Đau mắt vì xem quảng cáo trong phim Việt

(PLO) - Chuyện cài cắm quảng cáo, thương hiệu nhà tài trợ vào phim đã không còn là chuyện xa lạ. Càng phim "bom tấn" càng xuất hiện nhiều thương hiệu. Tuy nhiên việc cài cắm quảng cáo trong phim Việt  lại chưa thực sự khéo léo. 
Phim “Con ma nhà họ Vương” bị chê cài quảng cáo không tinh tế và
không mang lại hiệu ứng về doanh số cho nhà tài trợ.
Phim “Con ma nhà họ Vương” bị chê cài quảng cáo không tinh tế và không mang lại hiệu ứng về doanh số cho nhà tài trợ.

Điện ảnh nước ngoài đã giúp ngành kinh doanh như thế nào?

Thật ra nói điện ảnh giúp ngành kinh doanh thì hơi thiên vị bởi đó là sự phối hợp hai bên cùng có lợi. Hình thức tài trợ là khi nhãn hàng chi trả một số tiền cho nhà sản xuất phim để quảng bá, bằng cách lồng ghép các sản phẩm vào nội dung phim. 

Nhà sản xuất phim và nhãn hàng đó đều có lợi: nhà sản xuất phim có thêm kinh phí để sản xuất phim, còn sản phẩm được người xem truyền hình biết đến nhiều hơn. Các nhà sản xuất đã nhìn thấy tiềm năng vô cùng lớn của lĩnh vực này, nhất là khi khán giả đã nhàm chán với kiểu quảng cáo bằng các spot TVC trên màn ảnh nhỏ. 

Quảng cáo là yếu tố kích cầu cho sản xuất phim nói chung và phim truyền hình nói riêng. Từ lâu khán giả ở ta đã quen với việc phim nước ngoài (Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc...) tràn ngập hình thức quảng cáo sản phẩm trên phim, song họ đưa vào rất khéo, rất chuyên nghiệp, không lộ liễu, không phô trương và hòa rất nhuyễn vào nội dung phim.

Nếu nhắc tới ví dụ, xin phép không nói xa xôi gì tới kinh đô điện ảnh Hollywood, chúng ta nhìn ngay đến điện ảnh Trung - Hàn, hai đất nước cùng châu lục. Họ đang làm rất tốt điều này và chúng ta cần học hỏi.

Các doanh nghiệp ở đó họ sẵn sàng chi tiền để gọi là “tài trợ” cho một bộ phim sắp bấm máy. Nhưng sau chữ tài trợ ấy, mọi người cũng đều ngấm ngầm hiểu rằng: “Tôi bỏ tiền để các bạn có phim, vậy hãy quảng cáo sản phẩm của tôi đi”. Chưa kể đến, đâu phải ai muốn tài trợ là được tài trợ đâu, với những bộ phim có dàn sao hạng A tham gia thì lúc đó quyền lựa chọn thuộc về nhà sản xuất.

Lấy một ví dụ về một bộ phim đang rất “hot” hiện nay đó là “Hậu duệ mặt trời”. Dám cá một cách chắc chắn là đã có rất nhiều doanh nghiệp phải “đặt lịch” từ rất lâu mới mong được làm nhà tài trợ cho tác phẩm điện ảnh đang “làm mưa làm gió” này.

Từ điện thoại Samsung Galaxy s6, kem chống nắng, giày thể thao, áo sơ mi, trang sức, son môi... xuất hiện trong bộ phim đều trở thành mặt hàng “hot” không chỉ ở Hàn Quốc mà còn lan sang cả Nhật Bản, Trung Quốc... và dĩ nhiên có cả Việt Nam. Các thương hiệu liên tục “cháy” hàng, và trước khi bộ phim kết thúc có lẽ họ sẽ nhận lại được những gì xứng đáng từ khoản đầu tư đã bỏ ra trước đó của mình. 

