Ở Việt Nam , nhiều tỉnh, thành phố có chính sách riêng để thu hút nhân tài. Nổi lên trong số đó là Đà Nẵng - một địa phương có những chế độ đãi ngộ hấp dẫn nhằm thu hút người tài trên cả nước đến với Đà Nẵng. Cụ thể, một trong những đãi ngộ ấy là sau khi tiếp nhận và phân bổ công tác, các GS sẽ được nhận tiền hỗ trợ một lần là 100 triệu đồng; PGS 70 triệu đồng; tiến sĩ 50 triệu đồng; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa 2: 30 triệu đồng; thạc sĩ, bác sĩ nội trú: 15 triệu đồng; tốt nghiệp ĐH loại giỏi, xuất sắc 10 triệu đồng. Nhờ chính sách ưu đãi này, Đà Nẵng đã tuyển dụng được khá nhiều người tài đến làm việc.
|
Hình ảnh về sự kiện GS Ngô Bảo Châu trên lịch do Công ty Tinh Vân thiết kế |
Nguyễn Kiều Hiếu, học sinh đoạt Huy chương Bạc cuộc thi Olympic Toán quốc tế của THPT chuyên Lê Quý Đôn đã từ chối học bổng du học nước ngoài mà Đà Nẵng trao tặng vì trong các lựa chọn mà thành phố đưa ra, không có lựa chọn nào dành cho niềm đam mê của Hiếu.
Và cũng nhân sự kiện GS Ngô Bảo Châu, một tờ báo dẫn rằng lương của một giáo sư cao cấp dạy ở những trường đại học danh tiếng tại Mỹ dao động 137.000 - 322.000 USD/năm. Có nghĩa là với tài năng của GS Ngô Bảo Châu nếu làm việc ở nước ngoài sẽ nhận được thù lao cao. Trong khi đó ở Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, hàng năm vào dịp hè GS Ngô Bảo Châu đều về nước làm việc, giảng dạy cho sinh viên toán học đến từ khắp các trường ĐH trong nước và được nhận mức lương cao nhất do Viện Toán học trả là 5 triệu đồng/tháng - số tiền không bằng 1 ngày làm việc ở nước ngoài.
Điều đó càng chứng mình một điều: GS Ngô Bảo Châu cũng như nhiều người làm khoa học chân chính khác, họ làm việc vì niềm đam mê, chứ không phải vì... tiền. Tuy nhiên, nhiều người trong cuộc cũng cho rằng, nếu anh học xong phổ thông, tiếp tục với các trường ĐH trong nước, thì giỏi lắm cũng chỉ là một anh giáo sư đại học hàng ngày lên lớp dạy mà thôi, có làm nghiên cứu thì trình độ cũng chung chung. Cái phóng anh lên cao là thời kỳ được đào tạo và môi trường làm việc sau đó ở nước ngoài.
Dù rằng, để đưa ra một sự so sánh là khập khiễng khi châu Âu từ thế kỷ XV, thậm chí trước đó có những nhà bác học lớn. Trong khi nước ta, đến bây giờ vấn đề xóa mù chữ vẫn còn được đặt ra. Ngành giáo dục dù có nhiều kỳ vọng, mục tiêu. Nhưng muốn nói gì thì nói, chúng ta vẫn phải nhìn vào thực tế và không thể nóng vội. Điều quan trọng là cần coi trọng người có tài năng thật sự và những chế độ đãi ngộ phải thỏa đáng, minh bạch, không chỉ với những nhà khoa học, mà còn là những nhân tài ở nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Miên Thảo