Đấu tranh với việc lạm dụng rượu, bia từ góc nhìn pháp y

(PLVN) - Trong hoạt động đấu tranh với việc lạm dụng rượu, bia dẫn tới các hành vi pháp luật luôn đòi hỏi những quy định rõ ràng, giúp xử đúng người và đúng tội. Tuy nhiên, thực tế quá trình thực thi hoạt động giám định pháp y luôn phát sinh những vấn đề khiếm giám định viên phải đau đầu nghiên cứu, lý giải và câu chuyện về “cồn nội sinh” là một ví dụ.
Giám định viên Trung tâm PYHN trong hoạt động giám định sinh hóa. (Nguồn ảnh: TTPYHN)
Giám định viên Trung tâm PYHN trong hoạt động giám định sinh hóa. (Nguồn ảnh: TTPYHN)

Khái niệm không mới nhưng khó hiểu

Cồn (ethanol) là một sản phẩm chuyển hóa được sinh ra trong cơ thể hàng ngày, ngay cả với người không uống rượu, bia. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết điều này và dưới góc nhìn của bác sĩ, giám định viên pháp y, khái niệm “cồn nội sinh” cũng làm phát sinh nhiều vấn đề trong quá trình thực thi hoạt động giám định pháp y.

Theo khoa học, ethanol là sản phẩm của quá trình lên men các nguồn carbohydrate trong tự nhiên như lúa, ngô, khoai, sắn… Khi tiêu thụ thực phẩm có tỷ lệ lớn carbohydrate (giàu carb) thì khả năng chuyển hóa thành ethanol sau khi hấp thụ vào cơ thể cao.

Trong bài viết “Không uống rượu, bia vì sao vẫn có thể phát hiện nồng độ cồn?” đăng trên truyền thông vào tháng 8/2022, TS. Bùi Lê Minh - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, cồn hay nói chính xác hơn là ethanol là một sản phẩm chuyển hóa được sinh ra trong cơ thể hàng ngày, ngay cả với người không uống rượu, bia. Việc này được thực hiện chủ yếu do hệ vi sinh đường ruột, với sự tham gia của nhiều loại vi sinh vật, thường có vai trò quan trọng của các loại nấm men.

“Việc cơ thể sinh ra ethanol tuần hoàn trong máu là rất bình thường, một ngày cơ thể có thể sinh ra 0 - 20g ethanol tùy thuộc nhiều yếu tố như nguồn dinh dưỡng (thực phẩm), khả năng hấp thụ, tốc độ chuyển hóa, tốc độ phân hủy, đào thải ethanol và tình trạng bệnh lý. Với những người tiêu thụ thường xuyên thực phẩm giàu carb, enzyme phân hủy ethanol bị khiếm khuyết thì rất dễ tăng nồng độ cồn trong máu sau khi ăn và ngược lại, những người tiêu thụ thực phẩm nghèo carb, enzyme phân hủy ethanol hoạt động tốt thì có thể khó phát hiện ra nồng độ cồn trong máu nếu không tiêu thụ rượu, bia”, TS Minh cho biết.

Trong hoạt động giám định pháp y, theo bác sĩ, giám định viên Trịnh Xuân Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y Hà Nội (Trung tâm PYHN), cồn (ethanol) là chất thường được yêu cầu định lượng trong các mẫu sinh học cả trong các trường hợp lâm sàng cũng như trong các trường hợp giải phẫu tử thi. Câu hỏi thường được đặt ra cho các giám định viên là xác định nồng độ ethanol trong mẫu sinh phẩm và có do sử dụng rượu, bia không.

“Với các nồng độ ethanol trong máu cao hẳn, câu trả lời khá dễ dàng. Nếu nồng độ ethanol trong máu không cao, thậm chí rất thấp, thật không dễ tìm câu trả lời. Tìm đọc trong y văn, dựa vào hàng ngàn nghiên cứu đã hoặc đang được tiến hành, rất mong tìm được câu trả lời cho vấn đề trên. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, các bằng chứng xác thực cho vấn đề ethanol nội sinh cũng như “hội chứng nhà máy rượu tự động” trong cơ thể vẫn chưa có đầy đủ. Trong bối cảnh đó, việc đấu tranh với lạm dụng rượu, bia phòng tránh những tai nạn thương tâm trong xã hội lại đòi hỏi những quy định rõ ràng, giúp xử đúng người và đúng tội”, ông Hà cho biết.

Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm PYHN Trịnh Xuân Hà, Trung tâm PYHN trong quá trình làm việc đã từng gặp không ít những vụ việc giám định liên quan đến vấn đề cồn nội sinh. Đơn cử như vụ nạn nhân LVT tử vong, theo biên bản làm việc ngày 08/04/2021 giữa Trung tâm PYHN và Cơ quan CSĐT CATPHN thì theo kết luận nguyên nhân tử vong của nạn nhân LVT cho thấy: ngạt cơ học, hậu quả của vật tày mềm chèn ép, xiết chặt vào vùng cổ; mẫu máu của nạn nhân giám định có Ethanol nồng độ 34,1mg/100ml máu. Để phục vụ cho quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT CATPHN muốn làm rõ nguồn gốc ethanol trong máu của nạn nhân LVT để biết liệu nguồn gốc ethanol trong máu của nạn nhân có phải nguyên nhân dẫn đến tử vong của nạn nhân không.

Theo biên bản làm việc ngày 08/04/2021, Trung tâm PYHN đã lý giải về nguồn gốc ethanol trong máu của nạn nhân LVT, theo đó nguồn gốc của ethanol có hai nguồn gốc bao gồm: nguồn gốc ngoại sinh (do nạn nhân trực tiếp dùng các đồ ăn, thức uống có ethanol, ví dụ như rượu, bia và một số thực phẩm có chứa cồn...); nguồn gốc nội sinh (do nạn nhân dùng một số thực phẩm lên men trong cơ thể sinh ra ethanol nội sinh). Trung tâm PYHN thông tin: “Trong trường hợp của nạn nhân LVT không thể phân biệt được nguồn gốc là do nội sinh hay ngoại sinh, có thể do nạn nhân dùng một số thực phẩm có nồng độ đường cao có thể dễ dàng lên men trong cơ thể hoặc có thể dùng một số thực phẩm đã lên men sẵn như dưa muối, cà muối... hoặc có thể nạn nhân sử dụng đồ ăn thức uống có nồng độ cồn. Kết luận lại, nguồn gốc ethanol có thể là do ngoại sinh, có thể do nội sinh hoặc kết hợp cả hai nguồn gốc trên”. Cũng theo Trung tâm PYHN, nồng độ ethanol trong máu của nạn nhân LVT (34,1mg/100ml máu) là nồng độ tương đối thấp, không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong của nạn nhân.

Ở một trường hợp giám định khác, ngày 23/05/2022, Trung tâm PYHN nhận được Công văn số 2271/YC-PC01-Đ3 ngày 22/05/2022 của Cơ quan CSĐT CATPHN về việc làm rõ nguyên nhân tử vong của nạn nhân NVK. Các dấu hiệu chính qua giám định cho thấy, nạn nhân NVK nhồi máu cơ tim cấp nội tâm mạc vùng tâm thất trái và cơ nhú trái; thiếu máu cơ tim; lao phổi, xẹp phế nang; mẫu máu của nạn nhân NVK giám định cho kết quả có ethanol nồng độ 113,0mg/100ml máu.

Tương tự như trường hợp trên, với các phân tích thì nguồn gốc ethanol trong máu của phạm nhân NVK có thể là do ngoại sinh, có thể do nội sinh hoặc kết hợp cả hai nguồn gốc trên. Nạn nhân NVK tử vong do nhồi máu cơ tim cấp nội tâm mạc vùng tâm thất trái và cơ nhú trái dẫn đến suy tuần hoàn cấp không hồi phục trên nạn nhân có xơ vữa và hẹp động mạch vành trái và lao phổi, xẹp phế nang. Như vậy, nguyên nhân tử vong của nạn nhân NVK là do bệnh lý. Nồng độ cồn trong máu của nạn nhân không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong.

