Các cổ phiếu liên quan tới Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết tăng mạnh trong bối cảnh thị trường hồi phục và hàng hãng không ký thương vụ tỷ USD hướng tới mở đường bay sang Mỹ.
Hãng hàng không Bamboo Airways vừa ký kết thoả thuận lựa chọn động cơ GENx và gói bảo dưỡng cho tàu bay Boeing 787-9 trị giá khoảng 2 tỷ USD với GE Aviation, một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn General Electric của Mỹ.
Động cơ GEnx dự kiến được chuyển giao năm 2022 và sử dụng cho đội tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways - đội bay chủ lực để hãng sử dụng bay thẳng Việt - Mỹ trong tương lai.
Bamboo Airways cũng đã chính thức công bố đường bay thẳng Việt - Mỹ và ra mắt AVIAWORLD (liên doanh của AVIAREPS AG) với vai trò tổng đại lý chính thức của hãng tại thị trường Mỹ.
AVIAWORLD sẽ hỗ trợ Bamboo Airways trong các vấn đề thủ tục, chính sách với chính quyền sở tại đối với dịch vụ vận tải hàng không của hãng; thúc đẩy bán hàng và các hoạt động marketing, nghiên cứu thị trường; phối hợp quản lý chính sách dịch vụ khách hàng, chăm sóc khách hàng và khai thác chuyến bay tại Mỹ...
Ông Trịnh Văn Quyết. |
Nếu thuận lợi, đường bay quan trọng này sẽ đi vào khai thác từ đầu năm 2022, tần suất khởi đầu là 3 chuyến/tuần và sẽ nhanh chóng nâng lên thành 5- 7 chuyến/tuần trên cơ sở nhu cầu thị trường. Trước mắt, hành trình sẽ từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tới sân bay quốc tế San Francisco.
Hồi đầu năm, Bamboo Airways tiếp tục tăng vốn lên 12.500 tỷ đồng. Theo đánh giá của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết, vốn hóa dự kiến của hãng hàng không này sẽ đạt 3,25 tỷ USD. Ông Quyết đang nắm giữ khoảng 43%, FLC Faros (8,57%), FLC 39,4%...
Theo Reuters, Bamboo Airways có kế hoạch huy động vốn trên trường quốc tế và IPO sẽ giúp hãng hàng không này mở rộng dịch vụ ra toàn cầu.
Theo báo cáo, hãng bay này lãi trước thuế 400 tỷ đồng và là một trong số ít hãng bay trên thế giới có lợi nhuận năm 2020. Trong năm 2019, hãng lãi 300 tỷ đồng.
Nhóm các cổ phiếu thuộc họ FLC tăng mạnh sau thông tin về thương vụ 2 tỷ USD.
Trong phiên 22/9, cổ phiếu FLC tăng trần 6,8% lên 11.800 đồng/cp, sau khi có nhiều phiên tăng liên tiếp. Cổ phiếu Faros (ROS) cũng tăng thêm 6,9%, lên 5.700 đồng/cp. Cổ phiếu KLC cũng tăng trần lên 5.200 đồng/cp. ART tăng trần 9,9%, lên 11.100 đồng/cp và tiếp tục tăng thêm 7,2%, lên 11.900 đồng trong sáng 23/9.
Dòng tiền chực chờ đổ mạnh vào thị trường chứng khoán, đặc biệt là cổ phiếu nhỏ trong phiên vừa qua. Trong phiên 22/9, có tới 127 mã tăng trần, qua đó giúp chỉ số VN-Index lấy lại tất cả những gì đã mất trong phiên liền trước.
Biến động chỉ số VN-Index. |
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 23/9
Chốt phiên sáng 23/9, chỉ số VN-Index tăng 4,63 điểm lên 1.355,31 điểm. HNX-Index giảm 1 điểm xuống 362,43 điểm. Upcom-Index tăng 0,05 điểm lên 97,7 điểm. Thanh khoản đạt 17,1 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Cổ phiếu Vingroup tăng 900 đồng lên 87.000 đồng/cp sau nhiều phiên giảm liên tiếp. Vinhomes cũng tăng khá mạnh thêm 1.100 đồng lên 79.100 đông/cp. Vincom Retali tăng nhẹ.
Cổ phiếu bán lẻ Thế Giới Di Động tăng vọt thêm 5.300 đồng lên 131.000 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu "họ Louis" đang bị bán mạnh và giảm điểm, thậm chí SMT, APG giảm sàn. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu "họ FLC" đang thu hút dòng tiền đầu cơ mạnh với hàng loạt mã tăng như ROS, FLC, HAI, KLF, AMD, ART sau thông tin Bamboo Airways ký hợp đồng 2 tỷ với đối tác Mỹ trong một bước tiến mới mở đường bay trực tiếp tới Mỹ.
Theo BSC, thanh khoản thị trường suy yếu tại ngưỡng 1.350 điểm cho thấy tâm lý cẩn trọng của nhà đầu tư và nhiều khả năng VN-Index có thể duy trì nhịp vận động tích lũy tại ngưỡng 1.350 điểm.
Chốt phiên chiều 22/9, chỉ số VN-Index tăng 10,84 điểm lên 1.350,68 điểm. HNX-Index tăng 4,45 điểm lên 363,43 điểm. Upcom-Index tăng 0,89 điểm lên 97,65 điểm. Thanh khoản đạt 29,0 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn, giảm nhẹ so với phiên liền trước. Riêng sàn HOSE đạt hơn 24,3 nghìn tỷ đồng.