Đầu tư gần 4.000 tỷ đồng chống ùn tắc giao thông tại Đà Lạt

(PLVN) - Đề án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vừa được Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng công bố, kinh phí dự kiến là khoảng 3.793 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi công bố Đề án sáng 6/4, ông Trương Hữu Hiệp – Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng cho biết, trong các năm gần đây TP Đà Lạt xảy ra ùn tắc giao thông do lượng khách du lịch, phương tiện cá nhân tăng cao. Tỉnh Lâm Đồng đã triển khai rất nhiều biện pháp nhằm chống ùn tắc giao thông như: cải tạo nút giao thông, lắp đặt đèn tín hiệu, mở rộng một số tuyến đường, quy định đậu xe ngày chẵn lẻ, điều chỉnh giờ làm việc, học tập, tăng cường tuyên truyền xử lý vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị…nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn.

Nguyên nhân, theo Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng là do chưa có một phương án tổng thể, khoa học nên các giải pháp đưa ra chưa có sự liên kết chặt chẽ để phát huy ưu điểm, hạn chế được khuyết điểm.

Ông Trương Hữu Hiệp – Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng phát biểu tại buổi công bố Đề án.

Mục tiêu của Đề án đến năm 2025 là giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, nút giao thông trong các khung giờ cao điểm, dịp lễ, Tết. Đến năm 2035 không còn tình trạng ùn tắc giao thông, hoạt động giao thông an toàn, thông suốt và quản lý, khai thác theo hướng đồng bộ, hiện đại và linh hoạt.

Đề án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 là tổng thể 5 nhóm giải pháp chính: phát triển tích hợp đô thị, giao thông và du lịch; thay đổi đặc tính nhu cầu giao thông (về thời gian di chuyển, phương thức, tuyến đường và điểm đến); quản lý, vận hành hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải thông minh, linh động và hiệu quả; đảm bảo tài chính bền vững; hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước.

Cụ thể, Đề án hướng việc cải thiện năng lực hệ thống đường đô thị; phát triển giao thông công cộng, quy hoạch mô hình phát triển đô thị theo hướng giao thông cộng cộng (mô hình TOD). Cùng với đó là các giải pháp thay đổi đặc tính nhu cầu giao thông như quy hoạch quản lý đỗ xe cá nhân và các dự án thí điểm mô hình bãi đỗ xe trung chuyển, phát triển giao thông phi cơ giới (đi bộ, đi xe đạp điện…); nâng cấp cải tạo nút giao và tổ chức điều khiển đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao…

Dự kiến kinh phí thực hiện dự án khoảng 3.793 tỷ đồng, bao gồm 1.348 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước và 2.445 tỷ đồng nguồn vốn xã hội hoá.

Đề án sau khi hoàn thành đã được tổ chức lấy ý kiến của các sở ngành địa phương có liên quan, ý kiến phản biện của MTTQ và thẩm định để trình HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 153/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 và được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 140/QĐ-UBND ngày 18/01/2023.

Ông Phạm S phát biểu chỉ đạo tại buổi công bố Đề án.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở ngành bám sát, thực hiện theo nhiệm vụ theo phân công trong Đề án; đặc biệt bám sát đồ án quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận đã được Thủ tướng phê duyệt. Cùng với đó là Lâm Đồng đã phê duyệt 2 bãi đỗ khu vực ngã ba Đarahoa và đầu đèo Prenn, do đó cần quan tâm giải phóng mặt bằng, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn vốn.

Tại buổi làm việc, Sở cũng công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Bãi đậu xe kết hợp bến xe khu vực Ngã ba Đarahoa (huyện Lạc Dương) và Bãi đậu xe đầu đèo Prenn khu vực phường 3 (thành phố Đà Lạt) và xã Hiệp An (huyện Đức Trọng)"./.

Đọc thêm