Nồng độ cồn trong máu từ góc nhìn khoa học, pháp y

Nói về khả năng tạo ra ethanol trong cơ thể, ông Trịnh Xuân Hà cho biết, dù con đường hình thành ethanol nội sinh vẫn đang được nghiên cứu nhưng việc tồn tại một lượng ethanol thấp trong cơ thể người là có thật. Điều này dẫn đến một số nghiên cứu để ghi nhận nồng độ ethanol nội sinh trên quần thể dân cư nhất định. Ngoài ra, cũng có các nghiên cứu ghi nhận nồng độ ethanol nội sinh có thể cao hơn khi có các rối loại chuyển hóa như đái tháo đường, nhịn ăn, nhiễm trùng...

Cũng theo ông Trịnh Xuân Hà, để bảo đảm tính công minh, răn đe của pháp luật cũng như không bỏ lọt tội phạm, xử lý đúng người, đúng tội, các quốc gia đều xây dựng ngưỡng pháp lý về nồng độ ethanol trong máu. “Ở Việt Nam, trước 01/01/2020, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 Điều 260, Khoản 2, Mục b quy định hành vi tham gia giao thông “trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định phạt tù 03 năm đến 10 năm”. Mức quy định nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 Điều 8 Khoản 8 là 50mg/100ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở.

Ngoài ra, việc xác định nồng độ ethanol trong máu được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Quyết định 933/QĐ-BYT ngày 23/03/2010 của Bộ Y tế về việc ban hành quy định về đo nồng độ cồn (ethanol) trong máu áp dụng trong các bệnh viện; Quyết định 320/QĐ-BYT ngày 23/01/2014 của Bộ Y tế về hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Hóa sinh trong đó quy định về kỹ thuật định lượng ethanol trên máy xét nghiệm; Thông tư 47/2013/TT-BYT ban hành ngày 31/12/2013 về quy trình giám định ethanol trong máu trong pháp y; Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ...

Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực quy định tại Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm, Khoản 6 của điều luật này đã điều chỉnh mức nồng độ ethanol trong máu hoặc hơi thở xuống mức “per se” có nghĩa là hễ có ethanol trong máu hoặc hơi thở sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là vướng mắc cần phải được tháo gỡ càng sớm càng tốt nếu không muốn để nhiều hệ lụy cho xã hội”, theo ông Trịnh Xuân Hà.

Cũng về quan điểm này, TS. Bùi Lê Minh - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, đã có nhiều nghiên cứu xác định mức trung bình ethanol trong máu của một người không sử dụng đồ uống có cồn. Mức nồng độ này có phần khác nhau tùy thuộc nghiên cứu. Có thể thấp ở mức 0,04mg/100ml hoặc tới mức cao hơn là 1,2 - 6,7mg/100ml. “Mặc dù vẫn có thể tồn tại trong máu, nhưng những mức này thấp hơn nhiều nồng độ cồn trong máu của một người mới tiêu thụ rượu, bia (trên 30mg/100ml) hay ngưỡng quy định với người điều khiển giao thông (50mg/100ml)”, TS. Minh phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, thói quen của người Việt Nam là thường ăn sáng với thực phẩm giàu carb, nên hoàn toàn có thể ghi nhận nồng độ ethanol trong máu vào buổi sáng ở mức thấp. Các loại hoa quả có hàm lượng đường cao, khi chín quá đã có một lượng nhỏ ethanol, ví dụ như các loại nước quả ép có thể chứa tới 1% là ethanol. Ngoài ra, ethanol còn là một loại tá dược phổ biến trong điều chế thuốc, dùng làm dung môi để tách chiết các hợp chất tự nhiên từ dược liệu, nên trong các loại thuốc dạng dung dịch như sirô ho thì cũng rất dễ gặp ethanol... “Tuy nhiên, tất cả các con đường này cũng chỉ dẫn tới mức tăng rất nhỏ ethanol trong máu, hoặc thậm chí không phát hiện ra được và không gây tác hại gì”, theo TS Minh.

Đọc thêm