Tránh tư tưởng nóng vội nhưng không để mất cơ hội
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, nội dung ba Nghị quyết và Kết luận Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII thông qua là rất hệ trọng, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương lớn, nhất quán của Đảng được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Về vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực uy tín ngang tầm nhiệm vụ nêu trong hai Nghị quyết, trong đó đề cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, Thường trực Ban Bí thư cho rằng Kết luận số 14 của Bộ Chính trị đã nói rất rõ vấn đề này, nhưng trong thực hiện vẫn chưa tốt, bởi vậy, trong triển khai Nghị quyết cần phải thể chế hóa, nghiên cứu kỹ việc này, qua đó động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ làm việc; đồng thời nhấn mạnh phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống”. Để cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, sai phạm, phải đặt ra một sức ép trong Đảng, trong xã hội, trong tổ chức...
Trong số các Nghị quyết, Kết luận tại Hội nghị Trung ương 6, có hai Nghị quyết mang tính tư tưởng chỉ đạo, tính thời sự cao, đó là Nghị quyết về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong giai đoạn mới” (Nghị quyết 27-NQ/TW) và Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” (Nghị quyết 28-NQ/TW).
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và đổi mới phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị là rất hệ trọng, vì vậy trong quá trình tiến hành phải kiên định vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; có quyết tâm chính trị cao, đồng thời phải cẩn trọng, có bước đi vững chắc.
Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi đã rõ, chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao, thì kiên quyết đổi mới, kiên quyết thực hiện. Những vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm. Những chủ trương đã thực hiện nhưng không phù hợp thì nghiên cứu, điều chỉnh sửa đổi kịp thời. Đây là tư tưởng chỉ đạo rất quan trọng trong cả hai nghị quyết.
Theo Thường trực Ban Bí thư, đây không phải là lần đầu tiên Đảng nêu ra vấn đề này, nhưng Hội nghị Trung ương 6 lần này nêu ra với quyết tâm cao hơn, đòi hỏi các tổ chức đảng, đảng viên phải khẩn trương hơn. Cùng với việc khẩn trương, quyết tâm thực hiện, Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý trong quá trình thực hiện cần tránh tư tưởng nóng vội nhưng cũng không bỏ qua hoặc để chậm, làm ảnh hưởng đến sự phát triển. Ông cho rằng, nóng vội không được, nhưng nếu lấy lý do bàn kỹ vì còn nhiều ý kiến khác nhau, đôi khi lại mất cơ hội và cuối cùng người dân là người bị thiệt thòi nhất.
“Cần phải hết sức lưu ý chuyện đó, đồng thời kế thừa, phát huy những thành tựu kết quả, kinh nghiệm tốt đã được thực tiễn chứng minh là đúng”, Thường trực Ban Bí thư lưu ý; đồng thời đề nghị, ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực phải vừa quán triệt các nguyên tắc chung, vừa phải phù hợp với đặc điểm yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo của từng cấp, từng lĩnh vực, từng tổ chức.
Bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm
Nêu một số nội dung trong hai nghị quyết về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị, ông Võ Văn Thưởng yêu cầu, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước; khắc phục tình trạng cấp dưới đi hỏi cấp trên những vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc cấp trên trả lời chung chung khi có vướng mắc. Ngoài ra, cần nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu, giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm. Quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn.
Thường trực Ban Bí thư cho biết, gần đây có tâm lý sợ trách nhiệm, ngại trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên. Trong đó người dân phê bình, nói đôi khi cán bộ vì sự an toàn của mình mà đẩy hết khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Trên cơ sở những vấn đề mà các báo cáo viên nêu ra, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, việc học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết, Kết luận Hội nghị Trung ương 6 phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, xuyên suốt nhiệm kỳ, đồng thời với việc tuyên truyền giới thiệu mô hình, điển hình hay. Trong quá trình thực hiện kịp thời phê bình các tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt; chú trọng công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch.
Đặc biệt phải quan tâm đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Trung ương bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả. Có sự phân công, phân nhiệm, lộ trình thực hiện rõ ràng, khả thi, hiệu quả với phương châm “chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20”; khắc phục tình trạng “nghị quyết thì rất hay nhưng mà thực hiện thì rất gay...”.
Ngay sau Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, tại nhiều địa phương đã tổ chức Triển khai chương trình hành động thực hiện các nghị quyết Trung ương.
* Chiều 6/12, Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) đã quán triệt, tổ chức lấy ý kiến đối với các dự thảo Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII. Về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng đây là vấn đề lớn, rộng, phức tạp, đa dạng, phong phú, còn nhiều ý kiến khác nhau. Một trong những nội dung trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện trợ giúp pháp lý, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường phân cấp, phân quyền...
Đối với Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ động, tích cực hơn, có quyết tâm chính trị cao. Đồng thời cần thận trọng, có bước đi vững chắc, vừa làm vừa tổng kết rút kinh nghiệm. Chương trình hành động lần này cần phải có sự góp ý kiến sâu sát, sát với thực tiễn và phải có tính khả thi.
* Ngày 7/12, Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức Hội nghị triển khai các chương trình hành động, kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết, Kết luận Hội nghị lần thứ 5, lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; quán triệt, triển khai một số Nghị quyết của Bộ Chính trị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Nhà văn hóa trung tâm tỉnh đến 216 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố và các đảng bộ trực thuộc tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy nhấn mạnh, những nội dung, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo tại Hội nghị Trung ương 5, Trung ương 6 khóa XIII của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị là những vấn đề lớn, cơ bản, hệ trọng, tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và cương lĩnh xây dựng đất nước. Bà Lê Thị Thủy đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở tập trung quán triệt sâu sắc những vấn đề mới, các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trong các Nghị quyết để thấy rõ đây là những nội dung cơ bản, hệ trọng, có liên quan mật thiết, đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và quá trình phát triển kinh tế - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh của tỉnh, của địa phương và nâng cao đời sống nhân dân…
* Ngày 7/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII. Trong chương trình thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới", Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đề ra nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật.
Một số nhiệm vụ được Hậu Giang nêu ra như đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; tiếp tục tham gia xây dựng hệ thống pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển của địa phương; đẩy mạnh đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân; quan tâm đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả…
Vân Anh - Thương Mến