lần đầu tiên vừa diễn ra tại Hà Nội. Quy mô, tầm vóc toàn cầu và những công trình khoa học công nghệ mang thông điệp vì con người, vì nhân loại thực sự là một nguồn cảm hứng rất lớn cho xã hội. Điều vui nhất đó là với sự quyết tâm cao của ban tổ chức sự kiện, Viet Vision đã may mắn hoàn thành nhiệm vụ của mình trong những tình huống tưởng chừng không thể. Với một thời gian rất ngắn và vô vàn điều kiện khó khăn, khách quan từ đại dịch Covid-19, “đề bài” vốn dĩ đã khó bỗng trở thành bài toán 5 sao cộng cộng…
Chỉ khi John Legend xuất hiện tại Nhà hát Lớn Hà Nội bằng giọng hát và âm nhạc của mình, tôn vinh tinh thần vị nhân sinh, yêu hòa bình trên sân khấu của VinFuture Prize, chúng tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm. Vì để vài phút ấy diễn ra trên sân khấu, ban tổ chức cùng Viet Vision đã phải thâu đêm suốt sáng sắp xếp, tính toán hơn chục hành trình bay, hoàn thiện hàng xấp giấy tờ thủ tục và thương lượng hàng trăm điều kiện kỹ thuật biểu diễn, hậu cần. Tuy nhiên, nhìn lại với tổng thể cả công sức của ban tổ chức để đưa bằng ấy nhà khoa học, trí thức lừng lẫy thế giới về VN, chúng tôi thấy phần việc của mình rất nhỏ bé và khiêm tốn.
Đạo diễn Cao Trung Hiếu, nghệ sĩ John Legend và nhà sản xuất Minh Hoàng tại Hà Nội tháng 1.2022 (Ảnh: VinFuture Prize) |
Từng tổ chức - đưa các ngôi sao thế giới đến VN: Super Junior, IL DIVO, Ronan Keating, Kelly Clarkson…, có điểm chung nào trong cung cách làm việc giữa những nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế ấy?
Hơn 10 năm trước, chúng tôi bắt đầu con đường này. Để dấn thân và để học! Nghệ thuật thì không có công thức nhưng ngành công nghiệp giải trí thì có. Và nếu chúng ta muốn tìm hiểu về nó thì không có cách nào khác là tìm kiếm cơ hội để được làm việc cùng với những nghệ sĩ ngôi sao ở các thị trường dẫn dắt.
Bài học thì nhiều, phong cách chuẩn mực của mỗi quốc gia, mỗi thị trường cũng khác nhau, nhưng có một điều không bao giờ thay đổi: đó là sự chuyên nghiệp! Đi sâu vào, ta sẽ nhìn thấy sự thành công của họ đều được xây dựng trên nền tảng vững chắc và không bao giờ thỏa hiệp của sự chuyên nghiệp. Để các nghệ sĩ, âm nhạc tỏa sáng rực rỡ trên sân khấu trong vài chục phút là cả công sức và sự tập trung cao độ của ê kíp hàng trăm con người kỹ thuật. Đối với họ, không thể cắt bớt một chi tiết nào trong sự chuẩn bị. Tất cả đều vì một mục tiêu duy nhất: sự vẹn toàn trong tâm thế biểu diễn của người nghệ sĩ. Chúng tôi học, quan sát và biến nó thành tác phong làm việc của mình từ nhiều năm trước.
Trong quá trình làm việc, anh ấn tượng nhất với sao ngoại nào, vì sao?
