Đặt cơ chế "xin - cho" với nhà báo "đi tòa"?

Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đang đề xuất quy định việc ghi âm, ghi hình tại phiên toà phải được sự cho phép bằng văn bản của Chánh án Toà án nơi giải quyết vụ án. Nếu quy định này được thông qua, chắc chắn đây sẽ là rào cản lớn cho các nhà báo, phóng viên khi muốn tiếp cận các nguồn tin từ diễn biến tại các phiên tòa.

Với đặc thù nghề nghiệp của mình, hoạt động báo chí được Đảng và Nhà nước dành nhiều ưu tiên trong quá trình tác nghiệp, trong đó có quyền được lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai... Đó là những quyền năng cơ bản đã được luật định. Thế nhưng, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đang đề xuất quy định việc ghi âm, ghi hình tại phiên toà phải được sự cho phép bằng văn bản của Chánh án Toà án nơi giải quyết vụ án.

Nếu quy định này được thông qua, chắc chắn đây sẽ là rào cản lớn cho các nhà báo, phóng viên khi muốn tiếp cận các nguồn tin từ diễn biến tại các phiên tòa.

Thu hẹp quyền tác nghiệp của báo chí

Dù áp dụng không thống nhất nhưng hiện nay nhiều tòa án vẫn yêu cầu các nhà báo, phóng viên trước khi tác nghiệp tại phiên tòa phải xuất trình giấy giới thiệu và Thẻ nhà báo, điều này đã gây bao phiền phức cho hoạt động nghiệp vụ của các phóng viên. Và đến nay khi TANDTC đề xuất quy định trên, vô hình trung hoạt động tác nghiệp của báo chí tại tòa lại phải “vượt” qua một thủ tục hành chính mới, hay nói đúng hơn là phải có thêm một “Giấy phép con” mới có thể đàng hoàng thực hiện nhiệm vụ chính trị-xã hội của mình.

Theo Nghị định 51, nhà báo được chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại   các phiên tòa xét xử công khai.
Theo Nghị định 51, nhà báo được chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai.

Hai bản Dự thảo mà TANDTC hiện đang công bố cùng lúc là Dự thảo Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND (gọi là Dự thảo Pháp lệnh 1) và Dự thảo Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND (Dự thảo Pháp lệnh 2).

Trong đó, Điều 18 của Dự thảo Pháp lệnh 1 quy định: “1. Cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:... e) Ghi âm, ghi hình tại phiên toà mà không được sự cho phép bằng văn bản của Chánh án Toà án nơi giải quyết vụ án hoặc thực hiện việc ghi âm, ghi hình không đúng theo hướng dẫn và sắp xếp vị trí của Toà án nơi giải quyết vụ án”.

Cũng có nội dung tượng tự, Điều 17 Dự thảo pháp lệnh 2 quy định: “Cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:... e) Ghi âm, ghi hình tại phiên toà mà không được sự cho phép bằng văn bản của Chánh án Toà án nơi giải quyết vụ án hoặc chủ toạ phiên toà giải quyết vụ án, thực hiện việc ghi âm, ghi hình không đúng theo hướng dẫn và sắp xếp vị trí của Toà án nơi giải quyết vụ án”.

So với Dự thảo Pháp lệnh 1 thì thẩm quyền của người ký văn bản cho phép ghi âm, ghi hình tại Dự thảo pháp lệnh 2 mở rộng hơn (ngoài Chánh án tòa án còn có chủ toạ phiên toà giải quyết vụ án).

Có thể hiểu, đối tượng chịu sự điều chỉnh của quy định nêu trên rất rộng, người vi phạm quy định về ghi âm, ghi hình có thể là người tham gia tố tụng như bị cáo, người bị hại, người làm chứng, người bào chữa; có thể là nguyên đơn, bị đơn, luật sư và cũng có thể là các phóng viên, nhà báo đang thực hiện nhiệm vụ tác nghiệp báo chí.

Tuy nhiên, khác với các đối tượng kể trên, phóng viên, nhà báo có mặt tại phiên tòa là để thực hiện nhiệm vụ của nhà báo theo đặc thù nghề nghiệp của hoạt động báo chí đã được quy định tại Luật báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ngoài ra, một trong những quyền cơ bản của nhà báo đã được ghi nhận tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật báo chí, đó là: “Được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”.

