Đầu năm trốn việc, vợ chồng chạm mặt "chốn ăn chơi"

Biết “thóp” các lãnh đạo cơ quan "mát tính" trong những ngày đầu năm, nhiều nhân viên công sở nghĩ ra nghìn lẻ một lý do trốn việc cơ quan để tiếp tục... du xuân. Và, không ít cặp vợ chồng "tròn mắt" khi gặp nhau ở "chốn chơi".

Hôm nay là rằm tháng giêng, có nghĩa không khí Tết, tinh thần Tết đã lùi xa được nửa tháng. Vậy mà, biết “thóp” các lãnh đạo cơ quan "mát tính" trong những ngày đầu năm, nhiều nhân viên công sở đã nghĩ ra nghìn lẻ một lý do trốn việc cơ quan để tiếp tục "du xuân". Và, không ít các cặp vợ chồng đã vô tình gặp nhau ở "chốn chơi", dù sáng ra đều chào nhau đi làm nghiêm chỉnh.

Tấp nập xe công trong ngày giỗ của Bà Chúa Kho (12 tháng Giêng, tức thứ hai, ngày 14/2/2011)

“Sao em lại ở đây?”

Sáng ra, trước lúc dắt xe đi làm, chị Hoa Thúy, nhân viên Công ty TNHH Xuất nhập khẩu đèn Nhất Sáng, còn kịp ca cẩm với chồng: “Cơ quan anh sướng thế, vẫn mải mê chùa chiền, chẳng bù cơ quan em đã làm, mệt chết đi được”. Nói thế, nhưng bước chân vào cơ quan, ngay lập tức chị Thúy và hội cùng phòng đã rủ rỉ với nhau bàn tính chuyện đi xem bói, giải hạn ở đâu hay, các thày phán thế nào. Lựa theo thái độ của sếp, họ bàn tính “điểm hẹn”. Nếu sếp “rắn”, họ sẽ đi trong ngày, còn nếu “mềm” thì họ sẽ xin nghỉ 2-3 ngày để đi xem bói và giải hạn tại các tỉnh xa.

Chị Hoa Thúy nói chắc như đinh đóng cột: “Đầu năm, “sống chết” thế nào cũng phải đi coi bói một chuyến để xem cả nhà vận hạn ra sao còn giải chứ. Phòng mình có sáu người thì có tới năm là phụ nữ rồi nên chuyện đi xem bói đầu năm là... tất nhiên”.

Rất nhiều “điểm hẹn” được chị em phòng chị Thúy tính đến như “thầy” ở Hà Đông, “cậu” ở Hòa Bình, “thánh” ở Bắc Ninh, hay xa hơn thì “thần” ở Thanh Hóa, “ngài” ở Nghệ An... Nơi nào, họ cũng cho rằng chuẩn xác và linh ứng.

Đã quyết nên rốt cuộc cả phòng cũng làm một chuyến xe đi xem bói đầu năm. Tại nhà “cậu” ở Hòa Bình, chị Thúy nghe “cậu” phán năm nay nhà chị sẽ có một đại tang và ba cái xui xẻo nên đâm ra hoang mang. Chị lo nghĩ đại tang có thể rơi vào mẹ chị bởi cụ đang ốm ở nhà, còn ba cái xui xẻo thì chị chưa biết: Có thể là con chị trượt đại học, có thể chồng sẽ trượt đi nước ngoài, có thể chị tai nạn...

Đang đứng thần mặt ra lo lắng, thì bỗng dưng, chị thấy ông chồng mình xuất hiện lù lù trước mặt với một câu hỏi đầy ngạc nhiên: “Sao em lại ở đây? Anh tưởng cơ quan em làm việc nghiêm chỉnh rồi mà”. Hóa ra ông chồng chị cũng vui chân theo đám bạn đồng nghiệp lên đây xem bói. Và, cũng là “cậu” nhưng lại phán với anh rằng năm nay gia đình anh chị sẽ có nhiều tin vui, có người đỗ đạt, đi nước ngoài, các cụ đôi bên còn khỏe mạnh dài dài.

