Đau đầu định tội "quái xế" đạp xe khiến CSGT hy sinh

Dư âm của vụ chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) hi sinh khi truy đuổi quái xế trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chưa kịp lắng xuống, cơ quan tố tụng tỉnh này một lần nữa lại phải “đau đầu” ngồi lại với nhau khi chưa thống nhất được quan điểm luận tội gì với đối tượng đã đạp CSGT lao vào gốc cây hy sinh?.

 

Dư âm của vụ chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) hi sinh khi truy đuổi quái xế trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chưa kịp lắng xuống, cơ quan tố tụng tỉnh này một lần nữa lại phải “đau đầu” ngồi lại với nhau khi chưa thống nhất được quan điểm luận tội gì với đối tượng đã đạp CSGT lao vào gốc cây khiến chiến sĩ này hy sinh?.

Hiện trường vụ tai nạn
Hiện trường vụ tai nạn

Cuộc rượt đuổi định mệnh

Tối 17/02/2012, Tổ Cảnh sát giao thông - Trật tự công công công an huyện Phụng Hiệp thực hiện kế hoạch tuần tra giao thông theo kế hoạch trên tuyến Tỉnh lộ 927. Khoảng 20h45 cùng ngày, Tổ tuần tra khi đến địa phận xã Phương Bình thì phát hiện có một xe mô tô hiệu Suzuki Sport đi chiều ngược lại, trên xe có hai thanh niên, chạy với tốc độ cao còn lạng lách, đánh võng nên Tổ tuần tra đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra.
Tuy nhiên, hai thanh niên này đã không chấp hành hiệu lệnh mà còn tiếp tục lên ga bỏ chạy. Trước hành vi xem thường pháp luật của hai đối tượng, một CSTT đã quay đầu xe mô tô truy đuổi nhưng chỉ một đoạn thì hai “quái xế” mất hút. 
Thiếu úy CSGT Tống Phước Ngộ (SN 1985) đang điều khiển xe đặc chủng đã mở còi, đèn ưu tiên và tăng tốc đuổi theo, phía sau là các đồng chí trong Tổ tuần tra hỗ trợ. Khi Tổ tuần tra truy đuổi gần 10km thì phát hiện chiếc xe đặc chủng đã ngã và đồng đội đang nằm bất động bên lề đường bên trái theo hướng truy đuổi, chiếc nón bảo hiểm đội trên đầu bị vỡ. Được đồng đội đưa đến bệnh viện cấp cứu, được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng thiếu úy trẻ tuổi không qua khỏi. Anh bị tử vong do chấn thương sọ não nặng. 
Cái chết của một thiếu úy trẻ khi đang thi hành công vụ đã làm người Hậu Giang bàng hoàng. Anh là con thứ hai trong gia đình có 3 chị em, cha của anh hiện là lãnh đạo một Phòng của Công an tỉnh. Sau khi học hết lớp 12, anh Ngộ đi nghĩa vụ rồi tình nguyện xin ở lại phục vụ lâu dài trong ngành, đi học Trung cấp rồi về công tác ở địa phương và mới được phong hàm Thiếu úy, được mọi người đánh giá là một cán bộ trẻ có năng lực, giàu nhiệt huyết và sống chan hòa.
Sau khi sự việc xảy ra, Ban giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các bộ phận chức năng tiến hành các thủ tục cần thiết để đề nghị công nhận Liệt sỹ cho chiến sỹ hi sinh trong khi thi hành nhiệm vụ. 
Hai đối tượng bị truy tố trong vụ án
Hai đối tượng bị truy tố trong vụ án

Kỹ sư, nhân viên xã đội làm “quái xế”