Một cảnh phim có lồng quảng cáo mỹ phẩm trong "Hậu duệ mặt trời
Một cảnh phim có lồng quảng cáo mỹ phẩm trong "Hậu duệ mặt trời

Xa hơn nữa kể đến tác phẩm điện ảnh của Trung Quốc có tên “Bên nhau trọn đời” và “Sam Sam đến đây rồi”. Hai bộ phim đã có quảng cáo rất tế nhị và cũng rất quyết liệt cho dòng nước uống Rio.

Ngay lập tức Rio nổi tiếng tương đương với bộ phim, phủ sóng sản phẩm toàn châu Á. Doanh nghiệp đầu tư thu lại một khoản tiền khổng lồ và “yên tâm” kinh doanh ngay cả khi bộ phim kết thúc. Nói người mới ngẫm đến ta, liệu xưa nay điện ảnh Việt Nam đã làm tốt hình thức lồng ghép này hay chưa? Câu trả lời chắc ai cũng rõ. Bởi “tài trợ” điện ảnh chỉ làm thôi chưa đủ mà còn phải làm sao cho chuyên nghiệp.

Xem phim hay xem quảng cáo?

Ở Việt Nam, hình thức tài trợ để lồng ghép đã có nhưng dường như còn khá mờ nhạt và chưa mang lại hiệu quả cao. Bằng chứng là không có sản phẩm nào “nổi như cồn” nhờ quảng cáo thông qua phim, thậm chí có phim còn làm cho sản phẩm bị ghét lây vì xuất hiện quá vô duyên và không có tí liên quan gì đến bộ phim cả. 

Trong phim điện ảnh “12 chòm sao: Vẽ đường cho hươu chạy”, nhân vật nữ trong phim nói với cô bạn cùng phòng: “Sao không đi Grab taxi cho rẻ?”. Ở phân cảnh khác, một nhân vật nói với cô bạn mình: “Yên tâm, mình đã gọi Grab taxi rồi” và chìa chiếc điện thoại OPPO ra cho xem đã dùng ứng dụng để gọ Grab taxi. Nhiều khán giả khi xem xong phải ngao ngán thốt lên: “Đây là phim quảng cáo cho Grab taxi với OPPO à?” hay “Cắt đoạn phim này ra cũng làm thành clip quảng cáo được đấy”.

Một bộ phim điện ảnh khác là “Con ma nhà họ Vương” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng khiến khán giả “cáu tiết” khi đưa vào những phân đoạn quảng cáo lộ liễu cho các ứng dụng điện thoại và nhãn hàng tài trợ.

Tất cả lặp đi lặp lại theo kịch bản khiến nội dung phim trở nên nhạt nhẽo, rời rạc, giống… phim quảng cáo hơn là một tác phẩm điện ảnh mặc dù trước đó đạo diễn Vũ Ngọc Đãng từng tuyên bố: “Nhiều nhà tài trợ đòi hỏi quá quắt, có khi làm ảnh hưởng đến câu chuyện và nhân vật trong phim. Với những trường hợp này, tôi từ chối thẳng thừng”.

Thế mới nói, tiền tài trợ càng cao thì sức ép phải mang lại hiệu quả quảng cáo tốt đè nặng lên vai người làm phim. Đòi hỏi đạo diễn phải thật sự sáng tạo, phải thật tinh tế mới có thể vừa không khiến sản phẩm lộ liễu, chọc tức khán giả vừa mang lại doanh thu cho sản phẩm.

Có lẽ, trước mắt điện ảnh Việt Nam nên làm tốt vấn đề “cài” quảng cáo vào điện ảnh sao cho “nghệ thuật” và tinh tế. Rồi sau đó hãy hi vọng tới việc tạo ra làn sóng mạnh mẽ đối với việc “mua hàng sau khi xem phim” giống như điện ảnh nước ngoài đã, đang làm được.

Đọc thêm