Nỗi oan sai và hành trình đi tìm công lý
Theo tìm hiểu, cuối năm học 1987-1988, bất ngờ ông Hoàng Lâm Thanh nhận được giấy báo của Phòng Giáo dục Ba Bể gọi lên làm kiểm điểm. Và ngày 2/8/1988, ông nhận được quyết định kỷ luật của Chủ tịch UBND huyện Ba Bể thời bấy giờ là ông Cà Xuân Lỵ cho thôi việc vì đã mắc các khuyết điểm:
Chống quyết định phân công công tác của nhà trường và điều động coi thi của UBND Huyện; Vi phạm quy chế chuyên môn, không hoàn thành chương trình. Quyết định còn nêu rõ ông bị buộc phải bị thu hồi 3 tháng lương 3, 4, 5 và được hưởng 5 tháng lương, kể cả phụ cấp và 6 tháng lương thực kể từ ngày 1/8/1988. Quá bất ngờ trước án kỷ luật trên trời rơi xuống, ông Thanh quyết tâm kháng án.
Cũng theo ông Thanh, thời điểm đó án kỷ luật không hề thông qua Ban giám hiệu nhà trường, không hề có cuộc họp liên quan nào và ngay như cá nhân ông cũng không rõ tại sao ông lại bị kỷ luật. Ông Hoàng Lâm Thanh cho biết: Năm học 1986 - 1987, là thời điểm thay sách giáo khoa cải cách giáo dục vì vậy Phòng Giáo dục và trường THCS Khang Ninh cũng như hầu hết các trường trên địa bàn chưa kịp đưa sách về cho giáo viên giảng dạy.
Trước tình cảnh này, rất nhiều lần, ông Hoàng Lâm Thanh đã phản ánh và đề nghị được trang bị sách cho thầy trò khi học bộ môn này. Ngày 30/4 ông mới nhận được sách. Và nhà trường không hề có kế hoạch cho ông dạy hoàn thành chương trình môn hình học vì vậy ảnh hưởng tiến độ chương trình. Hè năm ấy, ông có quyết định đi coi thi, nhà trường cử giáo viên khác dạy thay cho ông.
Bị đau nhức răng, ông Thanh viết giấy xin nghỉ, thì Trưởng phòng Giáo dục Hoàng Kim Xảo viết giấy gọi, đề nghị giải trình lý do không đi coi thi. Khi biết ông đau răng thật, ông Xảo yêu cầu ông vào Bệnh viện Huyện khám và lấy giấy của bệnh viện để báo cáo lên Chủ tịch huyện.
Ông Thanh cho biết, một nguyên nhân khác khiến ông bị áp lên tội “chống lệnh cấp trên” bởi lẽ: Hè năm 1986, cụ thân sinh ông bị ốm rất nặng, nhà neo người nên ông xin ở nhà chăm sóc bố. Trước tình cảnh này, trưởng phòng Xảo không chấp nhận, kiên quyết bắt ông phải đi. Và, chỉ sau ít ngày khi ông Thanh đi học hè trên Sở, ông cụ đã mất. Ông Thanh không thể ở bên cha trong phút cha lâm chung.
Nỗi oan được hóa giải
Trở lại câu chuyện “bỗng dưng” nhận án kỷ luật của ông Thanh, thấu hiểu được nối oan sai ấy, UBND và Sở GD&ĐT Bắc Kạn đã cùng các ban ngành bắt tay vào cuộc. Ngày 7/9/2001, Sở GD&ĐT Bắc Kạn có công văn số 665/TC-ĐT về việc giải quyết chế độ cho ông Hoàng Lâm Thanh, Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh Bắc Kạn ra quyết định hủy nội dung kỷ luật số 295/QĐ-TC ngày 2/8/1988 về việc kỷ luật ông Hoàng Lâm Thanh do Chủ tịch UBND huyện Ba Bể ký.
Ngày 22/1/2002, UBND tỉnh Bắc Kạn ra QĐ số 58/QĐ-UB về việc hủy bỏ quyết định số 295/UB-QQĐTC do Phó Chủ tịch Nông Văn Lệnh ký, vì quyết định này ban hành trái với điều lệ về kỷ luật lao động. Ngày 27/02/2008, sau 6 năm, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Hà Đức Toại đã ra Quyết định số 318/UB/QĐ-TC về việc giải quyết chế độ bảo hiểm đối với ông Hoàng Lâm Thanh.
