Đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm công nghệ cao

(PLVN) - Hôm qua (7/2), tại chương trình Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 1/2025, vấn đề phòng ngừa tội phạm công nghệ cao được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm.
Lấy lời khai một số nghi phạm trong Chuyên án CPC9. (Ảnh: Công an cung cấp)

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho hay, vấn đề lừa đảo qua mạng thời gian qua đã được Bộ Công an tập trung triệt phá hết sức hiệu quả, mang tính chất “làm một vụ, cảnh tỉnh cả lĩnh vực”.

Trong đó, mới đây Công an tỉnh Bắc Ninh đã triệt phá một vụ án lớn liên quan lừa đảo qua mạng với hơn 13.000 bị hại. Nhóm đối tượng này câu kết lừa đảo hết sức chặt chẽ, từ người viết kịch bản tới người thực hiện.

“Bộ Công an xử lý rất tốt rồi, giờ tiếp tục công khai thủ đoạn lặp đi lặp lại trong các vụ việc làm sao để người dân biết, tránh. Nếu các vụ việc như vậy mà người dân không quan tâm nhiều thì vẫn tiếp tục bị lừa đảo...”, bà Hải nêu quan điểm.

Giải trình sau đó, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, lực lượng công an đã thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự. Thượng tướng Tỏ khẳng định về an ninh chính trị thời gian qua ổn định, an ninh trên tất cả các lĩnh vực khác đang nằm trong tầm kiểm soát của các lực lượng. Về án trật tự xã hội giảm rõ rệt, trọng án đều khám phá 100%. Về an toàn giao thông, năm 2024 số vụ tai nạn giao thông giảm lên đến 36%, là điều rất đáng mừng. Về cháy nổ có xảy ra nhưng là số ít, giải quyết kịp thời.

Liên quan vấn đề tội phạm trên không gian mạng, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh đây là vấn đề nan giải, mang tính chất toàn cầu. Ông chỉ rõ các đặc điểm của dạng tội phạm này là sử dụng công nghệ cao, thủ đoạn đa dạng, phối hợp, câu kết trong ngoài, cả Việt Nam và các nước trên thế giới. Do công nghệ cao nhiều lúc tội phạm lập các hộp thư ảo, các thủ đoạn ảo khó khăn nhưng lực lượng công an đã tập trung và phá được nhiều vụ án.

Nêu rõ về việc nhiều người dân là bị hại của tội phạm công nghệ cao, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh cần đẩy mạnh công tác phòng ngừa. “Hiện nay trong công tác phòng, chống tội phạm thì phòng ngừa nghiệp vụ là của lực lượng công an. Còn với phòng ngừa xã hội là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chứ không chỉ có lực lượng công an. Về nội dung này, chúng tôi tiếp thu nhưng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ công an không thể một mình làm được công tác tuyên truyền này”, Thượng tướng Tỏ nói.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ tại phiên họp. (Ảnh: P.Thắng)

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ một số nội dung cần bổ sung vào báo cáo dân nguyện tháng 1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao đợt cao điểm trấn áp tội phạm, triệt phá nhiều đường dây tội phạm trên không gian mạng, bảo đảm trật tự xã hội, an toàn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.

Ông Phương đề nghị Bộ Công an nghiên cứu công khai thủ đoạn lừa đảo trên mạng, tuyên truyền cho Nhân dân về các thủ đoạn, tác hại. “Việc này mình chả giấu làm gì. Cơ quan, địa phương tăng cường tuyên truyền thấy rõ tính chất của tội phạm an ninh mạng. Đây là tội phạm công nghệ cao, thủ đoạn phức tạp, câu kết trong, ngoài. Nếu còn tư tưởng hám lợi càng khiến dễ bị lừa đảo hơn”, ông Phương nói.

Trước đó, sau hơn hai tháng thực hiện Chuyên án CPC9, Công an tỉnh Bắc Ninh và các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an, các cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Nam và Công an 11 tỉnh, thành TP HCM, Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa… đã triệt xóa đường dây lừa đảo xuyên biên giới sử dụng công nghệ cao với các thủ đoạn tinh vi.

Bước đầu CQĐT đã triệu tập, bắt giữ 60 người. Trong đó có cả chủ mưu, cầm đầu, quản lý có vai trò quan trọng trong ổ nhóm, đồng thời thu giữ hàng trăm điện thoại di động và nhiều tài liệu liên quan.

Các nghi phạm được xác định thực hiện nhiều hành vi như mua bán người, xuất cảnh trái phép, rửa tiền và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ ngày 28/5/2024 - 13/1/2025, có hơn 13.000 người bị chiếm đoạt với tổng số tiền gần 1.000 tỉ đồng. Người bị chiếm đoạt nhiều nhất gần 12 tỉ đồng.

Băng nhóm lừa đảo được xác định hoạt động ở khu vực Tam Thái Tử, thành phố Bà Vẹt, Svay Riêng, Campuchia. Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh công an, cán bộ ngành thuế, điện, giáo dục rồi gọi điện thoại yêu cầu bị hại cập nhật thông tin căn cước công dân, nộp hồ sơ nhập học trực tuyến, khám sức khỏe, kê khai thuế… Sau đó, các bị hại sẽ bị chiếm quyền sử dụng điện thoại và tiền trong tài khoản ngân hàng.

Đọc thêm