Sức sống mới từ vùng “đất lửa”
Với khát vọng vươn lên, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Trong 5 năm qua, Quảng Trị đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển; tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân đầu người đạt 55,4 triệu đồng năm 2020, gấp 1,6 lần năm 2015, bằng 79,1% của cả nước.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng cao so với cùng kỳ; Sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 11,42%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết XVI. Trong đó, đã chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: Dệt may, chế biến gỗ, chế biến thủy sản, năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo. Tổng công suất phát điện cuối nhiệm kỳ đạt 377MW, tăng gấp 3,7 lần so với đầu nhiệm kỳ; nhiều dự án đã và đang chuẩn bị triển khai hoặc được bổ sung vào quy hoạch, mở ra triển vọng đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.
Thương mại - du lịch - dịch vụ phát triển nhanh, một số ngành có tốc độ phát triển cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết XVI. Nhiều di tích lịch sử cách mạng và danh thắng được trùng tu, tôn tạo, khôi phục và giữ gìn, khai thác phục vụ du lịch. Những địa danh Cồn Tiên, Dốc Miếu, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, Thành Cổ, địa đạo Vịnh Mốc của một thời hoa lửa, nay là điểm đến của du lịch hòa bình. Sản phẩm du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”; du lịch tâm linh; du lịch biển, đảo... đang phát huy lợi thế, bước đầu kết nối có hiệu quả các tour du lịch trên hành lang kinh tế Đông - Tây. Hay tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ đã góp phần kết nối tam giác du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; giá trị toàn ngành tăng bình quân 3,82%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết XVI. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo định hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, liên kết hợp tác.
Sản lượng lương thực có hạt đạt 27,5 vạn tấn/năm, vượt 11% so với chỉ tiêu Nghị quyết XVI. Chăn nuôi chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại, thâm canh bán công nghiệp gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Lâm nghiệp từng bước phát huy lợi thế.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong 5 năm 2016 - 2020 đạt 14.105 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt 460 triệu USD, đạt chỉ tiêu Nghị quyết XVI.
Trong nhiệm kỳ qua, hạ tầng kinh tế, xã hội được quan tâm đầu tư; phát triển hài hòa giữa thành thị - nông thôn, đồng bằng - miền núi. Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội bảo đảm. Các vấn đề xã hội được tập trung giải quyết có hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng có nhiều đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn lịch sử.
Đặc biệt, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Toàn tỉnh có 57/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 56,4%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết XVI (40 - 50%), cao hơn mức bình quân chung của cả nước; xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố về kết quả xây dựng nông thôn mới.
Như vậy, sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của Quảng Trị đã lớn mạnh hơn, diện mạo của tỉnh đã thay đổi toàn diện với nhiều thành tựu đáng tự hào. Từ một tỉnh nghèo nàn, do ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, Quảng Trị đã vươn lên trở thành tỉnh có sự phát triển ấn tượng. Đây là thành quả quan trọng từ sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân nơi đây.
Khơi dậy tiềm năng, biến bất lợi thành lợi thế
Tại buổi làm việc vào ngày 22/9/2020 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị để duyệt nội dung Đại hội Đảng bộ tỉnh này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao và chúc mừng những kết quả mà Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đạt được trong nhiệm kỳ qua; đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới.
Theo đó, cần khơi dậy tiềm năng, biến bất lợi thành lợi thế, tập trung vào các mũi nhọn là phát triển công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ và du lịch. Phát huy lợi thế Hành lang kinh tế Đông -Tây, kết nối với các nước trong khu vực. Có chiến lược để phát triển Khu kinh tế Đông Nam, đặc biệt là cảng biển Mỹ Thủy. Tiếp tục quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn, khu vực biên giới.
Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, đoàn kết, thống nhất, nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu đến năm 2025 Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.
Để thực hiện điều này, tỉnh đã nêu ra những chương trình, dự án trọng điểm: Thứ nhất, tiếp tục thực hiện hoàn thành việc đầu tư xây dựng và phát triển trục kết nối các trọng điểm kinh tế đã đề ra từ nhiệm kỳ trước; hình thành Hành lang đường bộ từ cửa khẩu quốc tế La Lay về Mỹ Thủy kết nối với Lào - Thái Lan; triển khai các công trình giao thông quan trọng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nghiên cứu, xây dựng, triển khai một số trọng điểm kinh tế nhằm tạo động lực mới.
