Đạo diễn Ngô Quang Hải ra mắt phim tài liệu về những chiến binh thầm lặng trong cuộc chiến chống COVID - 19 tại TP HCM

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Phim tài liệu "Những chiến binh thầm lặng" được đạo diễn Ngô Quang Hải thực hiện tiếp nối những tác phẩm phóng sự tài liệu về cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở TPHCM phát trên VTV thời gian qua, gây xúc động cho người xem.
Một cảnh trong phim tài liệu Những chiến binh thầm lặng
Một cảnh trong phim tài liệu Những chiến binh thầm lặng

Bộ phim do đạo diễn Ngô Quang Hải thực hiện theo đơn đặt hàng của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình tổng kết và tri ân các hoạt động "ATM oxy", "ATM F0 tình nguyện chống dịch" của hội.

Tiếp nối những tác phẩm phóng sự tài liệu về cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở TPHCM phát trên VTV thời gian qua, bộ phim tài liệu "Những chiến binh thầm lặng" ra mắt (đạo diễn Ngô Quang Hải, biên kịch Đặng Thanh Bình) trên VTV1 một lần nữa khơi dòng cảm xúc người xem bằng những câu chuyện cảm động về những con người quả cảm trong cuộc chiến với dịch bệnh.

Trong bộ phim 35 phút, Ngô Quang Hải tập trung vào câu chuyện của các tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch cùng các gia đình có thân nhân mắc bệnh nặng hoặc qua đời.

Vào thời điểm TPHCM là tâm dịch, đã có nhiều lực lượng tình nguyện viên tham gia vào tuyến đầu như quân đội, công an, nhân dân... trong đó có một đội ngũ âm thầm hỗ trợ phía sau, được phim đề cập thông qua ba cụm từ: ATM Oxy (tình nguyện viên chuyên cung cấp bình oxy), ATM F0 (tức các F0 đã khỏi bệnh trở lại giúp tuyến đầu chống dịch) và ATM yêu thương (nói về những hoạt động hỗ trợ trang thiết bị y tế, suất ăn, hiến máu, bảo trợ trẻ mồ côi... trong mùa dịch).

Phim mở đầu bằng cảnh trong phòng cấp cứu, nơi các y bác sĩ đang nỗ lực hồi sức cho bệnh nhân và giọng nói ngoài hình là tâm sự nghẹn ngào của một tình nguyện viên kể về việc khi mang bình oxy đến nơi thì người nhà xin hồi lại không lấy bình nữa vì người bệnh đã không qua khỏi.

Nhiều hình ảnh xúc động được ghi lại như cảnh tượng các tình nguyện viên ăn vội phần cơm bình dân dưới cơn mưa tầm tã, ngủ trên những chiếc giường bạt giữa mênh mông nước ngập mùa mưa và bật dậy giữa đêm khuya, lao mình vào cơn mưa để cung cấp bình oxy cho bệnh nhân. Những tình nguyện viên vốn là những F0 đã khỏi bệnh luôn trong trạng thái vội vã bởi nỗi sợ lớn nhất của họ là "ATM oxy" không đến kịp với người cần nó.

Phim không có một lời bình nào, chỉ dẫn dắt người xem đi vào cảm xúc bằng những lời tâm sự của người trong cuộc, bằng những khung hình giàu cảm xúc.

“So với phim truyện, biết trước kịch bản, nhân vật, làm phim tài liệu cho tôi cảm xúc trực diện, thay đổi liên tục. Phim bấm máy vào lúc TPHCM đang trong cao điểm dịch bệnh, bối cảnh phim thực hiện ở rất nhiều bệnh viện nên rủi ro nhiễm bệnh rất cao. Tôi không sợ bản thân bị lây bệnh mà chỉ lo cho con cái, gia đình.

Gần 1 tháng ghi hình, mỗi ngày lui tới các bệnh viện, chứng kiến quá nhiều đau thương, mất mát, đêm nào về hầu như tôi cũng mất ngủ vì bị ám ảnh. Tuy nhiên khi làm phim Những chiến binh thầm lặng, tôi không chủ đích đi sâu vào khắc họa bi kịch, sự chết chóc mà chỉ muốn đem tới cảm xúc rưng rưng vừa đủ và nêu bật sự lạc quan, vĩ thanh về sau.

Hạnh phúc của người làm phim tài liệu là được cầm máy ghi lại những khoảnh khắc lịch sử. Phim Những chiến binh thầm lặng chỉ mới sử dụng khoảng 1/10 tư liệu chúng tôi đã ghi, còn rất nhiều câu chuyện, hình ảnh xúc động khác trong mùa dịch bệnh mà chúng tôi muốn lan tỏa.

Tháng 12 tới tôi sẽ thực hiện tiếp phim tài liệu thứ hai mang tên "Trở về - Thanh âm ngày mới". Phim sẽ tập trung nhấn mạnh vào nội dung mà "Những chiến binh thầm chưa nói hết", đạo diễn Ngô Quang Hải chia sẻ.

Đọc thêm