“Đau đầu” vấn nạn nhái thương hiệu các doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực trạng các doanh nghiệp lớn bị nhái hoặc mạo danh thương hiệu đang là vấn nạn nhức nhối trên thị trường, đặc biệt là trong ngành bất động sản (BĐS). Việc phối hợp cùng các cơ quan hữu quan kiên quyết xử lý hành vi vi phạm sẽ giúp doanh nghiệp chủ động bảo vệ uy tín thương hiệu, đồng thời là động thái cảnh báo khách hàng trước nguy cơ dính “bẫy” lừa đảo từ việc lợi dụng uy tín các doanh nghiệp BĐS lớn.
Vụ việc Đất Xanh Long An bị khởi kiện đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thương hiệu Tập đoàn Đất Xanh.
Vụ việc Đất Xanh Long An bị khởi kiện đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thương hiệu Tập đoàn Đất Xanh.

Dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh

Tháng 4/2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) cho biết đơn vị này đã có đơn khởi kiện Công ty TNHH MTV Xây dựng phát triển địa ốc Đất Xanh Bình Phước đến TAND tỉnh Bình Phước về việc mạo danh, lợi dụng thương hiệu Đất Xanh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, DXG cũng đã khởi kiện Công ty TNHH MTV Bất động sản Đất Xanh Long An khi mạo danh công ty, thực hiện dự án xây dựng trái phép và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Đại diện Tập đoàn khẳng định dự án Đất Xanh Long An không có sự liên quan nào đến hệ thống thương hiệu. Doanh nghiệp này không hề có sự liên quan nào đến pháp nhân Đất Xanh Long An hay các đối tượng trong vụ việc lừa đảo đang bị truy tìm.

Theo DXG, hai doanh nghiệp trên đã vi phạm nghiêm trọng việc sử dụng tên thương mại "Đất Xanh" mà Tập đoàn đã đăng ký, sử dụng trong cùng lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh. Hành vi cố tình đặt tên gây nhầm lẫn thương hiệu là dấu hiệu của sự cạnh tranh không lành mạnh, không những vậy, việc các doanh nghiệp trên bị phản ánh có hành vi cung cấp dịch vụ kém chất lượng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Tập đoàn Đất Xanh.

Không chỉ DXG, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản như Phú Mỹ Hưng, Him Lam, Hưng Thịnh, Nam Long cũng từng ít nhất một lần lên tiếng “kêu cứu” vì là nạn nhân của những chiêu trò này. Với việc thường xuyên đăng tải và sử dụng thông tin, hình ảnh của các thương hiệu bất động sản uy tín trên các ấn phẩm quảng cáo và phương tiện thông tin đại chúng, những doanh nghiệp này đã thành công trong việc thu hút sự chú ý, đánh trúng tâm lý tin tưởng vào thương hiệu uy tín của khách hàng nên đã dễ dàng “xuống tiền” và sập bẫy.

Chế tài nghiêm để bảo vệ doanh nghiệp và khách hàng

Trở lại với hành vi mượn danh thương hiệu, Quý 3/2018, CT CP ĐT Nam Long (Công ty Nam Long) cũng từng phát thông cáo "kêu cứu" vì bị CT CP ĐT phát triển Nam Long Real (Nam Long Real) sử dụng trái phép và xâm phạm quyền sở hữu với nhãn hiệu "Nam Long" đã được bảo hộ độc quyền. Sau quá trình thanh kiểm tra Nam Long Real, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng thuộc Bộ Công an đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam. Nam Long Real bị phạt 20 triệu đồng và bị buộc chấm dứt sử dụng, loại bỏ yếu tố "Nam Long" hay "Namlong" trên tất cả phương tiện kinh doanh, các biển hiệu, giấy tờ giao dịch mà đơn vị này đang sử dụng trái phép.

Việc mạo danh doanh nghiệp khác là vi phạm Luật Cạnh tranh (2018). Đồng thời, việc mạo danh doanh nghiệp BĐS còn có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự (2015 sửa đổi bổ sung 2017).

Theo luật sư Ngô Quốc Viết Thanh – văn phòng luật sư Ngô Viết: "Để quản trị thương hiệu một cách hiệu quả, mỗi công ty cần sử dụng nhiều biện pháp linh hoạt, đầu tiên là thông báo và yêu cầu bên vi phạm đổi tên, gửi công văn đến Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Thương mại thông báo về sự trùng lắp thương hiệu”.

Doanh nghiệp cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho thương hiệu.

Doanh nghiệp cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho thương hiệu.

Để tránh bị mạo danh, nhái thương hiệu, các doanh nghiệp bất động sản cần đăng ký logo nhãn hiệu, thương hiệu cho chuỗi sản phẩm của mình với Cục sở hữu trí tuệ. Đồng thời, người tiêu dùng cần tiếp cận với các thông tin qua các nguồn chính thống, đặc biệt từ chối nộp tạm ứng tiền tiền hay đặt cọc khi chưa nắm hết thông tin về sản phẩm bất động sản muốn mua.

Các doanh nghiệp bất động sản khi phát hiện bị mạo danh bất hợp pháp để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản… thì cần phải trình báo sự việc đến cơ quan chức năng để thanh tra, điều tra xác minh, làm rõ trách nhiệm xử lý theo pháp luật.

Đồng thời thực hiện ngay việc lập vi bằng, yêu cầu cá nhân và tổ chức đó đăng tin cải chính. Ngoài ra, ngay khi có đủ bằng chứng, doanh nghiệp cần khởi kiện ra toà, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin để công chúng và khách hàng biết cách phòng tránh. Việc khởi kiện là động thái cứng rắn cần thiết nhằm ngăn chặn kịp thời và đề phòng các doanh nghiệp "nhái" thương hiệu có hành vi lừa dối khách hàng, lừa đảo người mua, gây mất uy tín của doanh nghiệp.

Đọc thêm