Xét về tính chất đặc thù nghề nghiệp của nghề báo, để có thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời phản ánh trung thực và khách quan các sự kiện mang tính thời sự, chính trị trong xã hội, các phóng viên phải trực tiếp thâm nhập thực tế để thu thập thông tin, trong đó rất cần sử dụng các phương tiện nghiệp vụ hỗ trợ như máy ghi âm, ghi hình.

Và như vậy, khi có mặt tại các phiên tòa xét xử, việc phóng viên, nhà báo thực hiện thu âm, ghi hình một mặt giúp cho các thông tin cần thu thập được chính xác và đầy đủ, mặt khác có được tư liệu thực tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền tải thông tin tới thính giả, độc giả.

(Tất nhiên, theo quy định của Luật Báo chí, việc sử dụng các thông tin ghi âm, ghi hình đã thu thập được của phóng viên, nhà báo phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc không làm tổn hại tới uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân và tổ chức có liên quan).

 Nhưng với quy định tại Dự thảo Pháp lệnh 1 thì quyền tác nghiệp của báo chí đã bị thu hẹp. Có nghĩa là, nếu Chánh án Tòa án không đồng ý hoặc chậm trễ trong việc đồng ý bằng văn bản thì đương nhiên các nhà báo, phóng viên sẽ bị bảo vệ chặn ngay từ cổng ra vào, mặc dù phiên tòa diễn ra công khai.

Trường hợp khác, nếu muốn ghi âm, ghi hình tại phiên tòa do TANDTC xét xử tại TP. Hồ Chí Minh thì các nhà báo, phóng viên phải lặn lội hàng nghìn cây số ra tận Hà Nội để xin sự đồng ý bằng văn bản của Chánh án TANDTC, nếu Chánh án TANDTC đi công tác thì coi như các phóng viên, nhà báo... mất quyền tác nghiệp.

Phải chăng vì ngại bị phản ánh... sự thật?

Một phóng viên chuyên theo dõi mảng pháp đình tâm sự, để được tác nghiệp trong phiên tòa thì phóng viên phải xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu với thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Tất nhiên các quy định này không được áp dụng thống nhất trong cả nước. Thẩm phán nào dễ tính thì phóng viên được tạo điều kiện thuận lợi khi tác nghiệp, gặp phải vị khó tính thì họ phải xuất trình đủ mọi giấy tờ, từ Thẻ nhà báo, Chứng minh nhân dân đến Giấy giới thiệu của cơ quan...

Nếu không có đủ các loại giấy tờ này thì các nhà báo, phóng viên chỉ có quyền tham dự phiên tòa chứ không có quyền ghi âm, chụp ảnh....

Nhiều ý kiến lo ngại, lâu nay khi các cấp tòa án chưa có quy định thống nhất về giới hạn tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa nên một số tòa đã tự đặt ra nhiều thủ tục nhằm hạn chế sự có mặt của báo chí. Sắp tới, nếu các Dự thảo Pháp lệnh trên được thông qua thì hoạt động báo chí tại phiên tòa sẽ phải “vượt” qua một thủ tục hành chính bắt buộc. Quy định này đã làm nhà báo mất đi tính chủ động trong khi tác nghiệp.    

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện quyết liệt công cuộc cải cách tư pháp, trong đó việc xét xử của Tòa án phải căn cứ vào quá trình tranh tụng tại tòa- đây là một “giai đoạn” quyết định đến việc xét xử đúng người, đúng tội, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho đương sự.

Thông thường, phần tranh luận tại Tòa thường là những cuộc “đối đầu” nảy lửa bởi các luật sư, Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát có những quan điểm khác nhau. Để có thể truyền tải thông tin tại phiên tòa một cách chính xác thì các phóng viên, nhà báo dù có mười tay cũng không thể “tốc ký” hết mọi diễn biến tại tòa và không còn cách nào khác là họ phải cần đến phương tiện trợ giúp là máy ghi âm, ghi hình.

“Không chỉ nhà báo, phóng viên mà ngay cả luật sư hay nguyên đơn, bị đơn.. cũng có quyền được ghi âm để họ có bằng chứng cho việc giải quyết vụ án về sau. Theo tôi, họ có quyền được làm việc này (miễn là không ảnh hưởng đến trật tự phiên tòa). Vậy tại sao các Dự thảo Pháp lệnh lại yêu cầu việc ghi âm, ghi hình phải có sự đồng ý bằng văn bản của Chánh án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa? Phải chăng vì Tòa sợ  báo chí sẽ phát hiện ra việc xét xử của mình không khách quan?”- một luật sư phân tích.

Vân Anh

Đọc thêm