Day dứt những phiên tòa cuối năm

Trái với không khí vui tươi hối hả những ngày giáp Tết, các phòng xử TAND TP. Hà Nội thâm nghiêm vẫn tuần tự từng đoàn xe bít bùng chở phạm nhân từ trại giam ra Tòa, rồi lại từ Tòa về trại. Ẩn trong mỗi phiên tòa cuối năm là những tâm tư khó nói hết bằng lời...

Trái với không khí vui tươi hối hả những ngày giáp Tết, các phòng xử TAND TP. Hà Nội thâm nghiêm vẫn tuần tự từng đoàn xe bít bùng chở phạm nhân từ trại giam ra Tòa, rồi lại từ Tòa về trại. Ẩn trong mỗi phiên tòa cuối năm là những tâm tư khó nói hết bằng lời...

“Ngã ngựa” trên đường mưu sinh

Những ngày này, thay vì tất bật chuẩn bị đón năm mới thì gia đình, người thân của bị cáo Nguyễn Đức Ngọc và bị hại Nguyễn Xuân Tiến (cùng quê Việt Trì, Phú Thọ) lại phải lũ lượt tìm đến TAND TP.Hà Nội để tham dự phiên tòa “Giết người”. Và những giọt nước mắt đau xót, tủi hờn lại rơi trên những gương mặt lam lũ của người thân, tiếc thương cho người thiệt mạng, kẻ phải giam cả tuổi thanh xuân trong trại chỉ vì những xô xát nhỏ.

Các bị cáo tại tòa

Bị cáo Ngọc và bị hại Tiến cùng làm nghề khai thác cát trên sông Lô, xuôi sông Hồng về Hà Nội bán. 19h ngày 7/4/2010, tàu của Tiến đến khúc mở cầu phao, thuộc xã Võng La (Đông Anh, Hà Nội) luồng, lạch bị thu hẹp nên tàu nào cũng muốn qua nhanh. Tàu của Tiến đã va chạm với tàu chở cát khác do anh Trần Huy Quân (24 tuổi, ở TP.Việt Trì) điều khiển, trên tàu có Nguyễn Đức Ngọc, Bùi Văn Chiểu (24 tuổi, ở huyện Phù Ninh, Phú Thọ) và Nguyễn Đức Ánh (17 tuổi, em trai Ngọc). Sau cú va chạm, nhóm người trên hai tàu cãi chửi, dùng than đá, bát đĩa, chai thủy tinh giao chiến. Tàu của Tiến đã ép tàu Quân mắc cạn và vượt lên đi trước.

Đến cảng cát sỏi thuộc xã Xuân Canh (Đông Anh) tàu của Tiến vào bến. Tại đây, Tiến gặp Nguyễn Ngọc Tám (45 tuổi, cậu vợ của mình) và kể lại chuyện xô xát. Tiến đã rủ ông Tám lên tàu của mình để nếu gặp tàu của Ngọc thì cậu vợ sẽ “yểm trợ” cho mình.

Khi đi qua ngã ba sông Hồng và sông Đuống, thấy “đối thủ” phía trước, ông Tám đứng ở mũi tàu và bảo một thanh niên làm thuê dùng dây neo sang tàu của Quân nhưng do tàu của anh Quân tăng tốc nên ý định này không thực hiện được. Tiến cố điều khiển mũi tàu áp sát vào sườn trái tàu đối thủ.

Ngay sau đó, Tiến cùng ông Tám và Nguyễn Trung Kiên (19 tuổi, em vợ Tiến) cầm gậy gỗ, tuýp sắt nhảy sang giao chiến. Không ngờ, đúng lúc đó họ bị Ngọc đứng trên khoang chứa cát đã dùng xẻng vụt trúng đầu ông Tám và Tiến. Ông Tám thiệt mạng, còn Tiến bị rơi xuống sông, 3 ngày sau mới tìm thấy xác.

Nhận định phía bị hại là người có lỗi trước, TAND TP.Hà Nội đã chừa cho Nguyễn Đức Ngọc con đường sống khi chỉ tuyên phạt bị cáo mức án tù chung thân về tội “Giết người”. Các bị cáo Bùi Văn Chiểu 18 tháng cộng với 31 tháng 8 ngày treo trong vụ án khác, tổng cộng 49 tháng 8 ngày; Nguyễn Xuân Kiên 15 tháng 20 ngày nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Đức Ánh 2 năm cải tạo không giam giữ về tội danh “Gây rối trật tự công cộng”.

Mối thù con trẻ

Cũng trong một ngày cuối năm giá rét, sân tòa Hà Nội lại “tiếp” đoàn khách đến từ Đông Anh (Hà Nội). Họ là cha mẹ, người thân và bạn bè của đám bị cáo vốn là học trò lớp 10 Trường THPT Ngô Tất Tố (huyện Đông Anh). Thật đau lòng, chỉ vì mâu thuẫn trẻ con, thiếu kiềm chế mà Nguyễn Thế Ngọc và đám bạn đã phải giã từ áo trắng học trò để khoác áo tù trong vụ án “Giết người”.

