Đầu tư vào Quỹ phúc lợi giả mạo, người phụ nữ bị chiếm đoạt hơn 17 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một phụ nữ đã bị chiếm đoạt hơn 17 tỷ đồng sau khi đầu tư vào một quỹ phúc lợi giả mạo một tập đoàn lớn. Sự việc là lời cảnh báo cho nhiều người về tình trạng lừa đảo tinh vi, mạo danh các tập đoàn lớn để chiếm đoạt tài sản. Các cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra và khuyến cáo người dân cần thận trọng, kiểm tra kỹ thông tin trước khi tham gia các hoạt động đầu tư để tránh rơi vào bẫy của kẻ gian.

Cụ thể, theo Công an TP Hà Nội, ngày 22/8, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp nhận trình báo của chị T (trú tại Long Biên) về việc bị chiếm đoạt hơn 17 tỷ đồng khi tham gia đầu tư vào Quỹ phúc lợi giả mạo một Tập đoàn lớn.

Chị T cho biết được “người quen” trên mạng xã hội giới thiệu đầu tư vào một Quỹ phúc lợi của Tập đoàn lớn. Người này cung cấp cho chị đường dẫn website có logo, thông tin và hình ảnh thương hiệu giống của Tập đoàn này nên chị đã tin tưởng.

Theo lời của người quen Quỹ đầu tư có quy mô hàng nghìn tỷ đồng, cần đầu tư ngay, nếu đầu tư mức tối thiểu 2 triệu đồng, sau 15 phút sẽ hưởng ngay mức lợi nhuận 1,32%. Chị T đã chuyển khoản thử 2 triệu đồng và thu về lợi nhuận 1,32%.

Ngày hôm sau, chị chuyển 60 triệu đồng và hưởng lợi 3.12% sau khi tham gia 15 phút. Thấy số tiền giao dịch và tiền lãi được đẩy ngay về tài khoản của mình, chị T tiếp tục đầu tư 17,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi thực hiện lệnh rút tiền về tài khoản cá nhân thì hệ thống báo lỗi và không cho rút tiền. Các đối tượng liên tiếp yêu cầu chị chuyển thêm tiền với các lý do xác minh, bảo hiểm rủi ro,… Nghi ngờ mình bị lừa, chị T đã đến cơ quan Công an trình báo.

Để phòng tránh trường hợp bị lừa đảo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước những lời mời kết bạn trên mạng xã hội, cảnh giác với các cuộc gọi từ số điện thoại lạ, cân nhắc kỹ khi tham gia vào các nhóm đầu tư tài chính, lời mời kết bạn từ các đối tượng lạ trên các mạng xã hội.

"Cần xác minh danh tính của đối tượng như: họ tên, địa chỉ, người thân, số điện thoại công ty hoặc thậm chí gặp gỡ trực tiếp nếu có thể. Không nên vội vàng làm theo những yêu cầu, hướng dẫn của đối tượng. Đặc biệt, cảnh giác với những yêu cầu gửi tiền, đầu tư hoặc tham gia các giao dịch tài chính không rõ nguồn gốc. Không tham gia ứng dụng đầu tư tài chính, Sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính" - Công an TP Hà Nội nhấn mạnh.

Cũng theo cơ quan này, khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

Đọc thêm