Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả và những điểm nổi bật của lĩnh vực KH&CN trong năm qua.
Phó Thủ tướng điểm lại những dấu ấn kinh tế nước nhà trong năm 2020, trong đó với sự tăng trưởng đáng khích lệ khi Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tăng trưởng kinh tế dương với mức 2,91%. Năng suất lao động được cải thiện, bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 ( 4,3%/năm), và vượt mục tiêu đề ra (5%/năm).
Bên cạnh đó, chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam đứng ở vị trí 42/131 quốc gia, nền kinh tế, duy trì thành công thứ hạng đã đạt được năm 2019 và đứng thứ nhất trong nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế có cùng mức thu nhập, đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia. Hệ thống Đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 30 bậc, với kết quả tốt hơn ở chỉ số Hợp tác Viện trường-doanh nghiệp, xếp hạng thứ 65 (tăng 10 bậc) và chỉ số Quy mô phát triển của cụm công nghiệp, xếp hạng thứ 42 (tăng 32 bậc).
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao và ghi nhận sự chuyển biến trong hoạt động của Bộ KH&CN, đã nhanh nhạy, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất (vaccine, kit thử, phòng chống dịch...).
Trong năm vừa qua, bên cạnh việc ưu tiên các ứng dụng để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19, Bộ KH&CN đã phát huy hiệu quả vai trò là cơ quan thực hiện nhiệm vụ đầu mối triển khai Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa, với việc triển khai thực hiện các dự án thành phần như Dự án Kho học liệu số igiaoduc.vn, Dự án bản đồ số Việt Nam vmap.vn và Dự án Bách khoa toàn thư số của Việt Nam.
Bộ KH&CN cũng đã làm rất tốt các nhiệm vụ nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học cho Tổ văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Phó Thủ tướng dẫn ví dụ từ những tòa nhà chọc trời được thi công, những công trình lớn được xây lắp bởi những con người Việt cho thấy năng lực khoa học công nghệ của đất nước rất lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ KH&CN cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan và kỹ hơn một số tồn tại, hạn chế của ngành để tập trung khắc phục, có giải pháp đột phá trong thời gian tới.
Cái quan trọng hàng đầu là đổi mới hệ thống sáng tạo với vai trò doanh nghiệp là trung tâm đã được làm, đã có tiến bộ tuy nhiên chưa có cơ chế vượt trội, từ cơ chế hoạch toán cho doanh nghiệp cho đến thuế. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế vượt trội, tháo những điểm ách tắc và minh bạch hơn nữa trong cơ chế tài chính.
Theo Phó Thủ tướng nếu không thay đổi quan niệm “nghiên cứu khoa học phải có rủi ro” thì sẽ rất khó. Vì vậy ông mong Bộ KH&CN phải đồng lòng lên tiếng, từ đó sẽ thúc đẩy Hệ thống đổi mới sáng tạo.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn Bộ KH&CN phấn đấu đi đầu trong công khai minh bạch để tạo cơ chế thúc đẩy sáng tạo trong cộng đồng những người làm nghiên cứu và tạo điều kiện cho công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh về vai trò của KH&CN ở địa phương: “ Hiện nay, vai trò KH&CN ở địa phương chưa được chú trọng, tiếng nói của Giám đốc Sở KH&CN rất yếu. Nền kinh tế nước ta có được kết quả tốt một phần do cơ chế kinh tế của ta tất cả dựa vào nông dân, từ lương thực thực phẩm cho tới thuốc men đều do ta tự cung được. Đây chính là thế mạnh của chúng ta. Vì vậy cần phải tập trung đẩy mạnh KH&CN cấp địa phương” – Phó Thủ tướng nói.
“Các địa phương đã được chú trọng KH&CN như Bắc Giang thì rất tốt, chúng ta cần chú trọng thêm các địa phương khác nữa. Sở nào cảm thấy chưa được chú ý thì đăng ký với Giám đốc Sở KH&CN làm việc với Bộ trưởng Bộ KH&CN. Các địa phương tự mình nghĩ ra một hay hai vấn đề, lĩnh vực của địa phương, sau đó tập hợp thành các nhóm và Bộ KH&CN nên có chương trình, đề án để giải quyết các nhóm vấn đề đó cho các địa phương” – Phó Thủ tướng Chính gợi ý.