Dạy con tránh xa cạm bẫy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Có không ít những trò lừa đảo, lôi kéo dụ dỗ đến từ trên mạng lẫn những người chung quanh nhắm đến những em nhỏ. Thay vì bảo bọc che chở con mọi lúc mọi nơi, cha mẹ cần giáo dục con nhận diện và tránh xa các cạm bẫy.
Cạm bẫy luôn chực chờ trẻ trên mạng xã hội
Cạm bẫy luôn chực chờ trẻ trên mạng xã hội

Những hiểm nguy đến từ chung quanh

Mới đây, gia đình chị Lưu Thị Bẽ, ngụ Bến Lức, Long An đang rơi vào hoảng sợ, lo lắng tốt cùng khi con trai tuổi mất tích. Theo trình báo của chị Bẽ, trước ngày mất tích, bé Châu Lưu Nhật Phát, 16 tuổi, con trai chị bỗng sử dụng một chiếc điện thoại mới, đắt tiền. Chị thấy ngạc nhiên nhưng vì bận công việc, chưa kịp hỏi con rõ ràng thì hôm sau, đi làm về, chị đã phát hiện cháu Phát mất tích.

Sau đó, Châu Lưu Nhật Phát nhắn tin vào số điện thoại mẹ, báo rằng bé hiện đang rời nhà để đi bán cafe ở thành phố. Theo lời Phát, một “người chú tốt bụng” mà Phát quen qua mạng đã tìm cho Phát công việc này với mức lương cao. Hiện, gia đình chị Bẽ đã báo với cơ quan công an địa phương, mong sớm tìm được con.

Thời gian qua, đã có không ít trường hợp tương tự xảy ra khi có một số thiếu niên bỗng nhiên “mất tích”, bỏ nhà ra đi khiến gia đình như ngồi trên đống lửa. Tháng 3/2022, công an tỉnh Quảng Nam đã giải cứu thành công một bé gái 16 tuổi bị lừa làm tiếp viên phục vụ quán karaoke tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Trước đó, gia đình cháu gái báo tin đến cơ quan công an Quảng Nam về việc cháu đột nhiên bỏ nhà đi không liên lạc được. Sau một thời gian tìm kiếm, rà soát, cơ quan điều tra đã phát hiện cháu đã đi cùng một nam thanh niên di chuyển từ tỉnh Quảng Nam đến Vĩnh Phúc. Sau đó, cơ quan này đã thành công trong việc giải cứu cháu bé và bàn giao cháu cho gia đình.

Cũng mới đây, một bé trai 13 tuổi đã khiến cả gia đình kinh hãi sau một phen mất tích. Bé trai ngụ Bình Tân, TPHCM, đang học hành đàng hoàng bỗng một ngày nọ bỏ nhà đi. Cả gia đình hoảng hốt, đăng thông tin khắp nơi tìm kiếm, sau đó nhận được tin báo từ một người dân ở Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết đã gặp cháu ở trên địa bàn. Sau khi đến đón con, gia đình mới biết, con họ theo lời bạn trên mạng rủ rê, tự đạp xe xuống Vũng Tàu để gặp mặt. Trên đường đi, cháu nhặt xe chai, xin ăn để sống quá ngày và ở nhờ nhà một người dân cho đến khi gia đình đón được.

Còn khá nhiều những vụ mất tích như thế. Có những vụ may mắn gia đình tìm được con, nhưng cũng có những vụ mà hành trình tìm kiếm trải qua nhiều tháng trời đã trở nên vô vọng. Nhiều trường hợp bị những người bạn mới quen trên mạng, thậm chí cả hàng xóm chiêu dụ “đi bán cà phê”, “đi bán hàng lương cao”... để rồi bị lừa đưa vào các sòng bài bên kia biên giới, các ổ buôn người tống tiền, tụ điểm karaoke, động mại dâm trá hình...

Kĩ năng nhận diện cạm bẫy

Cạnh đó, còn không ít cái bẫy nguy hiểm khác đang rình rập trẻ từ mạng xã hội đến môi trường chung quanh. Có không ít trường hợp, trẻ trở thành nạn nhân của những kẻ ấu dâm, nhưng tên biến thái trên mạng xã hội, tiếp cận, dụ dỗ trẻ nếm “trái cấm”.

Một trường hợp khác đang dần phổ biến là những tổ chức lừa đảo nhắm đến đối tượng là các thiếu niên mới lớn. Như câu chuyện của em Nguyễn Thị K. T., 14 tuổi, ngụ ở Bình Thuận, khi xem thông tin tại một trang Fanpage trên mạng xã hội, em được quản trị trang thông báo là đã trúng thưởng một máy điện thoại Iphone và sẽ gửi đến tận nhà. Khi em T. đang vui mừng, quản trị trang thông báo em T. phải đóng 1 triệu đồng tiền thuế để nhận được điện thoại. Em T. sợ gia đình mắng nên đã bán chiếc xe đạp để đi học, lấy tiền mua thẻ cào nạp cho đối phương theo hướng dẫn.

Cạnh đó, đã xảy ra không ít sự việc các em bị những kẻ thuộc đường dây tín dụng đen, cho vạy nặng lãi lừa đảo vay tiền tiêu xài, sau đó bị “khủng bố” đòi số tiền lãi khủng, để rồi người thân phải đứng ra gánh hậu quả.

Hiện nay, công nghệ phát triển, mạng xã hội ẩn chứa quá nhiều cạm bẫy, tai hoạ chực chờ mỗi người dùng, kể cả người lớn chứ chưa nói đến trẻ nhỏ. Ngày càng xuất hiện nhiều những đối tượng xấu tận dụng mạng xã hội, kết bạn, giả yêu đương để lừa đảo, dụ dỗ trẻ em gây ra những hậu quả khó lường.

Giờ đây, hầu hết các em thiếu niên đều có điện thoại thông minh để sử dụng liên lạc và giải trí. Đáng ngại là nhiều phụ huynh vì bận rộn giao hẳn điện thoại cho con dùng, ít kiểm tra con đang sử dụng để làm gì, có kiểm tra cũng chỉ sơ sài bên ngoài chứ không tìm hiểu kĩ, cũng không để tâm những thay đổi, chuyển biến bất thường trong sinh hoạt, lối sống, tâm sinh lý của con. Để đến khi sự việc đau lòng xảy ra mới hối hận thì đã muộn.

Theo các chuyên gia tâm lý, ở thời đại hiện nay, không dễ để cho trẻ “nói không” với thiết bị điện tử thông minh bởi những tiện ích trong kết nối, học tập, giải trí mà nó mang lại. Tuy nhiên, trước khi cho con sử dụng, phụ huynh cần phải có sự tìm hiểu kĩ điểm lợi, hại, đồng thời có sự giáo dục kĩ năng nhất định. Cần dạy con hiểu những cạm bẫy, thủ đoạn có thể diễn ra trên mạng và cả chung quanh, đồng thời kĩ năng làm thế nào để đối phó, tránh xa các cạm bẫy ấy.

Bản thân phụ huynh cũng cần cập nhật các phương pháp quản lý thiết bị thông minh, các ứng dụng quản lý những gì trẻ xem trên di động và cả thông tin những thủ đoạn lừa đảo mới để có thể đề phòng, giáo dục ý thức cảnh giác ở con.

Có như thế, may ra mới cùng con đi qua những hiểm nguy của thời đại công nghệ phát triển, nhiều hình thức lừa đảo dụ dỗ tinh vi ngày một lớn mạnh như hiện nay.

Đọc thêm