Quyết định của Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn Hà Đức Toại, có nêu rõ: Hình thức buộc thôi việc đối với ông Hoàng Lâm Thanh là không còn có giá trị. Việc giải quyết chế độ cho ông Hoàng Lâm Thanh thuộc trách nhiệm của UBND huyện Ba Bể, yêu cầu UBND huyện khẩn trương chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc trong quý 2/2008.
Sở Lao động Thương binh và xã hội có trách nhiệm hướng dẫn huyện Ba Bể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết chế độ cho ông Hoàng Lâm Thanh theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vụ việc của ông Hoàng Lâm Thanh vẫn chưa giải quyết thấu đáo. Chẳng hạn, công tác “giải oan” dù đã xong nhưng ai sẽ là người giải quyết hậu quả, đền bù trách nhiệm, bồi thường thiệt hại về uy tín và vật chất, chế độ mà ông Thanh lẽ ra được hưởng trong những năm ông bị nghỉ thôi việc? Ngoài ra, cho đến nay, nhà giáo Hoàng Lâm Thanh vẫn chưa được hưởng bất kỳ chế độ hưu trí nào, dù hồ sơ đã hoàn thành từ năm 2001.
Bao giờ mới có chế độ?
Đã mang nỗi buồn và thất vọng sắp đi qua 1/3 thế kỷ, đồng nghiệp người còn người mất nhưng trong ký ức những người còn biết đến vụ việc cách đây 28 năm họ đều bất bình vì cách ứng xử thiếu tình người ngày đó.
Để tìm hiểu rõ ràng vụ việc, vừa qua chúng tôi đã tới gặp các Phòng chức năng của huyện Ba Bể. Trưởng phòng Giáo dục Ba Bể Phạm Đức Thắng cho biết: sự việc này ông đã nghe nói tới. Tuy nhiên, do thời gian xảy ra đã lâu nên hồ sơ không rõ ai giữ.
Tiếp tục tìm gặp Trưởng phòng nội vụ Chung Ngọc Mẫn, ông Mẫn cũng không nắm được hiện hồ sơ liên quan đến thầy giáo Thanh ở đâu. Tuy nhiên, theo tìm hiểu từ phía ông Thanh, cá nhân ông đã hoàn tất toàn bộ giấy tờ để nộp cho Phòng Giáo dục Ba Bể để đơn vị này có trách nhiệm làm chế độ cho ông từ năm 2002.
Phó Trưởng phòng bảo hiểm xã hội cho biết, luôn sẵn sàng ủng hộ ông Thanh vì vụ việc này, bên ông đã nắm được. Nhưng chưa thấy Phòng ban nào gửi hồ sơ đến để bên ông hướng dẫn giải quyết giúp ông Thanh.
Bệnh tật, vất vả, âu lo, thất vọng... nhà giáo năm nào giờ mệt mỏi, đôi mắt bàng bạc nhìn không rõ nhưng ông bảo, cá nhân ông sẽ đi đến cùng với trình hành đòi quyền lợi này. Sau 28 năm bị kỷ luật oan sai, sau 14 năm có quyết định của tỉnh hủy bỏ án kỷ luật sai của UBND huyện, sự việc rõ như ban ngày như vậy, không hiểu vì sao nhà giáo Hoàng Lâm Thanh vẫn chưa được giải quyết chế độ?
Dư luận đang trông chờ vào cách giải quyết dứt điểm, nhanh chóng hợp tình hợp lý nhất của các ban ngành, đặc biệt là của UBND TP. Bắc Kạn, UBND huyện Ba Bể... trong thời gian sớm nhất trả lời trước công luận.
Nhà giáo Hoàng Lâm Thanh, sinh năm 1943, giáo viên Toán, dân tộc Tày, đã có 25 năm công tác giảng dạy tại các tỉnh miền núi (Cao Bằng, Bắc Kạn). Ông đã có 6 năm kiêm nhiệm Bí thư đoàn trường (1964-1970); 9 năm làm Hiệu trưởng ở các trường: Phổ thông Cơ sở Khang Ninh, Địa Linh, Nam Mẫu (Bắc Kạn).
Năm 1986, 1987, ông còn được trường Khang Ninh cử đi làm Trưởng đoàn kiểm tra trường bạn và Chủ tịch Hội đồng thi. Dù ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành tốt công việc được giao, được đồng nghiệp và nhân dân địa phương quý mến, tin cậy.