Đầu tư Trung Quốc tại châu Âu - Bài học cho Đông Nam Á

(PLO) - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – ISEAS (Singapore) mới đây xuất bản tài liệu đánh giá về đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu và rút ra những bài học cho Đông Nam Á trong quá trình tiếp nhận đầu tư của Trung Quốc. 
Chính sách của Trung Quốc có ưu tiên hàng đầu là duy trì quan hệ đối tác với EU
Chính sách của Trung Quốc có ưu tiên hàng đầu là duy trì quan hệ đối tác với EU

Hợp tác đa phương thường là chìa khoá để thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng. EU công nhận những cải cách kinh tế mà Trung Quốc đã đạt được, nhưng nhận thấy vẫn có sự can thiệp của Chính phủ vào việc trợ giá xuất khẩu. Những mối lo ngại này là lý do tại sao EU vẫn ngần ngại trong việc coi Trung Quốc là nền kinh tế thị trường theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). 

Theo quan điểm của Trung Quốc, tăng trưởng xuất khẩu phản ánh rõ lợi thế so sánh của nước này, còn những nỗ lực của EU nhằm giảm sự xâm nhập của hàng hoá Trung Quốc vào thị trường châu Âu được coi là cách bóp méo sự vận hành của thị trường. Cả EU và Trung Quốc đều đi tìm lợi ích chung. 

Đối tác hay đối thủ?

EU coi Trung Quốc vừa là đối thủ và cũng là đối tác kinh tế.  Biến đổi khí hậu cũng là mối quan tâm chung và việc cùng ký Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu thể hiện rõ điều này. Các tuyên bố của chính quyền Tổng thống Donald Trump và việc Mỹ không còn cam kết ủng hộ tự do thương mại tại các hội nghị quốc tế cũng làm thay đổi cục diện. Trung Quốc mong muốn giữ vai trò đầu tàu trong vấn đề thương mại toàn cầu, và cả EU lẫn Trung Quốc đều có tham vọng giữ vững thể chế kinh tế toàn cầu hiện nay với tư cách là những siêu cường kinh tế. 

Trong tình hình chính trị hiện nay, EU phải thận trọng trong chính sách với Trung Quốc để tránh việc bị hiểu lầm là làm tăng sức mạnh cho Trung Quốc trong việc đối trọng với Mỹ. Liên quan đến vấn đề này, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mới chỉ can thiệp vào năm 2005, khi Mỹ gây áp lực đối với EU để yêu cầu không bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. 

Chính sách của Trung Quốc đối với EU có hai mục tiêu chính, ưu tiên hàng đầu là duy trì quan hệ đối tác với EU. EU tan rã có thể sẽ củng cố sức mạnh của Mỹ và Nga, theo quan điểm của Trung Quốc thì điều này là không có lợi. Sự phức tạp trong cách đưa ra quyết định của EU có thể làm khó Trung Quốc khi nước này thường quen cách làm của các nước ngoài khối EU. 

Tiếp cận các nước thành viên châu Âu

Cả Hy Lạp và Hungary đều nhận được những khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc. Năm 2008, Uỷ ban Châu Âu (EC) bắt đầu điều tra các cáo buộc cho rằng Trung Quốc bán phá giá thép vào thị trường châu Âu và kết luận vào năm 2013 với đủ bằng chứng để lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu cao hơn. 14 quốc gia thành viên phản đối kế hoạch này, trong đó có Anh. Thời điểm đó, nhà sản xuất thép lớn nhất ở Vương quốc Anh, Port Talbot Steelwork đặt tại xứ Wales đang phải vật lộn với nhiều khó khăn, khiến một số người cho rằng việc tăng thuế nhập khẩu cao hơn đáng lẽ có thể giúp giữ lại việc làm trong lĩnh vực này. Gần như cùng thời điểm đó, Chính phủ Anh cũng cố gắng thu hút đầu tư từ Trung Quốc, thể hiện qua việc Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Anh vào tháng 10/2015. 

Đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu vẫn còn thấp hơn nhiều so với Mỹ và các nhà đầu tư khác, tuy nhiên cục diện này đang thay đổi nhanh chóng, có thể Trung Quốc sẽ trở thành nhà đầu tư lớn trong vài năm tới. Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc (ODI) sang châu Âu đã đạt mức cao nhất vào năm 2015 với trị giá lên tới 20 tỷ euro, đưa giá trị vốn ODI ở châu Âu lên đến 54 tỷ USD. 

Các thương vụ sáp nhập ảnh hướng tới quyền sở hữu cũng đang tăng lên nhanh chóng. EU đang đứng số một về giá trị của các giao dịch M&A với Trung Quốc trong lĩnh vực chuyển giao vốn. Điều này cũng thu hút sự quan tâm rất lớn khi có nhiều lo ngại Trung Quốc có thể mua các doanh nghiệp có tầm quan trọng về chiến lược đối với châu Âu. Tại Đức, việc bán Kuka, một nhà sản xuất robot công nghiệp đã làm dấy lên quan ngại về việc chuyển giao công nghệ được coi là lợi thế cạnh tranh của Đức trong lĩnh vực này. Việc bán Aixtron, nhà sản xuất chip điện tử đã bị Chính phủ Đức đình chỉ vì lý do an ninh quốc gia. Tại Anh, Thủ tướng Theresa May vào mùa Hè năm 2016 đã tạm thời không cho phép nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C được nhận tài trợ từ Trung Quốc sau khi có cáo báo thương vụ này có thể ảnh hưởng tới an ninh năng lượng của Anh. 