Thứ hai, triển khai một số dự án quan trọng trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, đáp ứng yêu cầu của đời sống nhân dân và phục vụ phát triển du lịch.
Thứ ba, sớm hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển thành phố Đông Hà; Quy hoạch phát triển các khu đô thị ven biển.
Thứ tư, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh; phát triển nhanh hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong đó, các ngành, lĩnh vực ưu tiên gồm: Các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế so sánh của địa phương, như: công nghiệp năng lượng; công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản (nhất là công nghiệp chế biến gỗ); công nghiệp silicat; công nghiệp dệt may.
Thứ sáu, đẩy mạnh nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên. Ngoài ra, cần phát triển một số ngành dịch vụ có tiềm năng phát triển, giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông, thị trường bất động sản...). Và đặc biệt, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
“Festival vì Hòa bình” sẽ là “cú hích” cho du lịch Quảng Trị
Trong phương hướng, nhiệm vụ của Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, xác định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó rất kỳ vọng vào thương hiệu du lịch chỉ có ở vùng “đất lửa” là “Festiaval vì Hòa bình”. Nó sẽ là điểm đến, là nơi hội tụ, là nơi biểu hiện sâu sắc sự đoàn kết, hữu nghị và cũng là động lực, là tiêu đề, là yếu tố giúp Quảng Trị phát triển kinh tế - xã hội mạnh và bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.
Đây là một đề án mang ý nghĩa nhân văn, là một biểu tượng của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam được chính quyền và nhân dân Quảng Trị ấp ủ mong đợi sẽ sớm đưa vào thực tiễn.
Theo dự thảo, Festival này có quy mô quốc gia và quốc tế, nằm trong danh mục các lễ hội lớn của Chính phủ, Bộ VHTT&DL và dự kiến diễn ra vào tháng Bảy định kỳ hai năm một lần. Fesstival có không gian tổ chức mở, kinh phí từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Sự kiện gồm chuỗi các chương trình: Liên hoan nghệ thuật quốc tế “Tiếng hát Vì hòa bình”, hòa nhạc, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; Hội thảo, hội nghị, tọa đàm về vấn đề hòa bình; Hoạt động tưởng niệm, tri ân như lễ hội hoa đăng, lễ cầu siêu; Thăm hỏi, tặng quà, chữa bệnh cho các nạn nhân chiến tranh. Bên cạnh đó còn tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thể thao...
Còn nhiều công việc phải làm cho Festival “Vì Hòa bình”, nhưng bằng tâm nguyện và quyết tâm của mình, tỉnh Quảng Trị sẽ sớm tổ chức sự kiện mang nhiều ý nghĩa này để Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên những mảnh đất bị tàn phá, hủy diệt bởi chiến tranh.
Một số chỉ tiêu chủ yếu
Chỉ tiêu kinh tế - xã hội - môi trường
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (tính theo GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,5 - 8%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 85 - 90 triệu đồng và đến năm 2030 đạt trên 150 triệu đồng.
Đến năm 2025 cơ cấu kinh tế (tính theo GRDP): nông nghiệp 15%, phi nông nghiệp là 85%; đến năm 2030 cơ cấu phi nông nghiệp 85- 90%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025 là 75% và đến năm 2030 là 85%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm giai đoạn 2021- 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 từ 1 - 1,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75 - 80%; trong đó có bằng cấp, chứng chỉ trên 33%.
Số lao động được tạo việc làm mới bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 là 12.000 lao động. Đến năm 2025, đạt tỷ lệ 11 bác sĩ/1 vạn dân, 35 giường bệnh/1 vạn dân. Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch ở thành thị đến năm 2025 là 97%. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2025 ở đô thị đạt 98%; ở nông thôn đạt 60%.
Chỉ tiêu về xây dựng đảng
Hằng năm, có trên 85% số đảng bộ, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện, tương đương và tổ chức cơ sở đảng xếp loại từ “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, thành lập mới trên 30 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; 100% thôn, bản, khu phố có tổ chức đảng. Trong nhiệm kỳ kết nạp trên 7.500 đảng viên (bình quân hằng năm đạt trên 1.500 đảng viên).