Không được bỏ qua những yếu tố nền tảng
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN-TN-NĐ Ngô Thị Minh, phát triển toàn diện trẻ em đóng vai trò quan trọng và đặt nền tảng cho sự phát triển thể chất, trí tuệ và cảm xúc của trẻ em, tạo nên những tiền đề cần thiết bảo đảm cho việc hòa nhập xã hội cũng như công bằng xã hội, giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.
Luật Trẻ em 2016 đã quy định Phát triển toàn diện của trẻ em là sự phát triển đồng thời cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ em. Việc xác định phát triển toàn diện trẻ em ở giai đoạn từ 0-8 tuổi là hết sức quan trọng, vì độ tuổi này được xác định như “giai đoạn vàng” quan trọng nhất của quá trình phát triển con người, trong giai đoạn này ở trẻ xuất hiện những khả năng mang tính nền tảng để phát triển năng lực cao hơn trong những giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là sự phát triển của não bộ.
Trong giai đoạn này trẻ cần được chăm sóc đầy đủ cả thể chất và tinh thần, bao gồm chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, vui chơi, sự tương tác với những người xung quanh, hướng dẫn rèn luyện các kỹ năng cần thiết… Nếu những yếu tố nền tảng đó bị bỏ qua hoặc không được nuôi dưỡng liên tục thì trẻ không được chuẩn bị tốt cho những bước phát triển về sau, ví dụ khả năng nghe nhìn, phát triển ngôn ngữ, nhận thức, ứng xử xã hội…
Cùng quan điểm này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tạ Văn Hạ cho rằng, đầu tư cho trẻ em ở giai đoạn này sẽ đạt được lợi ích kép, đó là chuẩn bị một nguồn nhân lực tốt cho tương lai của đất nước, đồng thời bảo đảm cho nguồn nhân lực hiện tại (bố, mẹ) của các em yên tâm công tác, cống hiến nhiều cho xã hội, góp phần làm tăng năng suất lao động, tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Hiện nay Chính phủ đang xây dựng dự thảo Đề án “phát triển toàn diện trẻ em” giai đoạn 2018-2025 cho đối tượng trẻ từ 0-8 tuổi. Theo đó, Đề án đưa ra cách tiếp cận toàn diện về chính sách và các chương trình hướng tới trẻ em khi còn trong bụng mẹ đến 8 tuổi, cha mẹ và người chăm sóc các em, nhấn mạnh các dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như dinh dưỡng, y tế, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nước sạch, vệ sinh môi trường cũng như làm rõ tầm quan trọng của các dịch vụ này đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Cần có chính sách riêng biệt cho trẻ em vùng dân tộc
Cho rằng dự thảo Báo cáo kết quả khảo sát về phát triển toàn diện trẻ em của nước ta chưa có chính sách riêng biệt dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, nhất là đối với trẻ em thuộc các hộ nghèo, các đại biểu đã đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để giải pháp tháo gỡ.
Theo đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, chính sách cho công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển toàn diện trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng cao, trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Xây dựng các chương trình dự án và các giải pháp can thiệp để cải thiện tình hình sức khỏe của trẻ em. Quan tâm bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện các chương trình, đề án và công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Trẻ em vùng dân tộc và trẻ em thuộc các hộ nghèo cần được ưu tiên để phát triển. Ảnh minh họa |
Chỉ đạo, ưu tiên lồng ghép chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em vào các chương trình phát triển kinh tế- xã hội khác, đặc biệt là chương tình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; cân đối ngân sách hỗ trợ bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ em đặc biệt 1.000 ngày đầu đời.
Cùng với đó, cần có chính sách để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi được tiếp cận với dịch vụ giáo dục mầm non có chất lượng, bảo đảm sự công bằng trong thụ hưởng dịch vụ giáo dục mầm non cho mọi trẻ em để sớm khắc phục sự chênh lệch về phát triển giáo dục mầm non giữa các vùng miền.
Ngoài ra, các địa phương cần có cơ chế phối hợp liên ngành trong thực hiện quyền trẻ em giữa các ngành, các cấp. Thúc đẩy thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tạo cơ hội cho nhiều trẻ em vùng cao, vùng dân tộc thiểu số và nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi có cơ hội tiếp cận với dịch vụ xã hội; có giải pháp nhằm bảo đảm xây dựng được đội ngũ nhà giáo vùng cao, dân tộc thiểu số đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu. Đa dạng hóa các loại hình giáo dục mầm non công lập, dân lập và tư thục...
Trước đó, ngày 10/10, tại buổi làm việc giữa Ủy ban VH-GD- TN- TN - NĐ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, tính đến cuối tháng 6/2018, dân số trẻ em của Việt Nam là gần 26,3 triệu trẻ, trong đó có hơn 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004). Tại nhiều địa phương, UBND các cấp đã có chuyển biến bước đầu trong quan tâm, chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác trẻ em, đặc biệt trong việc giải quyết các vấn đề và vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, đuối nước trẻ em.
Tuy nhiên, công tác chỉ đạo công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, do vậy việc phát hiện, hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ hoặc đã bị bạo lực, xâm hại tình dục cũng như rà soát, xử lý dứt điểm các vụ việc còn chưa kiên quyết, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, đội ngũ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã chậm được bố trí, giao việc theo quy định của Luật Trẻ em, hoặc có nhưng không ổn định, còn kiêm nhiệm nhiều việc và năng lực hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện các hoạt động và mục tiêu bảo vệ trẻ em, trong đó có hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, hiện nay mới chỉ có 590 người làm công tác trẻ em cấp xã, chiếm 5% số cấp xã toàn quốc. Không chỉ cấp xã, ở cấp huyện cũng còn 20% huyện chưa bố trí được cán bộ làm công tác trẻ em.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ LĐTB&XH kiến nghị Ủy ban VH-GD-TN-TN- NĐ tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Trẻ em và pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...Kiến nghị Quốc hội quyết định dành ngân sách trung ương và địa phương phù hợp hằng năm cho việc thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em; cho công tác bảo vệ trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng.../.