Xây dựng Đảng là công tác con người
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm, khách quan thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình.
Cũng vì liên quan đến công tác con người, nên Tổng Bí thư cho rằng đây là công việc “rất khó, rất phức tạp”. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, trước thực trạng yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, dù khó khăn đến mấy cũng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Có những việc không thể chỉ làm một lần là xong. Ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày. Đây là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, bảo đảm thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng,... chứ không phải “đóng cửa” để chỉnh đốn Đảng.
Thấm nhuần và thực hiện xuất sắc căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở mọi cán bộ, đảng viên - đặc biệt là cán bộ cao cấp của Đảng - phải thực hành nêu gương; phải tự soi, tự sửa, tự nghiêm khắc với bản thân mình. Theo Tổng Bí thư, việc thực hành nêu gương, “nói đi đôi với làm” sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn, tăng sức thuyết phục, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ. Đồng thời, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực...
Để giáo dục lòng tự trọng của mỗi cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc tới câu nói rất sâu sắc trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”: Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của Nhân dân!.
Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa XII (tháng 10/2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng nhấn mạnh: “Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư”.
“Chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 lần này về xây dựng, chỉnh đốn Đảng?”. Đặt vấn đề này tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (tháng 12/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước. Căn cứ vào Nghị quyết, Kết luận và Quy định lần này, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình. Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà “phán”, hoặc “chờ xem”, coi như mình vô can.
“Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN,TC cấp tỉnh, tháng 6/2023. (Ảnh trong bài: T.Dũng) |
Trên cương vị là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở về tình trạng tham ô, tham nhũng, thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Theo Tổng Bí thư, tham nhũng tiền bạc, tài sản thì có thể thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả. Vì lẽ đó, ông yêu cầu, không chỉ đấu tranh PCTN trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai vấn đề này liên quan mật thiết đến nhau; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Ông luôn đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, phải trọng liêm sỉ, giữ danh dự, không bị mua chuộc bởi những lợi ích vật chất tầm thường, bởi “tiền bạc lắm để làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Để mọi người nhận diện rõ hơn về tham nhũng, tiêu cực, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN,TC giai đoạn 2012 - 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích: PCTN là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất,... do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ,... với động cơ không trong sáng. Nó thường diễn ra đối với những người có chức, có quyền. Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. “Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn” - Tổng Bí thư chỉ rõ.
Trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan đến các quan chức cấp cao đã được Đảng và Nhà nước ta xử lý một cách nghiêm khắc trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Tinh thần này kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi hơn 70 năm trước, Người từng yêu cầu “phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuộc đấu tranh này đã trở thành một phong trào, một xu thế không thể đảo ngược. Trong nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri hay những cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo Trung ương về PGTN,TC, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường mượn hình ảnh “cái lò, que củi” để nói về quyết tâm của Đảng trong cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc”. Từ sau thời điểm đó, cụm từ “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy” được nhiều người nhắc đến với một sự tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc trừng trị “những kẻ bất liêm”.
Tuy nhiên, phía sau việc xử lý những vụ việc ấy là những trăn trở chất chứa nỗi niềm đau xót của người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời gian qua, Đảng ta đã thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn, lãnh đạo Nhân dân ta giành nhiều thắng lợi to lớn trên mọi lĩnh vực, để Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh”, để đất nước ta “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”.
“Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là để làm cho Đảng ta ngày càng mạnh hơn; cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn; tổ chức đảng có sức chiến đấu cao hơn; đoàn kết nội bộ tốt hơn; gắn bó với Nhân dân mật thiết hơn; thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn; chứ không phải ngược lại” (trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng).