Nhiều chủ phương tiện (nhất là đối với phương tiện - xe máy đắt tiền) khi lấy xe ra còn “bắt đền” lực lượng CSGT vì họ cho rằng xe của mình bị hỏng hóc, mất mát, không còn giữ nguyên hiện trạng như trước đây…
Bên cạnh đó, để gửi một chiếc xe máy bị lập biên bản tạm giữ, lực lượng CSGT phải lo không ít “thủ tục” như: Tìm bãi tập kết đảm bảo an toàn cho phương tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm lui tới bãi giải quyết, khi chủ phương tiện đến lấy xe ra, phương tiện có còn giữ nguyên hiện trạng hay không…
Tại nhiều điểm trông giữ xe vi phạm trên địa bàn TP Hà Nội có thể dễ dàng bắt gặp cảnh chật cứng xe phủ kín bụi. Điều này không chỉ lãng phí tài sản mà tình trạng này còn gây quá tải ở các địa chỉ trên.
Bãi xe quá tải
Cùng với việc ra quân xử lý mạnh các vi phạm giao thông được cụ thể hóa bằng chế tài tạm giữ phương tiện, hàng loạt vấn đề “đau đầu” liên quan đến số phương tiện này đặt ra cho các cơ quan chức năng nhiều câu hỏi cần giải đáp.
Tại một loạt các điểm tập kết các phương tiện vi phạm bị tạm giữ dễ dàng bắt gặp một số điểm chưa được trang bị đầy đủ các điều kiện cần thiết như: mái tôn che mưa nắng, dụng cụ phòng chống cháy nổ, diện tích chật chội…
Đây chính là hệ quả của việc cung không đủ cầu, số lượng các phương tiện vi phạm bị tạm giữ gia tăng theo thời gian, trong khi quỹ đất thì hạn hẹp. Các bãi tập kết vẫn luôn đặt trong tình trạng quá tải. Nhất là vào những thời điểm đến hạn lấy xe vi phạm, chủ các phương tiện không đến trong khi số xe vi phạm mới bị lập biên bản không ngừng tăng về số lượng.
Điểm trông giữ xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiện lưu giữ hàng trăm xe vi phạm. Bên cạnh những chiếc xe máy số, xe ba gác giá trị thấp, có cả những xe tay ga đắt tiền như SH, Spacy, Liberty… đang nằm “chờ chết” bởi cả bãi xe rộng lớn nhưng không hề có mái che, để mặc mưa nắng, bụi đất phủ đầy dẫn đến tình trạng các phương tiện bị hỏng hóc.
Nằm ở góc bãi tập kết là những đống xe đạp, xe máy bị hỏng chỉ còn trơ bộ khung chất chồng lên nhau. Kể cả những xe máy được xếp thành hàng, phần lớn cũng xuống cấp trầm trọng, nhiều xe bị vỡ yếm, bong tróc, nếu được định giá cũng chỉ thuộc dạng... “đồng nát”.
Khảo sát thực tế, tại nhiều đơn vị CSGT sau khi tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý hành chính, có không ít chủ phương tiện đã “phó mặc” phương tiện của mình cho lực lượng chức năng. Đến kỳ hẹn lên làm việc, chủ các phương tiện này đã không có mặt. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến số lượng các phương tiện giao thông dạng này theo thời gian nằm phơi mưa, phơi nắng; lãng phí kéo dài, còn lực lượng chức năng thì khó xử lý.
Tại nhiều trụ sở cảnh sát, các phương tiện xe ba bánh tự gióng, xe công nông, kể cả máy trộn, xe máy... bị tạm giữ không xác định được chủ phương tiện để ngổn ngang ngay trong sân. Một cảnh sát cho biết, thực tế công tác kiểm tra, xử lý trên đường, không chỉ xe tự gióng mà kể cả xe máy, nhiều chủ phương tiện thường mua xe giá rẻ, trong khi đó mức phạt đối với vi phạm nồng độ cồn lên tới 3 - 4 triệu đồng nên nhiều chủ phương tiện sẵn sàng bỏ xe không đến giải quyết.
Bên cạnh đó, để gửi một chiếc xe máy bị lập biên bản tạm giữ, lực lượng CSGT phải lo không ít “thủ tục” như: Tìm bãi tập kết đảm bảo an toàn cho phương tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm lui tới bãi giải quyết, khi chủ phương tiện đến lấy xe ra, phương tiện có còn giữ nguyên hiện trạng hay không…
Theo một cán bộ CSGT, nhiều chủ phương tiện (nhất là đối với phương tiện-xe máy đắt tiền) khi lấy xe ra còn “bắt đền” lực lượng CSGT vì họ cho rằng xe của mình bị hỏng hóc, mất mát, không còn giữ nguyên hiện trạng như trước đây… Thiếu địa điểm trông giữ phương tiện nên tình trạng tận dụng mặt bằng làm bãi trông giữ xe vi phạm cũng diễn ra tại nhiều nơi.