Qua thu thập, xác minh và sàng lọc thông tin từ người dân, cảnh sát đã khoanh vùng được các đối tượng nghi vấn. Chưa đầy 36 tiếng đồng hồ sau khi vụ án xảy ra, công an bắt khẩn cấp hai đối tượng là Phạm Quang Trung (tên gọi khác là Phương, SN 1988) và Phan Tấn Tài (SN 1993, cùng ngụ ấp Hòa Quới A, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Trung đã tốt nghiệp Đại học và đang là kỹ sư xây dựng cho một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Tài là nhân viên xã đội.
Hai đối tượng khai nhận, buổi tối xảy ra vụ án, cả hai rủ nhau đi uống cà phê, trên đường về nhà thấy đoạn đường vắng vẻ không người qua lại nên Trung điều khiển chiếc xe với tốc độ cực nhanh. Khi bị CSGT ra tín hiệu dừng xe thì Trung cố ý không chấp hành, tăng ga bỏ chạy vì sợ bị phạt do không có mang theo giấy tờ xe, lại phóng nhanh, lạng lách.
Trung khai: “Tôi nghĩ đoạn đường rất vắng, xung quanh rất ít nhà dân, lại không có đèn đường mà CSGT lại đi ngược chiều nên sẽ không truy đuổi, mà có truy đuổi cũng chưa chắc đuổi kịp với xe Su “xì po” có thể chạy với tốc độ đến hơn 140 km/h”.
Chạy được đoạn đường khoảng 7 km thì xe CSGT đuổi gần kịp, bám sát cách khoảng 10m. Nghĩ chỉ dùng "chiêu" đua tốc độ sẽ không thể thoát được nên Trung cố tình chạy lạng lách qua lại trên đường để không cho xe CSGT vượt qua chặn xe mình lại. 
Khi gần đến trụ sở UBND xã Hòa An, xe chuyên dụng chạy sang phần đường bên trái để vượt lên thì bị Trung điều khiển xe ép sát vào lề đường. Khi hai xe chạy gần như song song với nhau ở tốc độ khoảng 100 km/h, xe CSGT điều khiển vượt qua được bánh sau xe "quái xế", khoảng cách khoảng 20 - 40 cm. Lúc này Tài ngồi sau liền đưa chân trái lên đạp vào xe CSGT khiến xe bị lạc tay lái đâm thẳng vào lề bên trái có hàng bạch đàn. 
Tại thời điểm Tài đạp xe CSGT, Trung đang chạy nhanh, không dám quay đầu nhìn lại nhưng thấy chiếc xe của mình bị chao đảo. Chạy được một đoạn Tài mới nói cho Trung biết là mình vừa đạp xe CSGT ngã xuống đường nhưng cả hai vẫn tiếp tục chạy thêm khoảng hơn một km thì ghé vào quán cà phê ngồi uống nước.
Tại đây, chúng đã kể lại sự việc trốn chạy sự truy đuổi của CSGT cho một người bạn là chủ quán cà phê nghe rồi về nhà ngủ mà không ngờ mình vừa gây ra một hậu quả đau lòng. Ngay cả khi bị bắt khẩn cấp hai ngày sau đó, chúng cũng chưa hề biết hậu quả là chiến sĩ CSGT đã hy sinh. Riêng Tài còn khai gã nhận ra người điều khiển xe đặc chủng là anh Ngộ vì hai người có sự quen biết từ trước. 
Chống người thi hành công vụ hay giết người?
Qua thu thập chứng cứ và lời khai, 10 ngày sau khi vụ án xảy ra, công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 3 tháng với hai đối tượng về Tội chống người thi hành công vụ. Thế nhưng sau quá trình điều tra, hiện trong các cơ quan tố tụng ở địa phương có hai luồng quan điểm khác nhau về tội danh của Tài (riêng Trung là đối tượng cầm lái thì cơ bản đều thống nhất là tội chống người thi hành công vụ). 
Quan điểm thứ nhất thì cho rằng Tài cũng chỉ là đồng phạm với Trung về Tội chống người thi hành công vụ với tình tiết định khung tăng nặng là gây hậu quả nghiêm trọng (làm chết người). Lập luận của luồng quan điểm này là Tài không có mục đích, động cơ giết chết CSGT vì giữa hai người mặc dù có quen biết từ trước nhưng không hề có mâu thuẫn. Hành vi Tài đạp vào xe của CSGT chỉ là để tránh nguy hiểm có thể xảy ra vì cả hai xe đều đang chạy với tốc độ rất cao; đồng thời cũng là để tránh bị bắt giữ. 
Quan điểm thứ hai thì cho rằng hành vi của Tài đã có dấu hiệu của tội giết người vì lúc đưa chân nên đạp, hai xe chạy với tốc độ cực nhanh và Tài đương nhiên phải biết là sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng nếu người điều khiển bị té ngã. Thực tế Tài hiểu được sự nguy hiểm đó nên mới cố tình đạp ra, để hai xe không dính vào nhau sẽ bị té, nguy hiểm đến tính mạng của cả ba người trong đó có Tài như Tài đã khai.
Và mặc dù Tài không có ý nghĩ, mục đích cũng như động cơ để giết CSGT nhưng hậu quả chết người thực tế đã xảy ra và Tài cũng đã để mặc cho hậu quả xảy ra. Đó là chưa kể tình tiết sau khi biết CSGT bị té ngã nguy hiểm đến tính mạng, Tài cũng không quay lại để cứu giúp người bị hại. 
Theo ghi nhận ý kiến của nhóm phóng viên Pháp luật & Thời đại, trong vụ việc này nhiều luật sư, luật gia, chuyên gia pháp lý đồng tình với luồng quan điểm thứ hai. Một luật sư phản bác luồng quan điểm thứ nhất: “Lập luận cho rằng Tài đạp xe CSGT để trốn tránh việc bị bắt giữ là không phù hợp với thực tế khách quan của vụ án, bởi theo lời khai của Tài thì giữa hắn và CSGT đã có sự quen biết. Như vậy tại thời điểm đó dù gã có trốn thoát thì cũng sẽ bị truy bắt lại”.
Nhìn ở khía cạnh khác, một người dân thẳng thắn: “Với tính chất, mức độ phạm tội như vậy, nếu chỉ xét xử Tài về Tội chống người thi hành công vụ có khung hình phạt từ 2 – 7 năm tù thì không tương xứng với hậu quả mà hành vi của quái xế đã gây ra, không đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp?. Cần phải truy tố Tài về tội giết người mới chính xác, hợp lý và mang tính giáo dục cao”.  
Thanh Hậu

Đọc thêm