Mỗi nghệ sĩ là một cá tính nổi trội, không trùng lắp. Chúng tôi rất vinh hạnh khi được làm việc và học hỏi từ ê kíp của họ. Phần lớn các ngôi sao âm nhạc rất thân thiện và mang lại nhiều cảm hứng. Chúng tôi nhớ khi mời Kelly Clarkson sang Phú Quốc biểu diễn là lúc cô ấy mới sinh em bé. Ban đầu Kelly không đồng ý, nhưng sau thời gian thuyết phục, cô ấy bế luôn em bé, cùng gia đình sang VN. Trong những ngày lưu trú ở resort, cô ấy đưa em bé ra bãi biển sưởi nắng và vui chơi cùng gia đình, trông rất thư giãn. Với anh chàng Ronan Keating, chúng tôi khá bất ngờ vì anh đồng ý ngay một buổi gặp gỡ báo chí ngẫu hứng tại Nha Trang trước giờ biểu diễn với sự thân thiện và duyên dáng. Hay như IL DIVO sau buổi biểu diễn thì “đòi” xuống quán bar bãi biển làm vài ly rượu và hay đùa vui thân tình với chúng tôi như những người bạn. Vừa rồi thành viên Carlos Marin của nhóm qua đời vì Covid-19 là một tin rất buồn với chúng tôi. Chúng tôi sẽ luôn giữ hình ảnh thân thiện, lịch lãm của anh ấy trong suốt sự nghiệp của mình.
Khi làm đạo diễn liveshow cho nghệ sĩ trong nước, đâu là tiêu chí anh đặt ra và luôn muốn hướng tới? Vai trò của đạo diễn được quyết định bao nhiêu %?
Ở Viet Vision, chúng tôi không chỉ là đơn vị sản xuất đảm bảo tính kỹ thuật mà chúng tôi còn có đội ngũ sáng tạo, từ đạo diễn hình ảnh đến âm nhạc… Vì thế chúng tôi hiểu rõ những yêu cầu về mặt sản xuất và cả cảm xúc biểu diễn sân khấu của nghệ sĩ.
Từ lúc đảm nhận vị trí đạo diễn sân khấu, tôi nghĩ mình khá may mắn khi nhận được sự ủng hộ và đồng cảm của hầu hết những nghệ sĩ mà tôi cộng tác. Những ý tưởng tôi tạo ra cho phần nhìn đều nhằm mục đích lớn nhất là tôn vinh âm nhạc và câu chuyện của họ. Có lẽ điều đó đến từ sự thấu hiểu và “đối thoại” của tôi với âm nhạc của người nghệ sĩ ấy. Sự tin tưởng là điều kiện tiên quyết để dẫn đến thành công cho một dự án biểu diễn.
Đạo diễn một chương trình tổng hợp với những diva mà anh từng nhận là “fan cứng” của họ như chuỗi The Master Of Symphony, hẳn anh đã ở 2 thái cực của cảm xúc: sung sướng và áp lực?
Đúng là như vậy! Đôi khi sự lo lắng, áp lực giúp mình nhớ lại sự say mê từ thuở nhỏ và lý do vì sao mình chọn theo con đường này. Qua quá trình làm công việc sáng tạo hơn 15 năm, tôi luôn thấy mình như đứa trẻ thơ mỗi khi bước vào một công việc mới. Sau sự lo sợ, tôi thấy đầu mình trống rỗng. Lúc ấy tôi nhận ra những ý tưởng ùa đến khi tôi mơ màng hoặc chẳng nghĩ gì…
Cùng với các chương trình nghệ thuật, giải trí…, anh là đạo diễn gắn bó với chuỗi chương trình phục vụ chính trị của Báo Thanh Niên: Khát vọng trẻ, Báo Tuổi Trẻ: Câu chuyện hòa bình. Khán giả chắc hẳn cũng rất tò mò về “tiểu sử” của anh?
Tôi lớn lên bằng niềm đam mê rất sâu sắc dành cho âm nhạc và hình ảnh, ảnh hưởng từ thói quen của gia đình và sự phát triển nghệ thuật của chị gái tôi - ca sĩ Đoan Trang. Vì thế những giai điệu âm nhạc tiền chiến hay truyền thống được nghe trong những lần xem văn nghệ, trên radio, ti vi đều gợi trong trí tưởng tượng của tôi những hình ảnh đặc biệt. Tôi luôn nghĩ về nó cho đến khi mình có cơ hội dàn dựng những tác phẩm của ký ức ấy.