Theo lực lượng CSGT, cần phải làm các thủ tục theo tuần tự như: Tra cứu qua biển số xe, gửi giấy mời đến người vi phạm 3 lần; Xác minh chủ phương tiện qua hệ thống đăng kí xe... Nhiều lần CSGT gửi giấy mời nhưng chủ phương tiện không đến giải quyết, CSGT sẽ tiến hành làm các thủ tục niêm yết danh sách tại trụ sở, đăng báo... Thời gian để giải quyết xe tồn cũng phải mất từ 1-5 tháng, rất mất thời gian.
Hàng loạt xe vi phạm phủ bụi |
Bài toán giải phóng xe “đắp chiếu”
Mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm xử lý triệt để các xe vi phạm, cũng như “giải phóng” sự quá tải tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm giao thông, nhưng dường như vẫn chưa đủ.
Đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CA TP Hà Nội cho biết, tình trạng các xe ôtô, môtô và các loại phương tiện giao thông bị tạm giữ do vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đã hết thời hạn tạm giữ, nhưng người vi phạm không đến giải quyết để nhận lại phương tiện là một thực tế.
Các cơ quan chức năng áp dụng các chế tài xử lý, trong đó có quy định việc tạm giữ phương tiện tham gia giao thông là biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, bảo đảm thi hành quyết định xử phạt hay để xác minh, làm rõ các tình tiết liên quan hành vi vi phạm pháp luật.
Để giải quyết vấn đề nêu trên, Phòng CSGT TP Hà Nội đã và đang tích cực, thường xuyên phối hợp các đơn vị chức năng trong và ngoài ngành tiến hành xác minh phương tiện có liên quan vụ án hình sự hay không, nguồn gốc, chủ sở hữu và thông báo trên phương tiện truyền thông đại chúng, niêm yết tại trụ sở đơn vị và bàn giao phương tiện cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, nhiều năm qua, các lực lượng chức năng đã thu giữ hàng nghìn xe máy. Thế nhưng, khối tài sản này do không được xử lý kịp thời, bảo quản lại không tốt, dẫn tới tình trạng xuống cấp, hỏng hóc gây lãng phí lớn. Không chỉ vậy, nó còn khiến nhiều điểm trông giữ bị quá tải. Người ta thường đổ lỗi chuyện này cho luật, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể xử lý được ngay nếu các Bộ, ngành liên quan thật sự vào cuộc.
Trong đó, cần thực hiện quyết liệt một số vấn đề, như phương tiện bị thu giữ quá thời hạn quy định thì có quyền bán đấu giá để sung công. Tiếp đến, điều kiện để nhận lại xe vi phạm cũng phải “co giãn” hơn, không nên quá cứng nhắc, phụ thuộc vào luật. Hơn nữa, nếu mức phạt với tổng số tiền lớn hơn giá trị thực của chiếc xe, chắc chắn chủ xe sẽ bỏ phương tiện không chịu đến nhận...
Tình trạng nêu trên không chỉ diễn ra tại Hà Nội mà còn diễn ra ở nhiều tỉnh, TP trên cả nước. Tại TP Đà Nẵng, số lượng xe quá hạn xử lý vi phạm nằm tại các điểm trông giữ xe khá lớn, nhiều xe đã trông giữ lâu ngày nhưng các chủ phương tiện không đến nhận khiến tình trạng quá tải đang ngày càng tăng.
Tại TP HCM, mặc dù các điểm trông giữ xe được đầu tư kỹ lưỡng, các phương tiện được xếp dựng theo hàng lối và có mái che nhưng sức chứa của các điểm này chỉ khoảng 900 đến 1.000 chiếc xe. Trong khi đó, việc thu phí trông giữ xe lại không được bảo đảm, khiến tình trạng các phương tiện giao thông bị xếp chồng chất, để mặc mưa nắng gây hư hại tài sản ngày một tăng.
Có thể thấy, bên cạnh những quy định của pháp luật, điều người dân trông chờ đó là sự xử lý hài hòa giữa người thực hiện chính sách với các chủ phương tiện. Trong đó, phải thông báo cho chủ phương tiện nắm được đầy đủ thông tin về quá trình xử lý phương tiện của mình. Nếu không đến làm các thủ tục nhận lại phương tiện, có thể tiến hành bán đấu giá, tránh trường hợp tài sản để lâu ngày, bị tồn đọng, gây hư hỏng, lãng phí như hiện nay.