Đào nương "ném" tiền tỷ tạo "thánh đường" Chèo Hà Nội

(PLO) - Đó là Nghệ sĩ Ưu tú Thúy Mùi - người được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2015. 

Đào nương "ném" tiền tỷ tạo "thánh đường" Chèo Hà Nội
Bội thu “mùa vàng” giải thưởng
Những ai yêu chèo đều biết tới giọng chèo đặc biệt của Thúy Mùi. Chị cũng ghi dấu trên sân khấu chèo với khả năng đảm nhiệm cả vai chính diện như Thị Kính, Nguyên phi Ỷ Lan, vai phản diện trong “Đồng tiền Vạn lịch”... Cách đây 10 năm, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT )Thúy Mùi nhận chức Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, không ít người lo lắng cho đào nương này. Khi nghệ thuật chèo đang trầm lắng trước sự “vây hãm” của hàng loạt nghệ thuật giải trí hiện đại, vực dậy một loại hình nghệ thuật không phải là điều dễ dàng. Hơn thế, phải lo đời sống cho hơn trăm người dường như quá sức với người phụ nữ vốn chỉ đắm say với các điệu chèo.
Sau nhiều ngày trăn trở, chị quyết tâm biến Nhà hát Chèo thành “thánh đường” chèo Hà Nội. Muốn vậy, chèo không thể đơn giản loanh quanh ở chiếc chiếu chèo đơn giản mà phải lộng lẫy, phải “phá cách”, mang hơi thở đương đại. Bởi thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người nói nghệ sĩ Thúy Mùi “chơi ngông”, dám “ném” tiền tỷ vào chiếu chèo hoa lệ. Những ngày đầu, Nhà hát khó khăn về kinh phí, chị sẵn sàng đi vay mượn để đầu tư kịch bản, âm thanh, thiết kế sân khấu, thưởng cao cho nghệ sĩ… để dựng lên các vở chèo đặc sắc. 
Dưới sự lãnh đạo của NSƯT Thúy Mùi, Nhà hát Chèo luôn bội thu “mùa vàng giải thưởng” mà 30 năm qua các bậc tiền bối chưa làm được. Đặc biệt, 3 năm liền Nhà hát Chèo đạt 3 giải Vàng trong Liên hoan Chèo toàn quốc: “Quan huyện về làng” (năm 2012), “Vương nữ Mê Linh” (năm 2013), “Cánh chim trắng” (năm 2014). Ngoài ra, Nhà hát Chèo Hà Nội còn sở hữu nhiều giải Vàng, Bạc khác khiến nhiều người nể phục. 
Không chỉ là nhà quản lý, nghệ sĩ Thúy Mùi luôn trau dồi chuyên môn và đạt Huy chương Vàng vai diễn bà già trong “Bà già lên thành phố” tại Liên hoan Sân khấu Hài 2011 và giải “ Đạo diễn xuất sắc” của “Vương nữ Mê Linh” - vở chèo đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013.
Cơm áo không đùa với khách thơ
Vừa lo phát triển nghệ thuật, vừa lo cơm áo gạo tiền cho 140 diễn viên, nhân viên trong Nhà hát khiến  “nàng Ỷ Lan” ngày nào xoay như chong chóng. Chị luôn tâm niệm: “Khán giả chưa tìm đến mình, mình phải đi tìm khán giả”. Người phụ nữ nhỏ bé ấy cùng các nghệ sĩ xông xáo đến các tỉnh, thành, nơi vùng sâu, vùng xa để tìm khán giả. 
Dù ở nơi đó có không ít chiếu chèo nhưng với “chất” riêng của mình, Nhà hát Chèo Hà Nội được rất nhiều khán giả yêu quý, cổ vũ nhiệt thành. Đi diễn hàng trăm buổi một năm, tình yêu nghệ thuật chèo được hun nóng, đời sống anh em nghệ sĩ nâng cao, với dàn nghệ sĩ tinh nhuệ, chị có thể tự tin dựng bất cứ vở chèo nào.
Không phải ngẫu nhiên NSƯT Thúy Mùi được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2015. Ngoài nỗ lực khẳng định thương hiệu Nhà hát Chèo, NSƯT Thúy Mùi còn thực hiện rất nhiều dự án khôi phục, phát triển nghệ thuật chèo. Dự án đưa chèo vào 1.700 trường học trên địa bàn Thủ đô với hàng nghìn suất diễn trong vòng 5 năm (2012-2017) được lãnh đạo thành phố đánh giá cao.
 Dự án chương trình nghệ thuật “Long Thành diễn xướng” với những tinh hoa nghệ thuật cổ xưa của Hà thành như: chèo, xẩm, múa rối, ca trù, chầu văn tạo nên sắc màu độc đáo thu hút khán giả trong và ngoài nước. Ngoài ra, NSƯT Thúy Mùi và đồng nghiệp còn thực hiện rất nhiều chương trình chính trị nghệ thuật của Thủ đô mang ý nghĩa sâu sắc.
Nhờ vậy, Nhà hát Chèo Hà Nội luôn “sống khỏe” với thương hiệu của mình trong “cơn bão” các loại hình nghệ thuật giải trí hấp dẫn khác. Và, “trách nhiệm gánh trên vai, có nhiều lúc tôi cảm thấy quá sức nhưng may mắn tôi được sống giữa một tập thể rất đoàn kết và yêu nghề. Họ đã giúp tôi và Nhà hát Chèo Hà Nội có những thành công”- NSƯT Thúy Mùi cười tươi trong ánh nắng thu vàng trải như mật ong trên sân Nhà hát.