Tôi hãnh diện là một trong nhóm các bạn trẻ thế hệ 8X được giao nhiệm vụ truyền cảm hứng đến thế hệ mình và thế hệ sau những câu chuyện tự hào của dân tộc bằng âm nhạc. Chúng tôi được sinh hoạt Đoàn, tham gia tình nguyện Mùa hè xanh… và vì thế Khát vọng trẻ hay Câu chuyện hòa bình là tài sản đáng giá của chúng tôi!
Tôi nghĩ mình chỉ có “một phong cách” duy nhất khi làm đạo diễn sân khấu, đó là phong cách của người yêu nhạc chân thành, tìm thấy vẻ đẹp của âm nhạc ở mọi thể loại để kể và khiến khán giả cũng yêu nó giống như mình.
Với các concert của Hà Anh Tuấn, khán giả theo dõi có lẽ không khó nhận ra, đạo diễn đã dành sự chăm chút đặc biệt. Vì Tuấn là người chung nhà của Viet Vision, hay còn vì sự đồng điệu trong âm nhạc, tư tưởng… đã tạo nên những dấu ấn nghệ thuật qua các concert ấy?
Viet Vision là “ngôi nhà” được xây cất hơn 12 năm nay từ ba người bạn thời sinh viên, trong đó có tôi, Minh Hoàng - một tiến sĩ hóa học và Hà Anh Tuấn. Chúng tôi cùng nhau đi qua tuổi trẻ, vượt những khó khăn để được và cả mất. Ở mỗi dự án thành công của Viet Vision, những chương trình cộng đồng như Rừng Việt Nam, Chồi Việt Nam hay những concert riêng của Hà Anh Tuấn, không chỉ là thương hiệu mà còn là cả một quá trình dài chúng tôi đã cùng nhau nghiên cứu, trải nghiệm, đầu tư, xây dựng bằng lòng nhiệt huyết và sự tin tưởng tuyệt đối của tình thân.
Bạn gọi đó là “dấu ấn nghệ thuật”, với chúng tôi, đó là “quả ngọt” và là niềm tự hào lớn! Trên hành trình “vun trồng” đó, chúng tôi luôn chào đón những anh em, bạn bè cùng sát cánh để bất cứ sản phẩm nào mang tên Viet Vision cũng sẽ truyền cảm hứng, để lại “dấu ấn” hay “quả ngọt” tốt đẹp.
Hình ảnh một Cao Trung Hiếu gần đây: để râu, tóc búi cao như một đạo sĩ, hay làm thơ Haiku, chụp những bức ảnh tối giản… mang đến thông điệp gì?
Đến một lúc tôi nghĩ rằng người nghệ sĩ chỉ nên thể hiện “ngôn ngữ” của mình qua tác phẩm. Tôi tìm đến thơ Haiku vì là thể thơ tôn vinh sự kiệm chữ đáng quý. Tìm đến cảm hứng thiên nhiên hay phong cách tối giản trong cả ăn mặc và lối sống bởi tôi tìm thấy được sự tự do và an toàn với thế giới của riêng mình. Khi tự do, bạn có nhiều cơ hội hơn để suy ngẫm.
Qua một chặng đường, tôi nhận ra người làm sáng tạo không cần phải có một cá tính dị biệt hay nổi loạn. Chỉ cần bạn là người bình thường, nhẫn nại để cảm nhận cái đẹp. Ví như ngọn gió hay dòng suối, bạn có thể dễ dàng chảy qua mọi ngóc ngách của rừng cây hay tảng đá… Việc thể hiện bản thân, đối kháng hay tranh luận để thật nổi bật, tôi nghĩ, không phù hợp với người làm sáng tạo nghệ thuật đằng sau sân khấu. Vì vậy, tôi vẫn đang cố gắng trải nghiệm, học tập và tích lũy trong bất cứ công việc nào khiến tôi được “nói” ra một cách yên lặng, tự do và an toàn nhất.