Đẩy mạnh cai nghiện tại gia đình và cộng đồng

(PLO) -  Ngày 31/7, tại Đà Nẵng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực  hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy và triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng chống tệ nạn xã hội đối với các tỉnh, thành phố trọng điểm. 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Người nghiện các tỉnh phía Nam tăng

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 10.617 người so với cùng kỳ năm 2015 (200.134 người); ngoài nghiện Heroin, số người sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS), “cỏ Mỹ” (XLR– 11) tăng nhanh, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố phía Nam như: TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Người sử dụng ma túy tổng hợp có rối loạn tâm thần và một số có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Tính đến nay, cả nước có 132 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó có 110 cơ sở công lập và 22 cơ sở ngoài công lập do tổ chức cá nhân thành lập. Trong số 110 cơ sở công lập có 5 cơ sở cai nghiện bắt buộc, 75 cơ sở cai nghiện tổng hợp (cai bắt buộc, cai tự nguyện, Mathadone, quản lý người nghiện có nơi cư trú ổn định), 24 cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện và Mathadone, 6 cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội.

Tổng số người được điều trị cai nghiện tại các cơ sở khoảng 27.918 học viên, trong đó cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án cho 17.488 học viên, tăng 12.461 học viên so với năm 2015, trong đó có 10.422 học viên không có nơi cư trú ổn định, chiếm 59,5%. Cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập cho 3.576 học viên; điều trị thay thế bằng thuốc Methadone cho 50.663 người, trong đó điều trị tại các cơ sở của ngành Y tế 48.229 người, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội 2.434 người. Cai nghiện tại cơ sở tư nhân 5.300 lượt học viên; quản lý sau cai tại cơ sở quản lý sau cai là 1.763 học viên; quản lý tại cơ sở xã hội là 2.538 người.

Cải thiện môi trường  cai nghiện cho người nghiện ma túy

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe nhiều ý kiến, báo cáo tham luận cũng như chia sẻ kinh nghiệm của các địa phương xoay quanh những vấn đề còn tồn tại như: Văn bản pháp luật, quy định cai nghiện bắt buộc, quy định về cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; quy định về quản lý sau cai nghiện tại Trung tâm theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 và Nghị định 94/2009/NĐ- CP; về tổ chức thực hiện; xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ ban đầu; về giáo dục tại xã phường, thị trấn đối với người nghiện; Tòa án xem xét quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; nguyên nhân các vụ học viên bỏ trốn trong thời gian qua.

Được đánh giá có nhiều kinh nghiệm đổi mới trong công tác cai nghiện ma túy, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên chia sẻ kết quả triển khai mô hình thí điểm dự phòng cai nghiện trên địa bàn. Các biện pháp như: xã hội hóa, đa dạng hóa hình thức cai nghiệ; cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp thuốc nam tại Bệnh viện Y học cổ truyền; cảm hóa, giáo dục người lần đầu sử dụng trái phép chất ma túy; có chính sách hỗ trợ 10.000 triệu đồng cho người sau cai nghiện ma túy thành công 5 năm không tái nghiện; thành lập mô hình can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy…”, mà thành phố này áp dụng rộng rãi, đang có nhiều hiệu quả… để các đại biểu tham dự cùng trao đổi, phân tích và nhìn nhận.

Trong khi đó, đại diện TP HCM nêu vấn đề: “Muốn cảm hóa được người nghiện, chúng ta cần xem người nghiện ma túy như người bệnh”. Chính vì vậy, trong thời gian qua TP HCM đã không để xảy ra tình trạng người nghiện trốn khỏi Trung tâm. Bên cạnh đó, TP còn đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị một cách bài bản giúp người nghiện có không gian và môi trường điều trị thích hợp, góp phần nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Đại diện TP HCM cũng kiến nghị Chính phủ sớm có văn bản quy định đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú, đối tượng người nghiện chưa thành niên; kiến nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn phương pháp điều trị người nghiện ma túy tổng hợp.

Tại Hội nghị, đại diện tỉnh Sơn La nhấn mạnh thực trạng tình hình tội phạm ma túy xuyên biên giới hết sức phức tạp. Vì vậy, tỉnh mong muốn bộ, ngành phối hợp chặt chẽ và có cơ chế đặc thù cho các địa phương có địa bàn nóng và phức tạp. Bên cạnh đó, đại diện Hải Phòng đề xuất, nên hình thành Trung tâm dự phòng điều trị và lạm dụng chất; mô hình này ở nước ngoài áp dụng rất hiệu quả. 

Trong báo cáo tóm tắt Kết quả thí điểm thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, theo Nghị định 109 của Chính phủ hiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy chỉ có y sỹ chứ không có bác sỹ, đội ngũ cán bộ còn hạn chế về trình độ cũng như kỹ năng tư vấn và điều trị. Giải pháp trọng tâm cần đẩy mạnh trong thời gian tới là tập trung đẩy mạnh cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; không tập trung đối tượng quá đông tại một cơ sở cai nghiện mà cần phân nhỏ ra nhiều nơi, đồng thời cải thiện môi trường cai nghiện mới có thể thành công. Các địa phương nên vận dụng các thể chế để triển khai một cách hiệu quả trong thời gian tới. 

Đọc thêm