Sự việc xảy ra vào ngày 14/5/2010, trong giờ giải lao giữa tiết học, Nguyễn Tiến Đạt, học sinh lớp 10A9, Trường THPT Cổ Loa ra sân trường chơi thì bị Trần Văn Minh, học sinh lớp 10A12 bất ngờ vỗ mạnh vào vai.

Bị đau, Đạt đã phản ứng lại Minh, đôi bên xô xát nhưng đã được giải quyết ổn thỏa. Nhưng do bản tính trẻ con hiếu thắng nên ngày 22/5, Minh điện thoại cho em họ tên Ngọc kể lại chuyện bị Đạt “đánh” và bàn kế hoạch trả thù vào ngày bế giảng năm học. Đúng hẹn, Ngọc rủ thêm các chiến hữu là Lê Ngọc Lâm (16 tuổi, học sinh lớp 10) đến đợi ở cổng trường Cổ Loa.

Lúc đó, Ngọc và Lâm gặp Nguyễn Huy Tiến và Trần Cao Cường, 16 tuổi, học sinh lớp 10 đang đứng cùng một số người khác. 10h30, cả bọn thấy Đạt dắt xe ra về. Do được Minh chỉ cho biết mặt Đạt, lập tức Ngọc chạy bộ đuổi theo xe đạp của Đạt. Thấy thế, Minh, Tiến, Lâm, Cường và Đỗ Ngọc Tuấn (16 tuổi) cũng chạy theo. Minh là người xông đến đấm liên tiếp vào mặt Đạt, cả bọn hùa theo xông vào đấm, đá. Khi thấy bảo vệ của trường tới, nhóm côn đồ mới bỏ chạy. Đạt được đi cấp cứu nhưng đã tử vong do chấn thương sọ não.

Tại Tòa, gia đình bị hại cho biết đã nhận được bồi thường 100 triệu đồng của phía các bị cáo - đây được coi là một tình tiết giảm nhẹ tội. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt Minh 11 năm tù, Ngọc 10 năm tù, Lâm và Tuấn mỗi bị cáo 7 năm tù, Tiến và Cường mỗi bị cáo nhận 9 năm tù về tội “Giết người”. Bản án đã tuyên nhưng tiếng nức nở ai oán vẫn bao trùm khán phòng. Có lẽ năm nay, tất cả các gia đình bị cáo và bị hại đều mất Tết...

Trăn trở những phiên tòa giáp Tết...

Những ngày Tết cận kề, các Tòa án dường như phải làm việc khẩn trương hối hả hơn, phải “chạy nước rút” để kịp khép lại những hồ sơ năm cũ. Vì thông thường tâm lý “nhà Tòa” và người dân rất ngại việc “đáo tụng đình” hay “khai đao” những ngày đầu năm mới.

Bên cạnh đó, việc xét xử lưu động, xử điểm các vụ án buôn bán pháo nổ, ma túy vẫn đang ráo riết thực hiện theo đúng kế hoạch - mặc cho Tết đến Xuân về mỗi lúc một gần. Được biết năm nay lịch phiên tòa hình sự của nhiều Tòa án trên địa bàn Hà Nội “chốt” lại khá muộn, vào ngày 26 tháng Chạp.

Các phiên tòa dân sự thì “lác đác” hơn vì còn phụ thuộc vào yêu cầu “đỏng đảnh” của các đương sự. Người thì muốn xử trong năm cũ, không để việc kiện tụng dây dưa lây sang cả năm sau; nhưng cũng có người tranh thủ tháng “củ mật” làm ăn, không vội ra Tòa...

“Những phiên tòa cuối năm bao giờ cũng để lại trong lòng tôi một nỗi day dứt, ám ảnh khó quên. Việc quyết định mức án thường là rất khó khăn, bởi trong bối cảnh này, tâm lý Hội đồng xét xử bao giờ cũng muốn “nương tay” hơn với bị cáo. Nhưng pháp luật thì luôn phải nghiêm minh và công bằng, cho nên, nhiều trường hợp, trăn trở day dứt lắm mà không thể nào khác được...”, một nữ Thẩm phán tâm sự với chúng tôi như thế, sau khi vừa tuyên án xong một phiên tòa cuối năm.

Rời vị trí “nữ Bao Công”, chị lại trở về với vai trò một người phụ nữ của đời thường, tảo tần với những lá bánh, gạo nếp, đậu xanh để chuẩn bị cho gia đình một cái Tết đầy đủ, tươm tất trong điều kiện giá cả leo thang mà đồng lương thì eo hẹp...

Trần Nguyên 

Đọc thêm