Khi các ông chồng xả hơi sau Tết

Nếu các bà vợ có “thú vui” đi xem bói và giải hạn thì các đấng mày râu lại tự tạo cho mình “sân chơi” khác. Họ không nghỉ bán ngày hoặc dài ngày như chị em mà vẫn đi làm đều. Sáng họ có mặt công sở đúng giờ, điểm danh xong, ai vào phòng nấy. Có điều, họ vào phòng không phải làm việc mà để chơi bài. Cuốn sổ họ thường mang trong người được thay bằng 52 quân bài.

Nếu chỉ có hai, ba người? Không sao! Họ sẽ chơi “đầu đít” hoặc chơi “ba cây”. Đây là hai trong các trò đỏ đen “đánh nhanh, thắng nhanh, lại cơ động”.

Nhưng nếu nói về độ ham thì hầu hết các đấng mày râu đều chọn chơi “tá lả”, “binh”, “chắn”, poker hoặc “xì rách”. Họ nhấm nháy, hẹn hò nhau cho đủ người chơi. Bàn làm việc nhanh chóng được “ngả” ra thành chiếu bạc. Tất nhiên, để qua mắt các “sếp”, họ phải “cửa đóng, then cài” rồi mới yên tâm mà sát phạt.

Nếu ai không biết sẽ nghĩ họ làm việc cần mẫn, có khi “chong đèn” tới 6h-7h tối mới về. Anh Phạm Trí hứng chí: “Cả Tết đưa vợ con đi chúc Tết rã cả người, bây giờ mới có thời gian dành riêng cho mình. Có hôm mải chơi quá, quên cả việc đón con. Vợ gọi điện tới trách mắng thì tớ đã viện lý do đang bận làm. Đi “làm” thế này, vợ con, các sếp không kêu vào đâu được”.

Có đấng mày râu lại có thú vui nhậu nhoẹt. Những chai rượu ngoại, rượu nội còn dở dang ngày Tết đều được họ mang tới cơ quan tận dụng một cách triệt để. Chẳng cần cao lương, mỹ vị gì, chỉ cần chai rượu với vài cái nem sống, vài hạt lạc, vài gói thịt bò khô cũng đủ để họ “rôm rả” với “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Có nhiều vị lãnh đạo cơ quan biết chuyện, có khi được anh em mời khéo cũng tham dự “cuộc vui” này cho “khí thế” đầu năm.

Cần siết chặt kỷ cương lao động

Mỗi độ ra Giêng, vấn nạn người lao động nói chung và tầng lớp cán bộ, công chức, viên chức nói riêng trốn việc đi chơi hoặc có đi làm nhưng không đảm bảo kỷ cương lao động hành chính lại rộ lên và khiến người ta nhức nhối. Đây thực sự là một vấn đề gây nhức nhối trong dư luận bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng, hiệu quả của các hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh. Ở góc độ kinh tế, việc nhân công trốn việc hữu hình (không có mặt tại cơ quan) hoặc trốn việc vô hình (có mặt tại cơ quan nhưng không tham gia lao động sản xuất) gây ra những thất thoát và lãng phí lớn bởi họ không làm việc, không tạo ra các giá trị kinh tế nhưng vẫn được hưởng lương.

Chẳng thế mà mới đây, để đảm bảo kỷ cương hành chính sau Tết Nguyên đán, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo (ảnh) đã yêu cầu Sở Nội vụ tổ chức thanh tra công vụ, kiểm tra đột xuất kỷ luật hành chính, đặc biệt đối với các bộ phận giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp ở các cơ quan công quyền.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng nhấn mạnh người đứng đầu các Sở ban ngành, các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo, giám sát việc chấp hành kỷ và chịu trách nhiệm về kỷ cương hành chính tại đơn vị của mình quản lý.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu người đứng đầu các cơ quan đảm bảo đúng kế hoạch công tác, các dự án, công trình trọng điểm. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính; các trường hợp cá nhân, tập thể sử dụng xe công đi lễ hội, tổ chức đi lễ hội trong ngày làm việc bị nghiêm cấm và xử lý khi phát hiện.

Hy vọng động thái trên của Hà Nội sẽ được nhân rộng trên cả nước và trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Triêu Hà

Thùy Dương

Đọc thêm