Việc Trung Quốc mua lại cảng Piraeus của Hy Lạp vào tháng 9/2016 vẫn được coi là một giao dịch thuần kinh tế và thương mại vì có liên quan đến sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Tuy nhiên, thương vụ này có thể được bắt nguồn từ số lượng công dân Trung Quốc bị bắt tại các quốc gia Arập giáp biển Địa Trung Hải khi sự kiện “mùa Xuân Arập” nổ ra vào năm 2011. Chỉ riêng ở Libya, 38.000 công dân Trung Quốc đã được giải cứu. Đây được coi là việc chưa từng xảy ra với Trung Quốc. Thương vụ với Hy Lạp có thể đã bắn trúng hai mục tiêu: thương mại và an ninh quốc gia. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nêu rõ trong cuộc họp ngày 22-23/6/2017 của Hội đồng châu Âu về sự cần thiết phải sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài vào châu Âu để bảo vệ lợi ích chiến lược. Một số quốc gia được hưởng lợi từ các dự án đầu tư của Trung Quốc phản đối việc dùng các từ ngữ mạnh mẽ trong vấn đề này, dẫn tới việc EU cuối cùng đưa ra một nhận định khá chung chung. Theo đó, EC sẽ “tận dụng tối đa các lợi ích của toàn cầu hoá, phân tích đầu tư từ các nước thứ ba trong các ngành chiến lược, tôn trọng tối đa tính cạnh tranh của các nước thành viên”. 

Một trường hợp khác liên quan tới vấn đề thành viên của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đưa ra vào năm 2014. 17 thành viên của EU đã tham gia, nhưng lại không thông qua sự phối hợp của EU để thiết lập một quan điểm chung thường thấy trong các cuộc đàm phán quốc tế. Cũng không có bất kỳ một phân tích nghiêm túc nào về việc các tổ chức của EU như EC và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (European Investment Bank - EBI) hay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) nên có đại diện. 

Theo sáng kiến của Trung Quốc, một khuôn khổ cũng đã được thiết lập để thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc và 16 quốc gia Trung và Đông Âu, trong đó có 5 quốc gia không phải là thành viên của EU. Không rõ mục đích của Trung Quốc là gì và nước này dự định sử dụng diễn đàn này như thế nào nhưng có nhiều khả năng đây là kiểu ngoại giao truyền thống của Trung Quốc như sáng kiến Hợp tác Thượng Hải ở Trung Á, và có thể đây là một cách để tiếp tục sáng kiến BRI với việc thành lập quỹ đầu tư trị giá 11 tỷ USD. 

Bài học cho ASEAN

Với ASEAN, Trung Quốc là một nhà đầu tư quan trọng
Với ASEAN, Trung Quốc là một nhà đầu tư quan trọng


Đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu hiện nay vẫn còn hạn chế, tuy nhiên EU đang cảm thấy áp lực ngày càng lớn khi chưa rõ động cơ đằng sau các nguồn đầu tư này. Có một sự thật rõ ràng là Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh về kinh tế để thâu tóm doanh nghiệp và tài sản về mặt chiến lược, ảnh hưởng tới quá trình đưa ra quyết định của EU bằng việc khiến các nước thành viên nhỏ dựa vào các khoản đầu tư, gây chia rẽ các thành viên của EU. Cái khó của EU là làm sao giữ quan hệ tốt đẹp về mặt kinh tế với Trung Quốc mà không ảnh hướng tới an ninh chiến lược hay để cho Trung Quốc ảnh hưởng tới nội bộ chung của khối. 

Đối với ASEAN, Trung Quốc là một nhà đầu tư quan trọng hơn là EU. Từ năm 2013 đến năm 2015, tỷ lệ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào ASEAN đã tăng từ 5,1% lên 6,8%. Nếu tính cả Đặc khu kinh tế Hong Kong (Trung Quốc), con số này có thể lên đến 9,3% và 10,6%. Trung Quốc đang nhanh chóng thiết lập các khuôn khổ thể chế để tạo điều kiện cho dòng đầu tư nhiều hơn vào khu vực này. AIIB, BRI và Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) được hình thành bởi Nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) sẽ được sử dụng như các kênh đầu tư của Trung Quốc vào Đông Nam Á, bổ sung cho các sáng kiến của chính phủ các nước và khu vực tư nhân. 

Đông Nam Á đã quen với việc nhận được vốn FDI quy mô lớn, phần lớn từ EU, Mỹ và Nhật Bản, lên đến 40% năm 2015. Các dòng vốn này chưa bao giờ được xem là mối đe dọa tiềm ẩn cho lợi ích chiến lược hay phụ thuộc vào quan điểm của các nước này về mặt ngoại giao hay an ninh. Khoảng cách địa lý gần với Trung Quốc và quan hệ kinh tế với nước này cũng là những gánh nặng của các nước Đông Nam Á trong việc tiếp nhận đầu tư từ Trung Quốc. Song điều quan trọng là khu vực này nên hiểu rằng Trung Quốc cũng phải dựa vào các khoản đầu tư tại các quốc gia này - về cả mặt kinh tế và chính trị.

Đọc thêm